1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Hà Nội: Doanh nghiệp trả lương tháng cao nhất đạt 75 triệu đồng

(Dân trí) - Kết quả khảo sát hơn 1.000 doanh nghiệp về mức lương năm 2015, được Sở LĐ-TB&XH Hà Nội công bố đầu tháng 1/2016, cho thấy: Mức lương tháng cao nhất trả cho người lao động thuộc về một doanh nghiệp có vốn FDI đạt 75 triệu đồng.


Doanh nghiệp FDI trả lương tháng trung bình cao nhất trong 4 loại hình doanh nghiệp được khảo sát

Doanh nghiệp FDI trả lương tháng trung bình cao nhất trong 4 loại hình doanh nghiệp được khảo sát

Chênh không nhiều

Bốn loại hình công ty được Sở LĐ-TB&XH khảo sát gồm: Công ty TNHH một thành viên do nhà nước làm chủ sở hữu; doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp của nhà nước; doanh nghiệp tư nhân; doanh nghiệp có vốn FDI.

Tổng số người lao động trong các công ty được khảo sát chiếm khoảng 63.000 người. Nhóm doanh nghiệp tư nhân gửi nhiều báo cáo đánh giá về nhất với 890 doanh nghiệp.

Khảo sát lương, thưởng năm 2015 cho thấy, bên cạnh mức lương tháng năm 2015 cao nhất trong 4 nhóm, khối doanh nghiệp có vốn FDI cũng có mức lương trung bình tháng cao nhất, đạt 4.450.000 đồng/người/tháng.

Theo đánh giá của Sở LĐ-TB&XH Hà Nội, năm 2015, tình hình kinh tế xã hội trên địa bàn Thủ đô tiếp tục có chuyển biến tích cực, giá cả thị trường ổn định, lạm phát thấp, an sinh xã hội được đảm bảo. Nhiều doanh nghiệp đã từng bước khắc phục được các khó khăn để lại từ các năm trước. Trong năm 2015, mặt bằng lương bình quân cho người lao động tăng khoảng 2% so với năm 2014.

“Mức này tăng khoảng 1,1% so với năm trước, trong đó doanh nghiệp có mức tiền lương thấp nhất đạt 3.360.000 đồng/người/tháng” - ông Phạm Văn Thanh, Trưởng Phòng Chính sách lao động việc làm (Sở LĐ-TB&XH Hà Nội) cho biết.

Đứng thứ 2 là nhóm doanh nghiệp tư nhân với mức lương tháng cao nhất đạt 40.000.000 đồng/người/tháng. Tiền lương bình quân năm 2015 của các doanh nghiệp trong nhóm là 4.350.000 đồng/người/tháng tăng 1,1% so với năm trước. Doanh nghiệp trong nhóm có mức tiền lương thấp nhất đạt 3.350.000 đồng/người/tháng.

Nhóm doanh nghiệp thuộc có cổ phần, vốn góp của nhà nước đứng thứ 3. Mức lương cao nhất của doanh nghiệp trong nhóm đạt 31.000.000 đồng/người/tháng. Mức doanh nghiệp có mức tiền lương thấp nhất 3.350.000 đồng/người/tháng. Thống kê cho thấy, nhóm này có tiền lương bình quân năm 2015 là 4.780.000 đồng/người/tháng tăng 2,1% so với năm trước.

Xếp cuối cùng là mức lương của nhóm công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu, với mức lương cao nhất là 31.000.000 đồng/người/tháng. Tiền lương bình quân năm 2015 của người lao động trong nhóm là 4.500.000 đồng/người/tháng tăng 2.5% so với năm trước.

Chưa có chế tài báo cáo

Lý giải về độ chênh lệch trong thưởng Tết giữa các khối doanh nghiệp, ông Phạm Văn Thanh, Trưởng phòng LĐ-VL (Sở LĐ-TB&XH Hà Nội) cho hay, việc báo cáo mức thưởng Tết Nguyên đán và Tết Dương lịch không có tính bắt buộc. Doanh nghiệp không báo cáo cũng không thể có chế tài xử lý.

Vì nguyên nhân này, mức thống kê chỉ mang tính tham khảo. Có thể thực tế, mức thưởng tết của doanh nghiệp còn cao hơn rất nhiều, đặc biệt là khối ngân hàng tài chính.

Trước đó, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM cũng công bố kế hoạch thưởng Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2016 của các doanh nghiệp trên địa bàn.

Đến ngày 5/1, toàn thành phố có 1.216 doanh nghiệp thực hiện báo cáo về tình hình lương, thưởng Tết. Trong đó, 896 doanh nghiệp có thưởng Tết Dương lịch cho người lao động với mức thưởng bình quân là 2,4 triệu đồng/người.

