Hà Nội: Cấm chăn nuôi trong nội thành, người dân chuyển nghề ra sao?
(Dân trí) - Từ ngày 1/8, khu vực nội thành và nhiều thị trấn của Hà Nội sẽ không được chăn nuôi gia súc, gia cầm. Quy định mới giúp môi trường sạch hơn nhưng đặt ra thách thức về chuyển đổi nghề cho người dân.
Băn khoăn chuyển nghề
Sáng ngày 7/7, Kỳ họp HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết quy định khu vực không được phép chăn nuôi và chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực trên, có hiệu lực từ 1/8/2020.
Trước thông tin phải dừng chăn nuôi để chuyển nghề khác, ông Nguyễn Văn Tiến, trú tại tổ 22 phường Long Biên (Long Biên, Hà Nội) cho rằng việc này sẽ rất khó khăn.
“Gia đình tôi 4 người đều sống bằng nghề chăn nuôi. Năm nay, vợ chồng tôi đã ngoài 60 tuổi nên việc đi học nghề mới rất khó khăn” - người đàn ông có hơn 30 năm làm nghề chăn nuôi cho biết.
Cũng theo ông Tiến, đàn trâu nhà ông hiện có 70 con trâu đang chửa và 60 con lợn còn nhỏ. Số gia súc trên chưa thể bán được ngay vì khó tìm ra người mua.
Dù không có nhiều gia súc như hộ ông Tiến, nhưng gia đình anh Kiều Văn Chiến, trú tại phường Thanh Am (Thượng Thanh, Long Biên, Hà Nội) cũng gắn bó với nghề chăn nuôi nhiều năm qua. Gia đình anh đang nuôi 7 con bò với phương thức chăn thả tự nhiên.
Anh Chiến cho biết: “Hiệu quả kinh tế từ việc chăn nuôi đem lại không cao. Nhưng vì chưa có nghề nào khác, tôi đành phải duy trì. Nếu được nhà nước hỗ trợ học nghề hợp lý, tôi sẵn sàng chuyển đổi nghề”.
Cùng tâm tư trên, anh Đỗ Thế Văn, trú tại tổ dân phố số 3 Hòe Thị (Phương Canh, Nam Từ Liêm, Hà Nội) bày tỏ: “Tôi là người đã làm nhiều nghề như mộc, cơ khí. Nếu bắt buộc phải dừng chăn nuôi, mong rằng Nhà nước có biện pháp hỗ trợ phù hợp về tính ổn định và lâu dài của nghề được chuyển đổi”.
Trước đây anh văn làm nghề cơ khí, sau đó chuyển sang nghề mộc. Nhưng ít việc làm, anh đã chuyển sang chăn nuôi. Gia đình anh Văn đang sở hữu 17 con trâu và bò được chăn thả trên cánh đồng phường Phương Canh.
Không dễ tìm lời giải triệt để
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Hùng - Chủ tịch UBND Phường Long Biên (Long Biên, Hà Nội) thừa nhận, việc chăn nuôi theo mô hình thủ công, tự phát đang làm ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường, sức khỏe và cảnh quan đô thị.
Theo ông Hùng, phường Long Biên đã giải quyết triệt để tình trạng việc chăn nuôi gia súc, gia cầm trong khu dân cư. Chỉ còn 3 hộ gia đình chăn nuôi trâu, bò và 10 hộ gia đình nuôi lợn tại khu vực bãi bồi sông Hồng, thuộc địa phận phường quản lý.
“Những hộ gia đình trong khu dân cư, sau khi dừng chăn nuôi được phường hỗ trợ 10.000 viên gạch để xây nhà trọ phát triển kinh tế. Đối với những hộ đang chăn nuôi ngoài bãi bồi, chúng tôi sẽ tuyên truyền, vận động các hộ dừng chăn nuôi và định hướng theo học nghề mới”.
Theo nghị quyết ngày 7/7/2020 của HĐND TP Hà Nội, việc hỗ trợ chuyển đổi nghề cho người dân được quy định, như sau: Mức hỗ trợ chi phí học nghề tối đa 3 triệu đồng/người/khóa học; mức hỗ trợ tiền ăn 30.000 đồng/người/ngày thực học; hỗ trợ tiền đi lại theo giá vé giao thông công cộng với mức tối đa không quá 200.000 đồng/người/khóa học...
Ông Hùng cho rằng, khó khăn lớn nhất khi thực hiện Nghị quyết là chuyển đổi nghề cho các lao động nữ và lao động đã có tuổi.
“Trước mắt, phường sẽ kết nối việc làm phù hợp cho các lao động với các doanh nghiệp trên địa bàn như làm ở nhà hàng, trồng rau sạch, hoa màu,…”.
Cũng bày tỏ quan điểm về vấn đề này, bà Phạm Thị Chinh - Phó Trưởng phòng Kinh tế Quận Bắc Từ Liêm cho biết: “Quận đã và đang đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân không nuôi mới đàn gia súc, gia cầm, hạn chế, chấm dứt chăn nuôi trong khu dân cư. Khuyến khích người chăn nuôi chuyển đổi ngành nghề".
Thực tế hiện nay cho thấy, môi trường chăn nuôi ngày càng ô nhiễm. Việc chăn nuôi cũng tăng khả năng lây lan dịch bệnh cao. Nhiều mối nguy hiểm về mất vệ sinh an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe con người và tác động không tốt đến sự phát triển đô thị.
Theo bà Chinh, UBND quận Bắc Từ Liêm cũng đã đề xuất UBND TP Hà Nội, cho lộ trình cụ thể việc chấm dứt hoạt động chăn nuôi giai đoạn 2020 - 2030.
Theo đó, UBND quận kiến nghị UBND thành phố có định hướng cụ thể cho các ngành nghề được chuyển đổi, có chính sách cụ thể về việc hỗ trợ chuyển đổi nghề, đào tạo nghề cho các hộ chăn nuôi có từ 2 lao động chính làm nông nghiệp trở lên đang trong độ tuổi từ 35 - 60, đặc biệt là lao động nữ.
Việc cấm chăn nuôi gia súc gia cầm trong nội thành là điều cần thiết nhưng cần có các giải pháp tổng thể đối với các hộ dân và chính quyền địa phương. Trong đó, điểm quan trọng là tìm được hướng chuyển đổi sang nghề mới ổn định, phù hợp với khả năng của người dân sẽ là hướng đi bền vững nhất.
Các khu vực không được phép chăn nuôi
Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐND quy định khu vực không được phép chăn nuôi và chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn TP, có hiệu lực từ 1/8/2020.
Theo đó, khu vực không được phép chăn nuôi gia súc, gia cầm (trừ nuôi động vật làm cảnh, nuôi động vật thí nghiệm mà không gây ô nhiễm môi trường), gồm:
- Các phường của các quận thuộc thành phố Hà Nội,
- 4 phường thuộc thị xã Sơn Tây, gồm: Sơn Lộc, Quang Trung, Ngô Quyền và Lê Lợi.
- Các thị trấn của 5 huyện: Thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng; thị trấn Trạm Trôi, huyện Hoài Đức; thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh; thị trấn Trâu Quỳ và thị trấn Yên Viên, huyện Gia Lâm; thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì.
- Các khu chung cư, tập thể cũ, khu đô thị nằm trên địa bàn các huyện, thị xã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt...