Gợi cảm ở văn phòng dễ được thăng tiến?

Chắc hẳn bạn đã từng chứng kiến hoặc nghe nói về một nữ nhân viên có phong cách làm việc với đồng nghiệp, sếp nam rất "gợi cảm", rồi cô ta được ưu đãi này nọ...

Liệu việc sử dụng lợi thế giới tính trong công việc có thực sự mang lại lợi ích hay không?
(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

Một nhân viên công sở kể một câu chuyện như sau "Tôi có một nữ đồng nghiệp có thói quen khá… lạ. Bất cứ khi nào ngồi nói chuyện với nam giới trong công ty, cô ấy cũng nghiêng hoặc cúi người về phía anh ta, đủ để anh ta dễ dàng nhìn thấy món đồ Victoria’s Secret nho nhỏ của cô. “Chiêu” này đã khiến các đồng nghiệp nữ bàn tán rất nhiều. “Cô ta làm cái quái gì thế nhỉ”, họ thì thầm với nhau qua vách ngăn, trong phòng uồng nước, lo lắng một cách bí mật rằng cô ta sẽ có được những lợi thế vô hình so với những đồng nghiệp nữ khác, những người ăn mặc “kín cổng cao tường”.

Cuối cùng, một nữ quản lý đã phải khá ngại ngùng yêu cầu cô có cách ăn mặc phù hợp hơn. Thế là áo cổ chữ V đã được thay bằng áo cổ cao hơn, nhưng kiểu cách chạm tay, chạm chân khi nói chuyện hay nháy mắt đầy ẩn ý của cô ấy thì vẫn như vậy, dù cũng có thể là mọi người tưởng tượng ra.

Những câu chuyện như trên không phải là hiếm và sự lo âu này của những người đồng nghiệp dường như là chính đáng, theo một cuộc khảo sát gần đây. Tháng trước, trang web nghiên cứu về tiêu dùng của Anh quốc đã tiến hành khảo sát 2.000 người đàn ông và phụ nữ về chủ đề tán tỉnh ở nơi làm việc. 21% phụ nữ được hỏi đã cho biết họ đã từng tán tỉnh, gợi ý ỡm ờ để nhận được những lợi ích ở nơi làm việc.

Một cuộc nghiên cứu khác hồi tháng 10 của các giáo sư ở trường đại học Berkeley, California, in trên tạp chí Tâm lý học xã hội và nhân cách, tái khẳng định việc tán tỉnh những đối tác nam khiến phụ nữ đạt được thoả thuận tốt hơn trong các cuộc đàm phán zero-sum (tình huống mà bên này được lợi bao nhiêu thì bên kia thiệt bấy nhiêu).

Các nhà nghiên cứu đã đề nghị những phụ nữ tham gia cuộc điều tra tiếp cận, chào hỏi những nhà đại lý bán ô tô cũ theo hai cách khác nhau. Cách thứ nhất là kiểu chào hỏi đơn giản "Hello,...", cách thứ hai là chào hỏi kèm theo nụ cười gợi cảm, có động tác chạm nhẹ vào tay người bán hàng. Kết quả những người phụ nữ "chào hỏi" theo cách thứ hai mua được giá rẻ hơn 20% so với những người phụ nữ tiếp cận theo cách thứ nhất. (Riêng đối với trường hợp người bán hàng là phụ nữ thì kết quả là như nhau ở cả hai cách tiếp cận)

Năm 2011, nhà khoa học xã hội người Anh Catherine Hakim đã giới thiệu một cuốn sách về giới tính gây nhiều tranh cãi, có tên là "Vốn gợi tình: Sức mạnh của sự hấp dẫn ở trong phòng ngủ và trong phòng họp". Theo nữ tác giả, phụ nữ nên tận dụng mọi lúc có thể cái gọi là "vốn" của mình - khả năng tán tỉnh, ăn mặc hấp dẫn và phong cách quyến rũ - để đạt được những gì họ muốn.

Các nghiên cứu và cuốn sách đã tạo nên một chủ đề rất nóng. Tờ Guardian của Anh thậm chí đã in bức hình lớn của nữ diễn viên Sharon Stone trong bộ phim Bản năng gốc để minh hoạ cho bài báo về nghiên cứu của Đại học Berkeley (bởi vì họ cho rằng kẻ giết người không mặc đồ lót này về cơ bản cũng làm những điều tương tự như trò tán tỉnh ở văn phòng).

Tuy nhiên, báo chí và các nhà nghiên cứu xã hội dường như đã quan trọng hoá vấn đề và không tính đến rằng trong nhiều năm qua, văn hoá công ty đã thay đổi cùng với những quan điểm về tình dục. Các gen X và gen Y đã khiến môi trường làm việc phải điều chỉnh để thích nghi với những yếu tố đời thường. Cùng lúc đó, các quy định về quấy rồi tình dục ngày càng nghiêm ngặt hơn. Những điều này đã tạo ra một môi trường làm việc mà trong đó những trò tán tỉnh đã được miêu tả trong cuốn sách và các nghiên cứu ở trên khó lòng tồn tại.

Trên thực tế, trong môi trường công sở ngày càng cạnh tranh và đòi hỏi năng lực cao hiện nay, những mánh lới "xưa như trái đất" này khó lòng phát huy hiệu quả như người ta tưởng. Ngày nay, việc trở nên thân thiện và xinh đẹp không phải là một đặc ân của phụ nữ. Ngược lại, những người phụ nữ thân thiện quá mức rất dễ bị mắc lỡm vì đàn ông sẽ nghĩ họ thật “dễ dãi” và coi thường.

Trở lại câu chuyện trên, người kể chuyện cho biết: "Cựu đồng nghiệp của tôi và những chiếc sơ mi hở cổ của cô ấy đã chuyển công việc khác trước khi chúng tôi có thể nhìn thấy cô ấy được thăng tiến nhờ phong cách gợi cảm đó. Tất nhiên, tôi nghi ngờ là những chiếc sơ mi hở cổ có tác dụng như vậy ở một chỗ nào khác. Mọi người trong công ty, cả đàn ông và phụ nữ, đều chỉ nghĩ cô ấy thật kỳ cục: dựa dẫm quá đáng vào cái gọi là 'khả năng tự có'. Tôi hy vọng cô ấy là một diễn viên, hay người tham gia vào một nghiên cứu vô dụng nào đó về lợi ích của sự tán tỉnh nơi công sở".

Theo Dương An 
 VnMedia/Businessweek