1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Cần bổ sung vai trò nhân viên công tác xã hội trong Luật trẻ em

(Dân trí) - “UNICEF khuyến nghị sửa Luật trẻ em theo hướng tăng tuổi trẻ em lên 18 tuổi, bổ sung nhiều quy định về công tác xã hội. Qua đó giúp nhân viên công tác xã hội có điều kiện hơn nữa khi bảo vệ trẻ em, giải quyết các vấn đề nhạy cảm liên quan tới xâm hại trẻ em”.

Xem xét điều chỉnh tuổi trẻ em

Bà Vũ Thị Lệ Thanh, chuyên gia về bảo vệ Trẻ em, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) chia sẻ quan điểm tại Chương trình Hội thảo - Giao lưu trực tuyến “Nghề công tác xã hội: Hoàn thiện hành lang pháp lý tại Việt Nam”.

Chương trình do Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) và Báo điện tử Dân trí thực hiện ngày 13/9 tại Hà Nội.

Đánh giá về những điểm nóng trong công tác bảo vệ trẻ em tại Việt Nam, bà Vũ Thị Lệ Thanh nhấn mạnh về “khoảng trống” trong quy định tuổi trẻ em.


Bà Vũ Thị Lê Thanh - chuyên gia về bảo vệ Trẻ em, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF).

Bà Vũ Thị Lê Thanh - chuyên gia về bảo vệ Trẻ em, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF).

“Chính phủ đã thông qua Luật trẻ em vào năm 2016, luật này có rất nhiều quy định tốt về xây dựng hệ thống dịch vụ trẻ em hay quy trình can thiệp, hỗ trợ trẻ em bị xâm hại. Tuy nhiên phạm vi luật này chỉ dành cho trẻ em dưới 16 tuổi” - bà Vũ Thị Lệ Thanh cho biết.

Quy định về độ tuổi trẻ em hiện hành đã khiến nhóm người chưa thành niên từ 16 - 18 tuổi không tiếp cận được đến các dịch vụ can thiệp hỗ trợ khi bị xâm hại.

“Trong khi đó, trên thực tế nhóm vị thành niên lại rất nhạy cảm đối với vấn đề xâm hại, đặc biệt là xâm hại tình dục. Chúng tôi quan ngại: Nếu không có biện pháp hỗ trợ bảo vệ cho tất cả trẻ em dưới 18 tuổi, Việt Nam khó đạt được cam kết quốc tế về bảo vệ trẻ em theo công ước quốc tế về quyền trẻ em” - bà Vũ Thị Lệ Thanh cho biết.

Phân tích về vai trò của nhân viên công tác xã hội trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em, bà Vũ Thị Lệ Thanh cho rằng: Luật trẻ em còn thiếu quy định về vị trí và vài trò của nhân viên công tác xã hội trong thực hiện dịch vụ bảo vệ trẻ em.

“Như vậy việc hỗ trợ can thiệp trẻ em bị xâm hại không kịp thời không đáp ứng được nhu cầu cần được bảo vệ”- bà Vũ Thị Lệ Thanh lo lắng.

Cần có luật riêng về công tác xã hội

Theo bà Vũ Thị Lệ Thanh, việc xây dựng một Bộ luật về công tác xã hội ở Việt Nam là cần thiết và rất khả thi trong thời điểm này.

“Những nghiên cứu hiện nay đều cho biết, nhu cầu về dịch vụ công tác xã hội đang rất cao ở Việt Nam. Cả nước có khoảng 30% dân số cần sự trợ giúp xã hội, trong đó có 10 triệu người cao tuổi, 7,6 triệu người khuyết tật, 1,5 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, gần 3 triệu người thuộc đối tượng hưởng trợ cấp xã hội. Ngoài ra còn rất nhiệu phụ nữ, trẻ em bị xâm hại, buôn bán, bạo hành…” - bà Vũ Thị Lệ Thanh cho biết.

Trong khi đó, Chính phủ Việt Nam đã có cam kết rất cao về phát triển nghề công tác xã hội. Quyết định 32/2010/QĐ-TTg của Chính phủ về phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010-2020 đã hình thành được một thống văn bản pháp lý.

Mặc dù chưa có luật, nhưng hệ thống pháp lý đã có nghị định và thông tư để quy định về nhân viên xã hội, tiêu chuẩn cung cấp dịch vụ, thang bảng lương.

Tới nay, cả nước cũng có tới hơn 40 trung tâm công tác xã hội đã đi vào hoạt động hỗ trợ những người yếu thế ở cấp tỉnh và huyện.

Về đào tạo, bà Vũ Thị Lệ Thanh cho biết: Từ năm 2004, Bộ GD&ĐT đã phê duyệt chương trình đào tạo cử nhân ngành công tác xã hội. Kể từ đó đến nay đã có trên 50 trường ĐH, cao đẳng thực hiện các chương trình đào tạo từ trung cấp, cao đẳng, đến đại học, thạc sỹ và tiến sỹ công tác xã hội.

Mỗi năm cả nước có trên 2.000 cử nhân công tác xã hội. Lực lượng này sẵn sang tham gia vào phát triển đội ngũ người làm công tác xã hội ở trong các lĩnh vực.

“Việt Nam có thể học hỏi các quốc gia đi trước mình hàng 100 năm. Những bài học thành công và thất bại của họ đều rất quý báu và có thể áp dụng cho Việt Nam để có thể rút ngắn lại tiến trình phát triển nghề công tác xã hội” - bà Vũ Thị Lê Thanh nói.

Cần thêm quy định vai trò của nhân viên công tác xã hội trong hỗ trợ người chưa thành niên

Phát biểu tại Chương trình Hội thảo - Giao lưu trực tuyến “Nghề công tác xã hội: Hoàn thiện hành lang pháp lý tại Việt Nam”, bà Nguyễn Thị Kim Thoa - Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính (Bộ Tư pháp) cho rằng:

Trong thời gian qua chúng ta đã rất nỗ lực để có 1 hệ thống pháp luật tương đối thân thiện với trẻ em, trong đó có các quy định thu hút sự tham gia của lực lượng làm công tác xã hội và quá trình bảo vệ trẻ em, giúp trẻ em lệch chuẩn sớm trở về với môi trường xã hội thân thiện.

Tuy nhiên trong lĩnh vực tư pháp hình sự, chúng ta vẫn thiếu các quy định cho phép xuất hiện vai trò của người làm công tác xã hội vào cuộc sớm hơn trong các quy trình xử lý.

Trong thời gian tới, tôi cho rằng cần nghiên cứu xây dựng luật tư pháp người chưa thành niên với các quy định thu hút mạnh mẽ người làm công tác xã hội tham gia ngay từ đầu.

Qua đó giúp các cơ quan có thẩm quyền xử lý sớm bằng biện pháp ngoài tư pháp, giúp các em không bị cuốn vào vòng tố tụng. Đây là kinh nghiệm đã triển khai thành công ở nhiều nước trên thế giới.

Phan Minh