Hai nút thắt trọng yếu của nhân lực TPHCM

(Dân trí) - TPHCM có lợi thế từ nguồn lao động nhập cư dồi dào. Nhưng để phát huy hiệu quả nguồn nhân lực, thành phố cần giải quyết 2 vấn đề lớn: Mất cân đối trong cơ cấu ngành nghề và trình độ nghề.

Nguồn lao động nhập cư rất lớn

Trong những năm qua, Nam bộ là vùng đô thị hóa nhanh, riêng TPHCM có tỷ lệ đô thị hóa lên đến 83% (cao nhất nước). Từ năm 1991 tới nay, các khu chế xuất, khu công nghiệp hình thành và phát triển đã thu hút một lượng lớn lao động nhập cư vào TPHCM.

Bình quân mỗi năm gần đây, TPHCM tăng thêm 200.000 người có đăng ký chính thức, trong đó có 2/3 là dân nhập cư và có từ rất nhiều nguồn như lao động tự do với trình độ thấp, người các tỉnh đến TPHCM học hành rồi ở lại lập nghiệp…

Đó là chưa kể khách vãng lai và lao động thời vụ từ các vùng khác đến cũng chiếm tỷ lệ không nhỏ (dao động từ 1-2 triệu người).

Nguồn lao động nhập cư này đã dẫn đến nhiều vấn nạn xã hội cho thành phố như quá tải hạ tầng, bệnh viện, trường học, nhà ở... Nhưng đó cũng là nguồn cung nhân lực rất lớn, luôn bổ sung cho nhu cầu phát triển thành phố.

Hai nút thắt trọng yếu của nhân lực TPHCM - 1

Mỗi năm, TPHCM đón hàng trăm ngàn lao động từ các tỉnh đổ về đây lập nghiệp (Ảnh: Phạm Nguyễn).

Trong giai đoạn 2020-2025 và đến 2030, dự báo mỗi năm nhu cầu thu hút lao động để đảm bảo sự phát triển của thành phố là khoảng 300.000-320.000 người, trong đó 130.000-150.0000 chỗ làm việc mới.

Đây là nhu cầu rất lớn mà tự thân nhân lực phát triển tự nhiên của thành phố khó đáp ứng được nên luồng di cư lao động là rất quan trọng, cần tận dụng tốt để phát triển thành phố.

Nhưng điều quan trọng nhất trong việc tận dụng nguồn lực lao động nhập cư là sự cân đối giữa nguồn cung đa dạng và nhu cầu nhân lực để phát triển thành phố tùy vào từng giai đoạn.

Hai nút thắt trọng yếu của nhân lực TPHCM - 2

Lao động nhập cư là nguồn lực rất lớn giúp TPHCM phát triển (Ảnh: Phạm Nguyễn).

Hai "nút thắt" trọng yếu

Dù ngành lao động thành phố đã có nhiều nỗ lực trong việc khảo sát, thông tin và định hướng phát triển các ngành nghề cho cân đối nhưng thực tế cho thấy hiện vẫn còn nhiều "nút thắt" khiến ngành nhân lực mất cân đối, trong đó có 2 nghịch lý lớn nhất là tình trạng mất cân đối trong cơ cấu ngành nghề và trình độ nghề.

Thứ nhất là mất cân đối trong cơ cấu trình độ nghề diễn ra khá phức tạp. Khảo sát cho thấy nhu cầu lao động trình độ đại học tại TPHCM hằng năm là 16%-18%, trong khi trình độ cao đẳng và trung cấp là hơn 50% nhưng cơ cấu nguồn cung lại khác hẳn.

Theo báo cáo mới nhất của Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM, trong tổng số nhu cầu nhân lực quý I/2021 của các doanh nghiệp trên địa bàn TP, chỉ có hơn 22% là trình độ đại học trở lên, còn lại đều là nhân lực có trình độ thấp hơn như cao đẳng (17%), trung cấp (24%), sơ cấp (25%)…

Tuy nhiên, trong tổng số người có nhu cầu tìm việc, trình độ đại học trở lên lại chiếm hơn 60%.

Hai nút thắt trọng yếu của nhân lực TPHCM - 3

Du lịch là một trong những ngành dịch vụ trọng yếu của TPHCM nhưng hiện vẫn thiếu nhân lực phù hợp (Ảnh: Phạm Nguyễn).

