Tránh vỡ quỹ bảo hiểm, tính lại lương và tuổi nghỉ hưu?

Để tránh việc vỡ Quỹ Bảo hiểm cần từng bước tăng tuổi nghỉ hưu, mở rộng đối tượng cũng như tăng mức đóng bảo hiểm.

Việt Nam có rất nhiều người hưởng lương hưu mức thấp. (Ảnh: KT)
Việt Nam có rất nhiều người hưởng lương hưu mức thấp. (Ảnh: KT)

Hiện nay, các ban ngành chức năng đang bàn thảo, lấy ý kiến cho việc sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội. Một trong những vấn đề được quan tâm của Luật này là bảo hiểm hưu trí. Trên thực tế, lương hưu của phần lớn cán bộ hưu trí hiện nay không cao và cần phải được nâng lên, nhưng quỹ Bảo hiểm xã hội hiện đang trong tình trạng báo động. Làm gì để giải quyết ổn thỏa vấn đề này vẫn là một bài toán khó.

Bà Nguyễn Thị Phượng ở Quận 5, TP HCM hiện đang hưởng mức lương hưu hơn 1,3 triệu đồng/tháng. Với mức lương này, để sống được ở thành phố, bà Phượng phải làm thêm rất nhiều việc. Như vậy, bảo hiểm hưu trí trong trường hợp này đã không đảm bảo được an sinh xã hội như mục đích đề ra.

“Với mức lương hưu của tôi thì thật sự rất khó khăn. Sống thì chắc không sống nổi nếu không làm thêm việc này việc nọ để kiếm sống. Thành ra là, để giải quyết những khó khăn thì tôi phải đi làm hợp đồng thêm ở chỗ này, chỗ kia để có thêm thu nhập”, bà Phượng chia sẻ.

Cũng như bà Phượng, hiện ở TP HCM có rất nhiều người hưởng lương hưu mức thấp, khó có thể sống được bằng lương. Khảo sát thực tế của ngành chức năng cho thấy, trong số 160.000 người đang hưởng lương hưu của TP HCM thì có khoảng 24.000 người có mức lương hưu dưới 1,75 triệu đồng/tháng, tức là dưới mức thu nhập của người dân thuộc hộ cận nghèo của thành phố.

Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đang so sánh mức lương hưu với mức lương tối thiểu bình quân là khoảng 2,3 triệu đồng/tháng và chưa có con số cụ thể nhưng số người hưởng lương hưu dưới mức này khá đông. Trong khi đó, Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi lần này có một mục tiêu là phải làm sao nâng mức an sinh.

Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, để nâng mức an sinh cần có một số chính sách, ví dụ như căn cứ để đóng bảo hiểm hưu trí đơn giản, đóng ít hưởng ít, đóng nhiều hưởng nhiều. Vì vậy, đây là vấn đề cần phải tính toán về chính sách cho hợp lý.

“Ủy ban đang muốn thiết lập một sàn lương hưu tối thiểu như các nước. Ai thấp hơn sàn này thì nhà nước có hỗ trợ và xem như là phân phối lại từ phúc lợi”, bà Mai chỉ rõ.

Lương hưu cần được nâng lên là một vần đề rất rõ ràng. Nhưng thực tế hiện nay tại Việt Nam chỉ có 20% lực lượng lao động đóng bảo hiểm xã hội, thời gian đóng ngắn và mức tiền lương làm căn cứ đóng cũng thấp so với thu nhập thực tế, công thức tính lương hưu chưa hợp lý, số người nhận trợ cấp một lần tăng, tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội chưa giảm...

Chuyên gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, những bất cập này sẽ dẫn đến hệ thống hưu trí của Việt Nam không bền vững về tài chính trong dài hạn. Quỹ Bảo hiểm xã hội sẽ có thể thiếu hụt vào những năm 2020 và hết quỹ vào giữa những năm 2030.

Giải pháp mà Việt Nam phải sớm thực hiện để khắc phục tình trạng này là từng bước tăng tuổi nghỉ hưu, vừa mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội vừa tăng mức đóng bảo hiểm. Với việc sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội lần này, ngành chức năng kỳ vọng vào năm 2020, có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội.

Bà Nguyễn Nguyệt Nga, chuyên gia về an sinh xã hội của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhận định: Mục tiêu 50% lực lượng lao động vào năm 2020 của Việt Nam là hết sức lạc quan. Có thể vẫn thực hiện được nếu chúng ta có những cải cách cực kỳ lớn, đặc biệt là cải cách liên quan đến hệ thống Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Muốn thực hiện mục tiêu đó chỉ riêng chính sách là chưa đủ mà cần phải có phần năng lực thực hiện của hệ thống để đảm bảo có khả năng thu hút, tạo điều kiện thuận lợi cho người ta tham gia.

Theo bà Trần Thị Thúy Nga, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội thuộc Bộ Lao động- Thương binh - Xã hội, ở Việt Nam sự thay đổi quá chậm trễ. Từ năm 1960, tuổi thọ bình quân của người dân Việt Nam là 40 tuổi, thế giới là 48 tuổi. Năm 2010, tuổi thọ bình quân của người Việt đã lên 73 tuổi và bình quân của thế giới là 69 tuổi.

Thế giới với áp lực già hóa dân số như vậy, đã phải kéo dài thời gian làm việc, tức là tăng tuổi nghỉ hưu. Và có lẽ Việt Nam cũng phải học cách của các nước, là tăng dần chứ không thể tăng một lúc.

Liên quan đến vấn đề này, gần đây, trong một tọa đàm về những nội dung cải cách trong dự thảo Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi), có thông tin là cơ quan soạn thảo đã rút nội dung liên quan đến đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu ra khỏi dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), trước khi trình Quốc hội.

Tuy nhiên, với thực tế đặt ra hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, vẫn phải tính đến việc tăng tuổi nghỉ hưu, nhưng nên làm dần từng bước, chứ không tăng một cách đột ngột.
Theo Minh Hạnh/VOV TP HCM

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm