Hàn Quốc "khát" hơn 110.000 lao động ngoại, lương 37 triệu đồng/tháng
(Dân trí) - Theo kênh Channel NewsAsia, Hàn Quốc đang đối mặt với tình trạng thiếu lao động. Không ít nhà máy có chế độ đãi ngộ hấp dẫn, lương cao nhưng vẫn đang "ngóng" nhân công nước ngoài.
Công nhân nhập cư gửi về hơn 20 triệu đồng/tháng
Tại một trang trại nhà kính ở Pocheon, cách Seoul khoảng 41 km về phía đông bắc, chủ sở hữu Kim Jang-yeon cho biết vẫn đang gấp rút tuyển dụng công nhân.
"Tôi đã thuê nhân công địa phương trong các vụ mùa cao điểm, nhưng họ chỉ chiếm khoảng 20%, còn lại 80% là lao động nước ngoài. Đến nay, tôi vẫn rất cần tuyển thêm công nhân là người nhập cư", ông Kim nói.
Các chuyên gia cũng suy đoán rằng, nếu không có lao động nước ngoài, các nhà máy, trang trại tại Hàn sẽ không có nhân công.
Trong năm 2023, Hàn Quốc có kế hoạch đưa khoảng 110.000 lao động nhập cư vào làm việc tại các trang trại và nhà máy. Song, một số doanh nghiệp cho rằng con số về nhu cầu tuyển dụng sẽ còn cao hơn nữa.
Theo khảo sát của Liên đoàn Doanh nghiệp Hàn Quốc, khoảng 40% doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) cho biết, họ không nghĩ rằng chính phủ đã nắm bắt hết quy mô của vấn đề. Bởi thực tế, con số 110.000 lao động nước ngoài sẽ đến làm việc trong năm nay là không đủ.
Từ đó, có thể thấy khi Hàn Quốc ngày càng phụ thuộc vào lao động nhập cư, những chính sách cho lao động nhập cư cũng dần được xem xét kỹ lưỡng hơn.
Một công nhân người Campuchia làm việc tại trang trại được khoảng 7 năm, chia sẻ rằng công việc này giúp cô gửi về nhà khoảng 1.000 USD mỗi tháng.
"Gia đình tôi có 6 người đang làm việc tại đây. Bản thân tôi cảm thấy rất thích nơi này. Phòng của tôi rất đẹp và ông chủ cũng rất tốt", cô nói.
Giữa tháng 3/2023, Hàn Quốc cũng thông báo cần hơn 12.000 lao động Việt Nam trong năm nay cho Hệ thống cấp phép việc làm (EPS). Nhu cầu về lao động Việt Nam tại Hàn Quốc bao gồm khoảng 6.300 người cho ngành sản xuất, 4.000 người cho ngành thủy sản, 901 người cho ngành xây dựng và 841 người cho ngành nông nghiệp.
Để đủ điều kiện làm việc, lao động tham gia chương trình EPS phải vượt qua hai vòng kiểm tra, bao gồm kiểm tra trình độ ngoại ngữ và kiểm tra kỹ năng nghề nghiệp.
Bên cạnh đó, người lao động có độ tuổi từ 18-39; không có tiền án tiền sự và không bị trục xuất khỏi Hàn Quốc trước đó. Đồng thời, họ không thuộc diện bị cấm xuất cảnh khỏi Việt Nam; không có thành viên gia đình đang sinh sống bất hợp pháp tại Hàn Quốc.
Làm việc 15 giờ mỗi ngày
Kim Dal-sung, người điều hành Trung tâm Lao động Nhập cư ở Pocheon, cho biết, trong khi chính phủ đã nỗ lực cải thiện tình hình, điều kiện làm việc của nhiều lao động nhập cư vẫn rất khắc nghiệt.
Trong năm 2021, lao động nhập cư ở Pocheon làm việc từ 10-15 giờ mỗi ngày, chỉ được nghỉ 2 ngày thứ bảy mỗi tháng. Họ kiếm được khoảng 1.300 đến 1.600 USD mỗi tháng (tương đương 30-37 triệu đồng Việt Nam), thấp hơn nhiều so với mức lương tối thiểu.
Nhóm của ông Kim luôn thường xuyên đến thăm người lao động nước ngoài ít nhất hai lần/tuần hoặc thường xuyên gọi điện để giúp đỡ. Bởi nhân công luôn phải làm việc trong thời tiết khắc nghiệt, từ âm 15 độ đến 20 độ C.
Tại các trang trại ở Hàn Quốc, chủ sở hữu cũng đã bắt đầu xây dựng các công trình nhà ở mới, thích hợp với người lao động nhập cư. Bởi Chính phủ quyết định sẽ không cấp giấy phép lao động cho những công nhân phải sống trong nhà ở tạm hoặc container.
Động thái này bắt đầu từ vụ một công nhân Campuchia (31 tuổi) tử vong trong một ngôi nhà ở Pocheon vào mùa đông năm 2020. Cái chết này đã khiến nhiều người biết đến về điều kiện làm việc khắc nghiệt ở Hàn Quốc.
Từ đó, Hàn Quốc cũng dần đưa ra những chính sách thu hút lao động nhập cư như tăng lương, chế độ đãi ngộ, hạn mức tiếp nhận, thời gian làm việc,…
Bên cạnh đó, văn phòng Quản lý lao động theo Chương trình cấp phép việc làm nước ngoài (chương trình EPS) và Ban Quản lý lao động Việt Nam cho biết, luôn ưu tiên tổ chức nhiều hoạt động để quản lý, hỗ trợ lao động nước ngoài.
Trong đó, các đơn vị sẽ theo dõi người lao động suốt thời gian làm việc và sinh sống tại Hàn Quốc; đảm bảo họ được sống và làm việc tại Hàn Quốc theo đúng hợp đồng; theo dõi tình hình điều kiện, môi trường làm việc, đời sống, sinh hoạt, tâm tư nguyện vọng của người lao động.