Giảm nghèo Tây Bắc: “Vừa đền vừa ơn đáp nghĩa vừa là nhiệm vụ chính trị”
(Dân trí) - “Trong hai cuộc kháng chiến, chúng ta đều thấy rõ vai trò đóng góp rất lớn của vùng Tây Bắc. Đảng và Nhà nước đã dành nhiều sự quan tâm để đầu tư cho Tây Bắc. Tới nay, đời sống của bà con nơi đây có nhiều cải thiện. Tuy nhiên, Tây Bắc vẫn là vùng nghèo nhất của cả nước. Để phát triển, Tây Bắc còn rất nhiều vấn đề cần chú trọng”.
Ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc phát biểu tại “Hội nghị bàn về biện pháp giảm nghèo bền vững cho các tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo cao vùng Tây Bắc”.
Chương trình do Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Ban Kinh tế trung ương và Bộ LĐ-TB&XH tổ chức chiều 26/8 tại Hà Nội. Chương trình cũng là dịp để các ban ngành cụ thể hóa các ý tưởng và xây dựng đề xuất giảm nghèo cho các tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo cao tại Tây Bắc giai đoạn 2016-2020.
Tỉ lệ nghèo giảm nhanh
Nhận định về tình hình giảm nghèo Tây Bắc thời gian qua, ông Nguyễn Văn Bình cho biết: Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách giảm nghèo nói chung và giảm nghèo cho vùng Tây Bắc nói riêng. Nhờ đó công tác giảm nghèo vùng Tây Bắc đã đạt được những kết quả nhất định.
Thống kê của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, tỷ lệ hộ nghèo vùng Tây Bắc giảm từ 34,41% năm 2010 xuống còn khoảng 15% vào cuối năm 2015. Tỉ lệ hộ nghèo của các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP giảm còn khoảng 26% vào cuối năm 2015.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Trọng Đàm cho biết nhiều tín hiệu tốt sau 5 năm triển khai công tác giảm nghèo tại Tây Bắc. Theo đó, tỉ lệ hộ nghèo của các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ trong vùng Tây Bắc đã giảm xuống còn 31,94% vào cuối năm 2014 và khoảng 26% cuối năm 2015.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, giai đoạn 2011- 2015, hơn 57.000 hộ được nhận hỗ trợ làm nhà với tổng kinh phí gần 2.000 tỷ đồng; hơn 1.130.322 lượt hộ được hỗ trợ về tiền điện với tổng chi phí hơn 230 tỷ đồng; khoảng 1.957.787 lượt người trên địa bàn 6 tỉnh đã được hưởng lợi từ chính sách hỗ trợ giáo dục đào tạo...
Theo Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm, tỉ lệ này đạt mục tiêu theo kế hoạch đã được đề ra và đạt vượt so với mục tiêu giảm bình quân 4%/năm theo mục tiêu của Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ.
Bên cạnh đó, tỷ lệ hộ nghèo của các xã được hỗ trợ đầu tư theo Chương trình 135 đã giảm từ 3-5% mỗi năm, đạt mục tiêu kế hoạch đề ra, trong đó 21 xã đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu theo Chương trình 135.
Bộ LĐ-TB&XH đánh giá, giai đoạn năm 2001 đến 2015, các chương trình và chính sách xóa đói giảm nghèo đã có tác động toàn diện và đều khắp đến sự phát triển kinh tế, xã hội ở vùng Tây Bắc.
“Tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, tính đến hết năm 2015, cả nước có 1.298 xã (bằng 14,5% số xã), Tây Bắc có 107 xã chiếm 4,62% số xã đã về đích xây dựng nông thôn mới” - Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm cho biết.
Cần đột phá về chính sách
Phát biểu tại hội nghị, Trưởng Ban kinh tế trung ương Nguyễn Văn Bình thẳng thắn thừa nhận, vùng Tây Bắc vẫn là vùng nghèo nhất của cả nước. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 - 2020 còn ở mức cao nhất cả nước, với 29,14% hộ nghèo và 10,69% hộ cận nghèo. Nhiều tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo trên 30% như: Điện Biên, Hà Giang, Cao Bằng, Lai Châu, Sơn La, Yên Bái…
Ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc
“Hội nghị này chính thức khởi động cho một dự án mới, còn rất nhiều bước tiếp theo. Qua ý kiến phát biểu của đại diện các cơ quan đã cho thấy đây là một chủ trương rất đúng của Đảng. Vấn đề là chủ trương đó sẽ thể hiện đúng đắn, hợp lý nhất để triển khai thực hiện thành công. “Cái nôi” của đất nước và của cách mạng Việt Nam chính là từ vùng Tây Bắc nghĩa tình” - ông Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh.