Nếu lượng người vào cao đẳng, trung cấp trong thời gian tới tiếp tục thấp hơn đại học thì sẽ gây ra hệ lụy như doanh nghiệp thiếu nguồn tuyển từ trường nghề. Trong khi đó, cử nhân đại học lại dư thừa, dẫn đến thất nghiệp, muốn có việc làm phải đào tạo lại, dẫn đến lãng phí tài nguyên xã hội và cơ hội phát triển nghề nghiệp của lao động.

Thứ hai là dù TPHCM đang thừa lao động trình độ cao nhưng lại thiếu nhân lực có trình độ cao cho những ngành nghề nằm trong định hướng phát triển (4 ngành công nghiệp chủ lực và 9 ngành dịch vụ trọng yếu), đặc biệt là trong các ngành kỹ thuật, quản lý sản xuất - kinh doanh.

Chính vì vậy, công việc dự báo và truyền thông, định hướng người lao động chọn ngành, chọn nghề, chọn trình độ nghề phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế của thành phố là rất quan trọng. Làm thế nào để tạo được nguồn nhân lực bảo đảm được các vị trí nòng cốt, ổn định trong doanh nghiệp, đồng thời bảo đảm công tác chuyển giao công nghệ là điều mà TPHCM cần quan tâm để kịp thời bổ sung lực lượng này.

Hai nút thắt trọng yếu của nhân lực TPHCM - 4

Các ngành sản xuất tại TPHCM đang rất thiếu lao động có kỹ năng nghề (Ảnh: Nam Thái).

Cần có chính sách linh động và phù hợp

Những năm gần đây, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đã nỗ lực rất nhiều nhưng dường như giáo dục nghề nghiệp chưa đủ sức tạo hấp dẫn trong xã hội.

Trong đó có nhiều nguyên nhân khách quan như học viên tốt nghiệp thường có việc làm ngay nhưng tốc độ thăng tiến còn chậm, việc đầu tư chưa đồng bộ khiến trang thiết bị của một số trường tương đối kém… Thực tế này cho thấy cần có sự điều chỉnh từ ngay cơ quan quản lý nhà nước của thành phố.

Người lao động nhập cư đa số là người trong độ tuổi thanh niên, người ở vùng nông thôn. Khi họ rời quê nhà vào thành phố làm việc, hay học tập xong lựa chọn ở lại thành phố làm việc đều xuất phát từ nguyện vọng là tìm việc làm có thu nhập để chăm lo cho cuộc sống và đóng góp cho gia đình; sâu xa hơn, họ mong muốn có sự nghiệp, có cuộc sống tốt hơn nơi quê nhà.

Hai nút thắt trọng yếu của nhân lực TPHCM - 5

Theo ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Đào tạo và Phát triển nhân lực (Ảnh: Tùng Nguyên).

Đây là tất yếu của thị trường lao động và cũng là vấn đề đặt ra cho các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp cần nghiên cứu để có chính sách phân bổ, sử dụng nguồn nhân lực phù hợp với đặc điểm từng địa phương, từng thành phần kinh tế và nhu cầu nhân lực theo từng giai đoạn phát triển của thành phố.

TPHCM với vị trí đô thị lớn sẽ từng bước chuyển đổi cơ cấu lao động phù hợp với phát triển cơ cấu kinh tế công nghệ hiện đại. Quá trình này sẽ hình thành các chính sách về phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó có chính sách sử dụng người từ các tỉnh, thành phố khác đến thành phố sinh sống, làm việc. 

Thành phố cần có chính sách ưu tiên phát triển nhân lực cho những ngành có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, đảm bảo nhu cầu lao động chất lượng cao cho 9 ngành dịch vụ, 4 ngành công nghiệp chủ lực theo định hướng phát triển; những nhóm ngành nghề có nhu cầu lao động nhiều, chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu lao động…

Trong giai đoạn hội nhập và tác động cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thị trường lao động thành phố tiếp tục phát triển đa dạng ngành nghề về quy mô, số lượng và chất lượng. Do đó, công tác dự báo cần làm thường xuyên và chính sách hỗ trợ cũng cần linh động, điều chỉnh cho phù hợp.

Ngoài ra, yếu tố quyết định dẫn đến sự thành công nghề nghiệp vẫn là sự chủ động của cá nhân người nhập cư, những nỗ lực, tự ý thức về bản thân mình và có ý chí vươn lên. Để có việc làm tốt, người dân nhập cư phải tham gia học văn hóa, học nghề và tìm hiểu rõ về thị trường lao động để chọn học kỹ năng nghề phù hợp với bản thân và thị trường. Điều này cũng cần có sự hỗ trợ dự báo, truyền thông định hướng nghề phù hợp của cơ quan quản lý.