Hà Nội: Tăng cường các điểm, sàn giao dịch việc làm vệ tinh

Theo ông Tạ Văn Thảo - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở LĐ-TB&XH) - Thời điểm cuối năm, các doanh nghiệp khối ngành thương mại dịch vụ sẽ có nhu cầu tuyển dụng lao động nhiều. Ngoài ra, các công việc bán thời gian sẽ được doanh nghiệp quan tâm nhiều hơn.

Thưa ông, từ nay đến Tết Nguyên đán 2018, nhu cầu thị trường nhân lực ở Hà Nội biến chuyển thế nào, thưa ông?

- Nhu cầu tuyển dụng lao động chắc chắn sẽ tăng nhanh hơn giai đoạn trước. Thời điểm trước Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp thường có xu hướng tăng cường tuyển dụng. Đặc biệt là lao động làm bán thời gian để hoàn tất đơn hàng, bán các sản phẩm phục vụ Tết.

Để hỗ trợ người lao động kết nối với doanh nghiệp, bên cạnh một số phiên giao dịch việc làm cố định, chúng tôi tiếp tục mở các phiên giao dịch chuyên đề. Người lao động có thể vào website của Trung tâm để tìm thông tin tuyển dụng phù hợp với nhu cầu bản thân.

Hà Nội: Tăng cường các điểm, sàn giao dịch việc làm vệ tinh - 1

Nhận của ông về những ngành nào sẽ có nhu cầu tuyển lao động nhiều nhất?

- Dự đoán của tôi chủ yếu thiên về các DN trong ngành sản xuất có số lượng tuyển dụng lớn. Đặc biệt, khối ngành thương mại - dịch vụ có nhu cầu nhiều ở vị trí nhân viên bán hàng, thu ngân, đưa hàng. Ngoài ra, các siêu thị, nhà hàng đang cần tuyển sinh viên làm bán thời gian, trả lương theo giờ.

Những giải pháp nào nhằm giúp người lao động tiếp cận việc làm một cách nhanh nhất với thông tin việc làm, thưa ông?

- Như tôi đã nói, trên website của Trung tâm luôn đăng tải các thông tin tuyển dụng của các doanh nghiệp, người lao động có thể vào đó tìm việc và trao đổi trực tiếp với người phụ trách tuyển dụng.

“Điểm GDVL vệ tinh và Sàn GDVL vệ tinh đã thu hút được sự tham gia đông đảo của các doanh nghiệp, cơ sở đào tạo và người lao động. Kết quả đạt được tại các điểm giao dịch vệ tinh đã khẳng định đây là cách làm đúng hướng, hiệu quả trong việc cung cấp thông tin, kết nối cung - cầu lao động trên địa bàn thành phố, giải quyết được tối đa nhu cầu về việc làm tại địa phương với đa dạng các đối tượng: sinh viên tốt nghiệp đại học, lao động thất nghiệp, lao động có tuổi tìm việc làm thêm” - ông Tạ Văn Thảo nói.

Chúng tôi đưa ra nhiều giải pháp để tạo điều kiện cho người lao động được kết nối trực tiếp với doanh nghiệp. Thời điểm này, ngoài 2 sàn giao dịch việc làm chính tại 215 Trung Kính và 144 Trần Phú, Hà Nội còn có 2 sàn vệ tinh và 7 điểm vệ tinh ở các quận, huyện vào thứ 3, 5 hàng tuần. Phòng LĐ-TB&XH các quận, huyện cũng là những đầu mối tin cậy để người lao động liên hệ việc làm và được hỗ trợ.

Bên cạnh việc tổ chức các điểm giao dịch cố định, công tác hỗ trợ lao động tìm việc thông qua các điểm giao dịch việc làm vệ tinh ra sao, thưa ông?

- Đã có hơn 11.500 lao động được tư vấn tại các điểm, sàn giao dịch việc làm vệ tinh. Hơn 6.500 lao động được giới thiệu việc làm hàng ngày và tham gia phỏng vấn trực tiếp các buổi giao dịch việc làm vào ngày thứ 3 và thứ 5 hàng tuần. Kết quả có gần 1.966 lao động trúng tuyển và 165 lao động chờ kết quả. Năm qua, chúng tôi cũng thống kê hơn 500 lượt lao động tham gia phỏng vấn online giữa các điểm, sàn vệ tinh. Riêng sàn GDVL vệ tinh huyện Đông Anh và Ba Vì đã tổ chức được 65 buổi giao dịch việc làm vào ngày thứ 3 và thứ 5 hàng tuần.

