Giới trẻ và nạn thất nghiệp
(Dân trí) - Bỏ qua bất bình đẳng xã hội, tội phạm hay bạo lực, giờ đây, nỗi sợ hãi kinh hoàng nhất đang hoành hành trên thế giới lại chính là vấn đề không thể kiếm được việc làm và hiện tượng thất nghiệp ngày càng tăng.
Cũng không có gì quá ngạc nhiên khi nhìn những con số sau: thất nghiệp toàn cầu lên đến 25 triệu người trong vòng 2 năm tới, ước tính tổng số người không có việc làm trên khắp thế giới đến cuối năm nay sẽ là 210 triệu.
Riêng đối với sinh viên vừa mới tốt nghiệp, những người trẻ tuổi còn ấp ủ nhiều ước mơ thì 2009 sẽ là một năm gặp nhiều khó khăn, trắc trở và đầy thử thách.
Rõ ràng, khi các công ty đóng cửa hàng loạt, việc tuyển nhân sự đứng chững và viễn cảnh kinh tế co hẹp dẫn đến ngày càng ít cơ hội việc làm, dù là đơn giản nhất, chứ đừng nghĩ đến một công việc như mơ.
Chẳng hạn như nhiều doanh nghiệp tư nhân ở Mỹ cũng đã phải cắt giảm gần 700.000 công việc chỉ riêng tháng trước. Thế mà nhu cầu tìm kiếm việc lại ngày càng tăng đến chóng mặt.
Không ít các trường cao đẳng, đại học chuẩn bị “xuất lò” những “con cưng” – chủ nhân tương lai của đất nước, háo hức đem những kiến thức được học trên giảng đường vào thực tiễn. Tính riêng Trung Quốc, năm nay sẽ có 6 triệu sinh viên tốt nghiệp chuẩn bị bước vào thị trường lao động. Và chắc chắn họ sẽ phải chịu cảnh cạnh tranh vô cùng khốc liệt, bởi hiện đang có hàng triệu nhân viên có kinh nghiêm và năng lực cũng bị sa thải.
Những người lớn tuổi bị ép về hưu non với số tiền tiết kiệm ít ỏi. Rồi cộng thêm cả những “nạn nhân bị sa thải” cũng muốn “ngoi ngóp” tìm một công việc khác, thì giới trẻ sẽ thế nào đây? Tiếp tục chờ đợi, chấp nhận lương khởi điểm “ngọn cỏ” hay cứ trèo cao để rồi lại bị từ chối thảm hại?
Kết quả đau buồn đó không phải chỉ riêng họ gánh chịu, mà cảnh ngộ của giới trẻ sống cùng với nạn thất nghiệp cũng là vấn đề điên đầu của cả chính phủ, vì rõ ràng kinh tế có chiều đi xuống, đất nước trì trệ, không phát triển.
Ở nhiều quốc gia, nạn thất nghiệp còn trở nên sục sôi, biến thành ngọn lửa tức giận và nổi loạn, khiến cho nhiều cá nhân bức bối, chống lại chính phủ, và quy tội lỗi cho các quan chức, chính họ mới là “kẻ thù” đẩy người dân vào con đường “đen tối” như vậy.
Ngay ở Hy Lạp đã xuất hiện nhiều cuộc bạo loạn sinh viên, một hiện tượng lạ lùng đáng quan tâm vì có thể lây lan sang các vùng khác tại châu Âu.
Chính vì vậy thất nghiệp là vấn đề đang được toàn thế giới quan tâm. Bên cạnh việc tổ chức các hoạt động hướng nghiệp thông thường để đáp ứng nhu cầu việc làm, còn có nhiều chương trình thúc đẩy các cơ quan đoàn thể hãy điều hành nhân sự và tuyển dụng nhiều hơn như một cách hỗ trợ cho sinh viên và những người thất nghiệp.
Chính phủ cũng ra sức mở cửa cho vay mềm để khuyến khích các doanh nghiệp tiếp tục đi vào hoạt động, đồng thời hoàn trả học phí cho những ai chấp nhận về làm ở các vùng nông thôn.
Thế nhưng điều đó chỉ là “chống chế” vì tăng trưởng kinh tế lúc này cũng đang “rên xiết”. Do dó, đối với giới trẻ năm nay, con đường đi tìm việc làm (nhất là những việc như mơ) sẽ đầy chông gai, gập ghềnh.
Theo asiaone.com