Hà Nội: Đội nắng 40 độ C, shipper làm không hết việc
(Dân trí) - "Chạy xe nhiều giờ ngoài trời nắng ở Hà Nội, tôi thấy chóng mặt, phải tấp vào lề, lấy nước uống và tạt vào mặt mới tỉnh được..." - anh Hoàng Văn Quân, một shipper chia sẻ.
Đội nắng 40 độ C đi giao hàng
Dịch bệnh Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp, người dân Hà Nội đã hạn chế ra đường. Những ngày này, mặc cái nắng như thiêu đốt, anh Hoàng Văn Quân - một người giao hàng (shipper) trú tại Ngọc Thụy (Long Biên, Hà Nội) - vẫn tất bật với công việc đi lại khắp thành phố.
Anh Hoàng Văn Quân chia sẻ: "Từ khi dịch bùng phát trở lại, chúng tôi lại làm không hết việc sau nhiều ngày ế khách. Trung bình, mỗi ngày tôi giao khoảng 30-40 đơn hàng khu vực nội thành Hà Nội. Mỗi đơn hàng, tôi kiếm được từ 15.000-25.000 đồng tùy khoảng cách xa hay gần".
Từ khi dịch bệnh bùng phát trở lại, anh Hoàng Văn Quân đến kho nhận đơn hàng từ 6h. Để kịp giao hết số đơn hàng đã nhận, anh phải di chuyển 70-100 km mỗi ngày trong thời tiết nắng nóng ngoài trời lên đến 40 độ C.
"Chạy xe nhiều giờ ngoài trời nắng, có khi đang chạy mà thấy chóng mặt, phải tấp vào lề kéo khẩu trang xuống, lấy nước uống và tạt vào mặt mới tỉnh được. Nhất là những đơn khách hẹn nhận hàng vào buổi trưa, dừng xe chờ khách mà đầu óc quay cuồng" - anh Hoàng Văn Quân chia sẻ.
Từng làm việc cho một công ty tổ chức sự kiện, anh Lê Trung Đức quê ở Phổ Yên (Thái Nguyên), chia sẻ: "Những ngày dịch bệnh bùng phát này, công ty không có việc nên tôi tìm đến nghề shipper để kiếm thêm thu nhập. Gọi là công việc kiếm thêm nhưng thu nhập cũng khá".
Trung bình mỗi ngày, anh Lê Trung Đức có thể giao được hơn 30 đơn hàng. Trừ chi phí, anh có thể kiếm được khoảng 600.000 đồng. Ở đợt dịch Covid-19 đầu năm 2020, cũng tận dụng thời gian rảnh rỗi, có tháng anh kiếm được gần 20 triệu đồng.
Để phục vụ lượng khách hàng đông đảo những ngày này, anh Lê Trung Đức phải hoạt động hết công suất, trần mình dưới nắng nóng ở Hà Nội. Theo anh, có mặc áo khoác, đeo găng tay, mắt kính và khẩu trang cũng không tránh nổi nắng nóng đầu mùa hè.
"Đi giao hàng phải tìm những chỗ bóng râm để chờ khách, khi nào mệt quá thì dừng xe nghỉ 5-10 phút rồi lại chạy tiếp. Có hôm trưa nắng nhưng khách đông nên không muốn cả ăn trưa, chỉ uống tạm chai nước. Ngày nào về đến phòng trọ tôi cũng rơi vào tình trạng mệt rã rời" - anh Lê Trung Đức tâm sự.
Nghề chọn người
Theo anh Nguyễn Thành Nam, một shipper có 3 năm kinh nghiệm (trú tại Hà Đông, Hà Nội), người làm nghề có thể kiếm được khoảng một triệu đồng/ngày do người dân hạn chế ra đường vì dịch bệnh.
Anh Nguyễn Thành Nam cho biết: "Nếu chịu khó, những ngày này, cánh shipper chúng tôi có thể kiếm tiền triệu. Tuy nhiên đổi lại nhiều vất vả. Làm nghề này, không làm lâu dài được vì sức khỏe đi xuống nhanh, nhiều người bạn của tôi đã phải đổi nghề".
"Dãi nắng, dầm mưa" cả ngày ngoài đường, theo anh Nguyễn Thành Nam, sức khỏe đi xuống rõ rệt nhất là vào những ngày nắng nóng. Hơn nữa, mùa dịch bệnh khiến những người làm nghề thêm lo lắng khi phải tiếp xúc với rất nhiều người.
Chia sẻ về dự định trong thời gian tới, anh tâm sự: "Tôi làm nghề shipper nốt đợt dịch này để gom vốn rồi mở một cửa hàng sửa chữa máy tính. Nghề shipper đem lại thu nhập tốt nhưng chỉ dành cho những người trẻ khỏe. Về lâu dài tôi không thể làm được".
Cũng tính đến chuyện chuyển nghề mặc dù đang đông khách, anh Lê Văn Bình quê ở Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc), tâm sự: "Ai cũng tưởng rằng shipper nhàn hạ và kiếm tiền, chỉ có mỗi việc nhận đơn, lấy hàng, giao hàng và thu tiền thôi. Thế nhưng có ai biết đâu những rủi ro chúng tôi phải đối mặt: Khách bùng hàng, người bán giao hàng thiếu, xe cộ đi lại gặp ti tỉ thứ vấn đề..."
Cũng theo anh Lê Văn Bình, nghề này chỉ có thu nhập khá vào những ngày dịch bệnh. Những ngày không có dịch, thu nhập mỗi tháng của anh và nhiều đồng nghiệp khác trong công ty chỉ khoảng 7-8 triệu đồng.
Tính chất công việc luôn đòi hỏi phải nhanh chóng, nên lúc nào anh cũng tranh thủ thời gian. Việc ăn uống, ngủ nghỉ bỗng trở thành việc tạm bợ đối với anh Lê Văn Bình.
Hơn 4 năm làm nghề, với anh đây là công việc mang tính chất tạm thời. Mặc dù từ nghề này đem lại thu nhập khá, nhưng về lâu dài anh vẫn tính tìm một công việc khác. Dự định của anh Lê văn Bình sau khi tích góp đủ vốn sẽ về quê mở một quán ăn nhỏ.