TPHCM:
Giúp việc nhà theo giờ: Hạ giá hết cỡ, vẫn "bói" không ra việc
(Dân trí) - Dịch bệnh, nhiều gia đình từ thuê giúp việc chuyển sang tự lo. Hiệu ứng này dẫn đến dịch vụ giúp việc theo giờ trở nên ế ẩm, nhiều người "ngồi chờ lên mốc" và hạ giá hết cỡ vẫn không có việc làm.
Ngồi chờ việc đến... "mốc cả người"
Đã hơn 2 tháng, cô Trần Thị Ly, (TP Thủ Đức, TPHCM), chuyên giúp việc theo giờ đã mất hoàn toàn khoản thu nhập từ công việc này. Cô hiện đã chuyển từ trạng thái có công việc "ngon ăn" sang tình trạng "ngồi chơi xơi nước".
Từ nhiều năm qua, cô Trần Thị Ly "sống khỏe" với nghề giúp việc theo giờ. Mỗi ngày cô nhận làm cố định cho 3-4 nhà, mỗi nhà từ 2-3h. Tiền công thời điểm này là 60.000 đồng/h, mỗi ngày cô làm việc 8h, trung bình cô kiếm được gần 500.000 đồng/ngày.
Nói "ngon ăn" bởi vì hầu hết chủ nhà khi thanh toán đều "boa" thêm cho cô. Chưa kể, thời gian làm việc thực tế cũng ngắn hơn. Như chủ nhà thuê 3h nhưng khi cô đã quen việc, nhanh gọn chỉ cần làm trong hai giờ đồng hồ, tiền vẫn nhận đủ.
Vậy nhưng, từ sau đợt nghỉ lễ 30/4 và 1/5 vừa qua, ảnh hưởng của dịch, nhiều gia đình tạm ngưng thuê người giúp việc. Cô chỉ còn lại một mối chính thức và làm tuần 3 buổi, còn lại phải đi tìm chỗ làm thêm bên ngoài "vớt" được tiếng nào hay tiếng đó.
"Sang tháng 6, các gia đình đều ngưng không thuê giúp việc theo giờ. Người thì ở nhà làm việc online kham luôn việc nhà, có người thì khó khăn, có người không mướn vì sợ dịch...", cô Ly ngậm ngùi.
Theo chị Lê Mỹ Diễm, nhà ở Gò Vấp (TPHCM), nhiều năm qua, tuần 5 ngày chị thuê cô giúp việc đến dọn khoảng 3 - 4h. Mỗi tiếng thời điểm này là 70.000 đồng, tháng trên dưới 5 triệu đồng. Chị được biết, cô giúp việc cho mình cũng làm cho 2 nhà nữa và có thu nhập từ 10 - 15 triệu đồng/tháng.
Khi dịch bùng phát, chị Mỹ Diễm ngưng ngay dịch vụ này. Điều chị lo nhất là người giúp việc theo giờ làm cho nhiều nhà, đi khắp nơi, có thể "biến" gia đình chị thành F1,F2 bất cứ lúc nào. Hơn nữa, con nghỉ học, vợ chồng chị làm việc tại nhà nên chủ động tự dọn dẹp nhà cửa.
Hạ giá hết cỡ, vẫn "bói" không ra việc
Những ngày qua, cô Trần Thị Châu, ngụ ở Bình Thạnh (TPHCM) liên tục lên mạng để tìm việc. Cô hạ giá xuống gần một nửa, chỉ còn 30.000-40.000 đồng/h nhưng không có lấy mối khách nào.
Trước đây, với thu nhập từ nghề giúp việc theo giờ, cô đủ lo thuốc men cho người chồng ốm đau và sinh hoạt hàng ngày. Gần 2 tháng nay, cô không có việc và sống tạm qua ngày bằng tiền dành dụm lâu nay.
Cô vừa nhận đóng gói thực phẩm cho một người quen, tiền công ngày chỉ 100.000 đồng, lại phải chạy đi chạy lại không phù hợp với sức khỏe. Nhưng lúc này, cô tự động viên, có đồng nào hay đồng đó.
Vào mùa khan hiếm việc làm, các ứng dụng trên mạng xã hội về giúp việc nhà theo giờ tung rất nhiều chương trình khuyến mại như giảm giá, làm 2h tính 1h... Nhưng để khách đặt dịch vụ lúc này phải nói là "của hiếm".
Nếu không có giúp việc cố định, rất nhiều gia đình ở TPHCM sử dụng dịch vụ giúp việc theo giờ. Vài năm nay, đây được xem là công việc "hấp dẫn" không chỉ với những người chuyên hành nghề giúp việc.
Chủ động, thu nhập ổn, công việc không quá phức tạp... một số mẹ bỉm sữa, nhân viên công sở... cũng chọn công việc này vào thời gian trống để kiếm thêm thu nhập.
Ảnh hưởng của dịch bệnh, nghề giúp việc nhà được xem là một trong nhóm các đối tượng dễ bị mất việc làm nhất. Trong đó, giúp việc theo giờ còn mất việc nhanh hơn, thậm chí chỉ cần sau một cú điện thoại báo tin "tạm ngưng" của chủ nhà đã thành người thất nghiệp.
Họ làm việc không có hợp đồng, thỏa thuận ràng buộc, chủ yếu làm xong buổi nào "dứt" buổi đó. Cơ hội tìm chỗ làm mới trong điều kiện hiện nay gần như vô vọng.
Theo báo cáo mới nhất của Tổ chức lao động quốc tế (ILO), đại dịch Covid-19 tác động lớn tới lao động giúp việc gia đình trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương do tình trạng phi chính thức duy trì ở mức cao và thiếu các chế độ bảo vệ được quy định trong luật pháp dẫn đến mất việc làm. Ước tính nguy cơ mất việc làm của họ cao gấp 2-3 lần so với các đối tượng lao động khác.
Song song với việc một số lao động giúp việc gia đình bị mất việc làm, một số người khác bị giảm thời giờ làm việc. Trong quý II năm 2020, thời giờ làm việc của lao động giúp việc gia đình tại Việt Nam đã giảm 24,7% so với quý IV năm 2019. Do mất việc làm và thời giờ làm việc bị giảm, tiền lương mà lao động giúp việc gia đình ở Việt Nam nhận được đã giảm 26,2%.
So với quý IV năm 2019, tỷ lệ lao động giúp việc gia đình đã giảm 17% trong quý II năm 2020. Trong khi đó, tỷ lệ mất việc của nhóm lao động làm thuê khác trong cùng giai đoạn dừng ở con số "khiêm tốn" hơn với mức 6,1%.