Hà Nội: Rét 9 độ C, công nhân thoát nước "chìm" trong nước thải buốt lạnh
(Dân trí) - Hà Nội những ngày qua, ngoài trời vào ban đêm chỉ còn 9 độ C. Trong giá rét, công nhân vẫn ngâm mình dưới cống nước thải để đảm bảo kịp tiến độ và có thêm thu nhập dịp cận Tết.
Hơn 21h ngày 12/1, nhiều người dân Hà Nội đã yên ấm ở nhà tránh rét chỉ 8-9 độ C. Nhưng cũng lúc này, anh Vũ Văn Khương - công nhân Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội - lại bắt đầu công việc "làm bạn" với nguồn nước thải lạnh buốt của con sông Lừ. Chưa quen với cái lạnh dưới nước, người đàn ông 50 tuổi này nhăn nhó và bước cẩn trọng dưới sông.
Anh Vũ Văn Khương chia sẻ: "Để đảm bảo tiến độ giúp dòng sông có thể lưu thông nước tốt, chúng tôi phải làm công việc này vào mùa đông, trước khi mùa mưa bão đến. Cũng để tránh ách tắc giao thông do xe chở chất thải đứng trên đường nên công việc phải thực hiện vào buổi đêm".
Phải làm việc dưới nước nhiều tiếng đồng hồ trong giá rét mùa đông, nhất là vào ban đêm khiến công việc của anh Khương càng thêm nhọc nhằn.
Gần 2h, khi cả thành phố chìm vào giấc ngủ, nhóm thợ của anh Hà Đức Tuấn bắt đầu công việc ở những con phố cổ chật hẹp ở nội thành Hà Nội.
Khoác vội bộ quần áo lội nước, anh Tuấn và một đồng nghiệp cạy nắp cống thoát nước. Ngay khi nắp cống được mở ra, một mùi hôi thối bốc lên, mặt nước nồng nặc váng mỡ, chất thải… Công việc của anh Hà Đức Tuấn hôm nay là dọn dẹp hết đoạn cống trên tuyến phố Hàng Bún và phố Phạm Hồng Thái.
Chẳng nề hà, anh Hà Đức Tuấn chui xuống lỗ cống, nước ngập tới ngực, đen ngòm. Anh bắt đầu đưa tay xuống mò những chất thải rắn như vỏ chai, mảnh sành hay cành cây rồi đưa ống xuống hút lớp bùn, váng mỡ.
"Làm công việc này phải hết sức khéo léo, vì không ai biết dưới cống có những gì, không ít lần tôi mò được bơm kim tiêm hay bị mảnh bát, chai vỡ cứa vào chân" - anh Hà Đức Tuấn Nói.
Thu nhập của anh từ 6 - 10 triệu đồng/tháng tùy theo khối lượng công việc. Gần đến Tết, chi phí sinh hoạt tăng cao khiến anh Hà Đức Tuấn cùng những anh em khác trong tổ, không quản giá rét mà làm "tăng ca".
Cùng tổ với anh Hà Đức Tuấn, anh Nguyễn Xuân Hiền 29 tuổi, trú tại Hoàng Liệt, (Hoàng Mai, Hà Nội), là người trẻ nhất đội với 4 năm trong nghề.
Anh nói: "Tôi đến với nghề qua một người thân giới thiệu. Cũng không ngại khó, ngại khổ, tôi chỉ muốn đóng góp phần công sức nhỏ nhoi để thành phố thêm xanh, sạch, đẹp".
Theo anh Nguyễn Xuân Hiền, để làm được công việc này phải là những người có sức khỏe tốt, léo, và cẩn thận. Đội của anh có 10 người. Các thành viên chia nhau ra xuống cống, mỗi ngày một người.
Cũng theo anh Nguyễn Xuân Hiền, mùi chất thải phân hủy rất độc hại, mùa này nước lại lạnh nên thỉnh thoảng anh hay một vài thành viên trong đội lại mắc bệnh về đường hô hấp.
"Nhiều hôm tôi về, tắm mấy lần chẳng hết mùi không dám gần vợ con. Lúc mới đi làm về còn không ăn nổi cái gì" anh Nguyễn Xuân Hiền tân sự.
Trao đổi với PV Dân trí, Bà Nguyễn Việt Hương - Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội - cho biết: "Để đảm bảo việc thoát nước thành phố, giảm thiểu tình trạng ngập lụt các tuyến phố trước khi mùa mưa đến, công nhân của công ty phải chấp nhận giá rét để hoàn thành khối lượng công việc đã định trước".
Theo bà Nguyễn Việt Hương, vì đặc thù công việc, người công nhân phải lao động ở môi trường độc hại dưới thời tiết khắc nghiệt như hiện nay. Công ty đã nỗ lực cải cách trang thiết bị thường xuyên cũng như trang bị cho công nhân nhiều cách giữ ấm cho cơ thể như dầu gió, trà gừng,…
"Để công nhân có động lực làm việc giúp giữ gìn vệ sinh môi trường thành phố, vào các dịp lễ Tết, công ty chúng tôi cũng có những phần quà tuy không nhiều nhưng mang tính chất khích lệ động viên anh chị em công nhân" - Phó Giám đốc Công ty chia sẻ thêm.