“Đặc biệt, vấn đề củng cố hệ thống chính trị vùng Tây Bắc cần được chú trọng. Do địa bàn dàn trải, sự phân bố vùng miền nhưng nhiều xã, nhiều thôn vẫn còn tình trạng “trắng” đảng viên. Dữ liệu đầu vào chúng ta đã có, cần tích hợp chính sách thế nào theo hai hướng: Cái nào cho bà con thì cho luôn, cái nào hỗ trợ cũng rõ ràng, cơ chế cho vay, cho mượn phải rõ ràng” - ông Nguyễn Văn Bình nói.
Ba nhóm vấn đề chính được vị Trưởng Ban kinh tế Trung ương lưu ý tại Hội nghị, cụ thể: Chú trọng công tác xóa đói giảm nghèo; tăng cường kết nối hạ tầng giao thông, đặc biệt giữa đông Tây bắc và Tây Tây Bắc; gắn phát triển kinh tế Tây Bắc với hệ sinh thái và môi trường. Trên cơ sở đó phát triển du lịch, góp phần giải quyết công ăn việc làm và bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên.
Đồng thuận với những chỉ đạo của Ban kinh tế Trung ương, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá cao chủ trương về đề án của Ban chỉ đạo Tây Bắc trong công tác giảm nghèo.
Để cụ thể những chỉ đạo của Ban chỉ đạo Tây Bắc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng cần tập trung vào 6 nhóm vấn đề chính.
Cụ thể như: Điều quan trọng là điều tra hiệu quả của việc thực thi các chính sách đối với Tây Bắc; tăng cường chuyển từ “cho không” sang cho vay, trừ nhóm đối tượng chính sách và yếu thế; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào vùng Tây Bắc; cải tạo và nâng cấp hạ tầng giao thông; tích tụ ruộng đất, dồn điền đổi thửa và phát triển dịch vụ và tiêu thụ; đào tạo nguồn nhân lực; xây dựng gói tín dụng thương mại ưu đãi cho doanh nghiệp, hợp tác xã kiểu mới khi đầu tư vào khu vực Tây Bắc.
“Trong công tác điều tra hiệu quả chính sách là nền tảng để triển khai phương hướng mới. Theo đó, cấp trên, trung ương hoặc tỉnh chủ yếu xây dựng và kiểm tra việc thực hiện chính sách. Còn giao cho các địa phương nguồn lực để chủ động lựa chọn các công trình hoặc vấn đề cần” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
TIN VẮN:
Thống nhất mức đề xuất tăng lương tối thiểu năm 2017 là 7,3 %
Đầu tháng 8, Hội đồng tiền lương Quốc gia đã nhóm họp và thông qua mức đề xuất tnăg lương tối thiểu vùng năm 2017 là 7,3 %. Trước đó, Phiên đàm phán lần thứ nhất đã diễn ra tại Đồ Sơn (Hải Phòng).
Được biết, diễn biến Phiên họp sáng 2/8 khá căng thẳng dù Tổng LĐLĐ VN và VCCI đã có sự nhượng bộ nhất định so với đề xuất nhất định. Về phía Tổng LĐLĐ VN đã hạ đề xuất tăng lương tối thiểu 2017 từ 11,11 % xuống 10 %. Trong khi đó, VCCI đã chấp nhận nâng mức đề xuất tăng lương tối thiểu từ 4-5 % ban đầu lên tới 6,5 %. Sau khi hội ý và chọn phương án bỏ phiếu, Hội đồng tiền lương Quốc gia đã thống nhất mức đề xuất tăng lương tối thiểu năm 2017 ở mức trung bình 7,3 %, cụ thể: Vùng 1: tăng 250.000 đồng, tương đương 7,1 %; Vùng 2 tăng 220.000 đồng, tương đương 7,1 %; vùng 3 tăng 200.000 đồng, tương đương 7,4 %, vùng 4 tăng 180.000 đồng, tương đương 7,5 %.
So với lương tối thiểu năm 2016, mức tăng của năm 2017 dao động từ 180.000 - 250.000 đồng. Mức đề xuất này được 13/14 thành viên Hội đồng Tiền lương Quốc gia (1 thành viên vắng mặt), chiếm 92.85 %.
H.M
Hoàng Mạnh