Một cá nhân làm việc tại một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã được thưởng Tết Dương lịch với số tiền kỷ lục lên tới 2,028 tỷ đồng.

Mức thưởng Tết Nguyên đán cao nhất là 600 triệu đồng, thuộc về một cá nhân làm việc trong khối doanh nghiệp tư nhân.

Mức thưởng bình quân các khối doanh nghiệp dịp Tết Nguyên đán là 7,3 triệu đồng. Mức trung bình cao nhất là 13,3 triệu đồng thuộc về khối doanh nghiệp có vốn góp nhà nước, mức trung bình thấp nhất là 3,1 triệu đồng thuộc về một doanh nghiệp FDI.

TIN LIÊN QUAN:

Tiền Giang: Dự báo cần 14.000 việc làm mới trong năm 2016

Ngày 7/1, Trung tâm Dịch vụ việc làm Tiền Giang (Sở LĐ-TB&XH Tiền Giang), công bố dự báo về nhu cầu nhân lực 2016 trong tỉnh.

Theo đó, nhu cầu nhân lực không có sự biến động lớn trong năm 2016 với khoảng 14.000 lao động. Theo TT DVVL Tiền Giang, nhu cầu tập trung chủ yếu vào nhóm lao động phổ thông với khoảng 8.000 người tại các khu - cụm công nghiệp, trong đó chủ yếu lao động nữ.

Hà Nội: Doanh nghiệp trả lương tháng cao nhất đạt 75 triệu đồng - 2

Với các doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất ở lĩnh vực may mặc, giày da, túi xách, chế biến thủy sản, tập trung nhiều nhất là KCN Tân Hương (giày da, may mặc, túi xách), KCN Long Giang (giày da, cơ khí, điện tử), CCN Tân Mỹ Chánh (chế biến thủy sản, cơ khí), CCN Trung An (may mặc, bao bì), KCN Mỹ Tho (may mặc, chế biến thủy sản)…Nhóm ngành nghề dịch vụ như: Tiếp thị - bán hàng, phục vụ, giúp việc nhà, tài xế, bảo vệ dự báo là sẽ tiếp tục có nhu cầu tăng cao. Đối với trình độ chuyên môn các doanh nghiệp có xu hướng tăng nhu cầu tuyển dụng ở các ngành như quản lý nhân sự, ngoại ngữ phiên dịch, kế toán - tài chính, điện - cơ khí…

Cũng theo TT DVVL Tiền Giang, trong năm 2016, khoảng 85% số lượng học sinh tốt nghiệp cấp 3, tham gia các kỳ thi vào các hệ đào tạo từ trung cấp lên đại học. Một bộ phận nhỏ học sinh học nghề, số em còn lại sẽ tham gia vào thị trường lao động.

P.M

Giáp Tết Nguyên đán 2016: Nhu cầu tuyển lao động thời vụ tăng tại Hà Nội

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là tới Tết Nguyên đán, nhiều doanh nghiệp tại Hà Nội đang tung ra nhiều chương trình khuyến mãi, tiếp thị. Điều này đồng nghĩa với việc gia tăng một lượng lao động thời vụ không nhỏ trên địa bàn thành phố.

Hà Nội: Doanh nghiệp trả lương tháng cao nhất đạt 75 triệu đồng - 3

Theo đại diện TT DVVL Thanh niên Hà Nội (Thành đoàn Hà Nội), nhu cầu công việc thời vụ được tuyển dụng nhiều thời điểm này là thu ngân, nhân viên bán hàng, bảo vệ, giúp việc theo giờ, đóng gói hàng hóa. Trung tâm hiện có khoảng 2.000 chỉ tiêu, khoảng 300 sinh viên đến tìm việc làm thêm mỗi ngày, 30% trong số đó có thể tìm được công việc phù hợp.

Trong khi đó, đại diện TT DVVL Hà Nội (Sở LĐ-TB&XH Hà Nội) nhận xét, các doanh nghiệp ngành dịch vụ, thương mại cần tuyển nhiều lao động phục vụ dịp Tết. Các doanh nghiệp đang gửi tới TT DVVL Hà Nội hơn 3.000 chỉ tiêu, như: Bán hàng hội chợ, giao hàng, sản xuất bánh kẹo mứt Tết. Đánh giá của nhiều nhà tuyển dụng, mức lương lao động thời vụ dịp tết dao động từ 10.000 - 50.000 đồng/giờ, tùy theo thời gian và khối lượng công việc. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia tư vấn cũng cảnh báo người lao động cần tỉnh táo trước những dấu hiệu lừa đảo việc làm qua hình thức dễ dãi như rao tuyển trên mạng công việc nhẹ nhàng, lương hấp dẫn…

V.K

Hoàng Mạnh