1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Góp ý xây dựng Đề án phát triển công tác xã hội giai đoạn 2021 - 2030

Nguyên Chi

(Dân trí) - Cục Bảo trợ Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) sẽ tiếp tục hoàn thiện Đề án phát triển công tác xã hội giai đoạn 2021 - 2030 để dự kiến trình lên Thủ tướng Chính phủ vào cuối tháng 11, đầu tháng 12 năm 2020.

Từ ngày 4 - 5/11, tại TPHCM, Cục Bảo trợ Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) phối hợp với một số đơn vị liên quan tổ chức hội thảo góp ý xây dựng Đề án phát triển công tác xã hội và Đề án trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2021 - 2030.

Phát biểu tại hội thảo, bà Phạm Thị Hải Hà - Phó Cục trưởng Cục BTXH - cho biết, quyền được đảm bảo an sinh xã hội của công dân đã được ghi nhận tại Điều 34 của Hiến pháp năm 2013. Trong những năm qua, Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ban, ngành đã rất quan tâm đến lĩnh vực này, bởi vì an sinh xã hội là một trụ cột để đảm bảo an ninh - chính trị và góp phần cho công tác nâng cao tốt hơn đời sống người dân.

Góp ý xây dựng Đề án phát triển công tác xã hội giai đoạn 2021 - 2030 - 1

Kể từ khi Đề án phát triển nghề CTXH được phê duyệt, mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH đã được hình thành nhiều nhất ở ngành LĐ-TB&XH, tiếp theo là ở các ngành Y tế, Giáo dục, các hội, đoàn thể chính trị - xã hội…

Các tỉnh, thành phố từng bước tiếp tục phát triển các cơ sở có cung cấp dịch vụ CTXH đối với người già, người tâm thần, bảo vệ trẻ em, trợ giúp người khuyết tật phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng trên cơ sở bổ sung thêm chức năng, nhiệm vụ và kiện toàn cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở.

Tuy nhiên, theo Phó Cục trưởng Phạm Thị Hải Hà, các dịch vụ CTXH hiện chưa đa dạng, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Cơ sở vật chất, trang thiết bị của các cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH còn thiếu, năng lực cung cấp dịch vụ CTXH và chăm sóc, trợ giúp các đối tượng của các cơ sở đạt hiệu quả chưa cao.

Đội ngũ cán bộ, nhân viên, cộng tác viên CTXH còn mỏng, đa số được đào tạo từ ngành khác hoặc một số ít thậm chí không được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ, chưa dựa và cộng đồng. Vì vậy, thời gian tới, các công việc liên quan tới CTXH nói chung hay CTXH với từng nhóm đối tượng như người cao tuổi, người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí còn rất nhiều việc cần phải làm.

Bà Phạm Thị Hải Hà mong muốn, tại hội thảo các đại biểu tập trung thảo luận để đánh giá về mặt làm được và chưa làm được, tại sao, chính sách xã hội liên quan...

Trên cơ sở đó, các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế đánh giá các mục tiêu lộ trình cho giai đoạn tới và khuyến nghị lộ trình quản lý nghề CTXH, phát triển CTXH...

Góp ý xây dựng Đề án phát triển công tác xã hội giai đoạn 2021 - 2030 - 2

Các đại biểu tham luận tại hội thảo.

Tại hội thảo, các đại biểu từ UNICEF Việt Nam, UNFPA Việt Nam, Bộ GD&ĐT, Bộ Tư pháp, trường ĐH KHXH&NV Hà Nội, ĐH Lao động Xã hội… đã trình bày các chuyên đề có nội dung liên quan đến đề án phát triển CTXH và đề án trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí.

Trên cơ sở các chuyên đề và phần trình bày dự thảo của chuyên viên Cục BTXH, nhiều đại biểu từ các Sở LĐ-TB&XH, Trung tâm BTXH, các bệnh viện… đã tham gia đóng góp ý kiến, kiến nghị và đề xuất vào việc xây dựng Đề án phát triển CTXH và Đề án trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2021 - 2030.

Trong đó, nhiều ý kiến đều cho rằng cần nâng cao số lượng và chất lượng nhân lực ngành CTXH. Để thực hiện được mục tiêu này, cần chú trọng vào công tác tuyển sinh, đào tạo sinh viên ngành CTXH trong các trường đại học, cao đẳng, trung cấp trên cả nước…

Góp ý xây dựng Đề án phát triển công tác xã hội giai đoạn 2021 - 2030 - 3

Bà Phạm Thị Hải Hà - Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ Xã hội chăm chú lắng nghe các ý kiến của đại biểu tại hội thảo.

Kết luận hội thảo, Phó Cục trưởng Phạm Thị Hải Hà nhận định 10 chuyên đề của các chuyên gia nhiều kinh nghiệm từ các Bộ, ngành đều rất bổ ích. Đây là cơ sở lý thuyết, là nền tảng đóng góp cho đề án, đồng thời cung cấp kiến thức cơ bản để các đại biểu có thể về ứng dụng tại các địa phương.

Bà Phạm Thị Hải Hà cho biết, thời gian tới Cục BTXH sẽ tiếp tục hoàn thiện đề án để dự kiến trình lên Thủ tướng Chính phủ vào cuối tháng 11, đầu tháng 12 năm 2020. Phó Cục trưởng mong muốn các đại biểu tiếp tục gửi ý kiến đóng góp về Phòng CTXH - Bộ LĐ-TB&XH để Cục xem xét đưa vào dự thảo trước khi trình lên văn phòng Chính phủ.