Trong xu hướng hiện nay, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đòi hỏi người lao động nhiều kỹ năng và nhạy bén hơn với tình hình. Với tư cách là đơn vị “cầu nối” giữa doanh nghiệp và người lao động, ông đánh giá vấn đề này ra sao?

- Cuộc cách mạng 4.0 không chỉ đem lại thách thức với người lao động trong quá trình tìm kiếm công việc. Ngay với các Trung tâm dịch vụ việc làm, chúng tôi cũng phải điều chỉnh đề bắt nhịp. Thời gian tới, chúng tôi sẽ bồi dưỡng, đào tạo lại cho đội ngũ cán bộ, nhân viên để nâng cao các kỹ năng phục vụ công việc.

Trung tâm đang thực hiện bản tin thị trường lao động ở Hà Nội theo quý, trong đó có dự báo ngắn hạn và dài hạn. Hy vọng, với những việc làm này, người lao động sẽ tiếp cận được nhiều thông tin để tìm được công việc phù hợp. Các trường đào tạo nghề có thể điều chỉnh nội dung chương trình cho phù hợp nhu cầu thị trường. Còn sinh viên sẽ định hướng được việc chọn ngành nghề.

Xin cảm ơn ông!

Văn Lịch thực hiện

Tin liên quan:

Đắc Lăk: Hơn 5.100 người hưởng trợ cấp thất nghiệp

Theo Sở LĐ-TB&XH Đắc Lăk, năm 2017, số người nhận quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp ước tính là 5.150 người, tăng hơn 150 người so với năm 2016. Trong đó, người hưởng trợ cấp thất nghiệp là nữ giới chiếm khoảng 53% và nam giới 47%, trong đó cả nam và nữ có số lượng nhiều ở nhóm tuổi từ 25 đến 40 tuổi, chiếm 64,7%, cho thấy số người trẻ tuổi thất nghiệp cao trong năm 2017.

Hà Nội: Tăng cường các điểm, sàn giao dịch việc làm vệ tinh - 2

Về công tác tư vấn giới thiệu việc làm, học nghề cho người lao động, Trung tâm dịch vụ việc làm Đắc Lak đã tăng cường công tác tư vấn và giới thiệu việc làm giúp người lao động nhanh chóng tái hòa nhập lại thị trường lao động. Đây được coi là giải pháp tích cực, lâu dài nhằm tháo gỡ khó khăn cho người lao động, giúp họ ổn định cuộc sống. Ước tính đến hết tháng 12 năm 2017 có hơn 5.200 người được tư vấn, trong đó, số người được giới thiệu việc làm mới là 709 người, chiếm 13,5% trên tổng số người được tư vấn.

Đối với công tác tư vấn học nghề cho người đăng ký thất nghiệp, Trung tâm đã tăng cường công tác thu thập, tìm kiếm thông tin các cơ sở dạy nghề nhằm giúp cho người lao động lựa chọn ngành nghề phù hợp, chuyển đổi nghề nghiệp, sớm quay trở lại thị trường lao động. Dự kiến trong năm 2017 có khoảng 120 người lao động thất nghiệp tham gia các khóa học nghề.

H.N

Hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp gồm những gì?

Ông Đình Thụ (Bắc Ninh) hỏi: Người lao động có nhu cầu làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm dịch vụ việc làm sẽ được hướng dẫn chuẩn bị hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp ra sao?

Hà Nội: Tăng cường các điểm, sàn giao dịch việc làm vệ tinh - 3

Theo Điều 16 của Nghị định 28/2015/NĐ-CP về Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp, người lao động sẽ cần chuẩn bị bộ hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, gồm: Đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp theo mẫu do Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH quy định; Bản chính hoặc bản sao có chứng thực của một trong các giấy tờ sau đây xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc: Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã hết hạn hoặc đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động; Quyết định thôi việc; Quyết định sa thải; Quyết định kỷ luật buộc thôi việc; Thông báo hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.

Trường hợp người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 43 Luật Việc làm thì giấy tờ xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng là bản chính hoặc bản sao có chứng thực của hợp đồng đó.

Về sổ bảo hiểm xã hội. Điều 16 ưuy định: Tổ chức bảo hiểm xã hội thực hiện xác nhận về việc đóng bảo hiểm thất nghiệp và trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị của người sử dụng lao động.

Đối với người sử dụng lao động là các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thì trong thời hạn 30 ngày, Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân thực hiện xác nhận về việc đóng bảo hiểm thất nghiệp và trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động kể từ ngày nhận được đề nghị của người sử dụng lao động.

Việc làm