Hà Nội: Hơn 165.000 lao động mất, thiếu việc làm thu nhập giảm
(Dân trí) - Sáng ngày 23/4, tại Hà Nội, Liên đoàn lao động TP Hà Nội tổ chức Hội thảo thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn cơ sở doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước.
Tới dự và tham dự Hội thảo có ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội; ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, ông Nguyễn Phi Thường, Chủ tịch liên đoàn lao động TP Hà Nội.
Quan hệ lao đồng hài hòa, ổn định
Tại Hội thảo, ông Nguyễn Phi Thường, Chủ tịch Liên đoàn lao động TP Hà Nội, cho biết: "Liên đoàn Lao động TP Hà Nội đang quản lý chỉ đạo 45 công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, gồm: 13 LĐLĐ quận, thị xã; 17 LĐLĐ huyện, 15 công đoàn ngành và công đoàn tổng công ty...".
Trong thời gian qua, công đoàn doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, lấy quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động làm mục tiêu tập hợp, thu hút và hoàn thiện phương thức hoạt động.
Đồng thời, công đoàn tổ chức các hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động, theo hướng thiết thực, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, đại diện tập thể người lao động tham gia xây dựng các nội quy, quy chế của doanh nghiệp, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể, xây dựng thang lương, bảng lương, định mức lao động, quy chế trả lương, quy chế khen thưởng.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Phi Thường cho rằng, bên cạnh những thành tích đạt được, công đoàn doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế như, chậm đổi mới, chưa theo kịp với đòi hỏi từ nhu cầu thực tiễn và kỳ vọng của số đông người lao động. Nhiều nơi chưa tập trung vào nhiệm vụ cốt lõi của tổ chức công đoàn đó là đại diện và bảo vệ.
Báo cáo tại Hội thảo, ông Lê Đình Hùng, Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động TP Hà Nội, cho biết: "Thời gian qua, Liên đoàn lao động TP Hà Nội phối hợp Sở LĐ -TB&XH, BHXH, Thanh tra Thành phố… thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp Luật Lao động, Luật BHXH, Luật Công đoàn, Luật An toàn, vệ sinh lao động từ 200 đến 250 đơn vị, doanh nghiệp/năm, phối hợp giải quyết các vụ tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể đảm bảo quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động".
"Năm 2020 và đầu năm 2021, dịch bệnh khiến trên 165.000 công nhân lao động mất việc làm, thiếu việc làm, phải nghỉ luân phiên, thu nhập giảm sút. Liên đoàn lao động TP Hà Nội đã xây dựng kịch bản ứng phó sớm với diễn biến phức tạp của dịch bệnh có thể xảy ra và có các giải pháp hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19" - ông Lê Đình Hùng thông tin.
Chìa khóa giải quyết mâu thuẫn
Tại Hội thảo, bà Phan Thị Thu Hằng, Chủ tịch Liên đoàn lao động quận Long Biên cho rằng, thương lượng tập thể được coi là chìa khóa giúp giảm thiểu và giải quyết những mâu thuẫn, bất đồng. Một bản thỏa ước lao động tập thể có chất lượng sẽ là công cụ quan trọng trong việc đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động và giải quyết các mối quan hệ lao động trong doanh nghiệp.
"Tuy nhiên, đến nay việc đối thoại, thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể vẫn chưa thực sự được cả người sử dụng lao động và người lao động quan tâm, vẫn còn nhiều hạn chế và ít nhiều hình thức" - bà Phan Thị Thu Hằng cho biết.
Đây là nguyên nhân khiến quan hệ lao động tại các doanh nghiệp chưa thực sự ổn định và quyền lợi của người lao động chưa được đảm bảo, nhất là liên quan đến lương, thưởng, chính sách đãi ngộ.
Để nâng cao hiệu quả tổ chức đối thoại, thương lượng, ký kết và thực hiện thỏa ước lao động tập thể, tại Hội thảo bà Phan Thị Thu Hằng đề xuất, các cấp công đoàn tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, người sử dụng lao động, người lao động về thỏa ước lao động tập thể.
Các cấp công đoàn chủ động phối hợp với các ngành chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về lao động cũng như việc thực hiện thương lượng, ký kết và thực hiện thỏa ước lao động tập thể ở các doanh nghiệp... đảm bảo có lợi hơn cho người lao động so với quy định của luật.
Ông Trịnh Quốc Cường, Chủ tịch công đoàn Công ty cổ phần Dệt 10/10 cho rằng, về quy định nguồn thu của công đoàn cơ sở từ 2 nguồn chính đó là đoàn phí do đoàn viên công đoàn đóng và từ phần trích của doanh nghiệp, nhưng với 2 nguồn thu này thì công đoàn cơ sở cũng không đủ nguồn lực tài chính để lo cho các hoạt động.
"Với thực tế về nguồn thu kinh phí hiện nay, các công đoàn cơ sở muốn làm tốt được nhiệm vụ thì trước hết phải gắn kết với lãnh đạo doanh nghiệp, tranh thủ được sự ủng hộ quan tâm của ban lãnh đạo doanh nghiệp cho công tác công đoàn" - ông Trịnh Quốc Cường đề xuất.
Ngoài ra, động viên người lao động hưởng ứng các phong trào thi đua lao động sản xuất, xây dựng doanh nghiệp làm ăn phát triển có lợi nhuận, từ đó quan tâm tốt hơn tới đời sống vật chất và tinh thần của đoàn viên công đoàn và người lao động.