Giới thiệu Hội đồng quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động với 15 thành viên

(Dân trí) - Chiều 28/2, tại Hà Nội, Bộ LĐ-TB&XH đã tổ chức Phiên họp đầu tiên của Hội đồng quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động. Hội đồng có nhiệm vụ tham mưu cho Chính nhiều nội dung về pháp luật an toàn, vệ sinh lao động cũng như việc tổ chức đối thoại.

Phát biểu tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác triển khai trong việc xây dựng hệ thống văn bản pháp luật trong lĩnh vực an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) của các cơ quan chức năng thời gian qua.

Với tư cách là Chủ tịch Hội đồng, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, trên cơ sở kế thừa những thành tựu trước đây, Hội đồng sẽ có nhiệm vụ thảo luận trách nhiệm, quy chế làm việc, nhiệm vụ của các thành viên cũng như các hoạt động cụ thể trong thời gian tới…

Góp ý về quy chế, ông Mai Đức Chính - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN - cho rằng, quy chế hoạt động của Hội đồng cần nêu được trách nhiệm cao của từng thành viên. “Chính phủ đã quy định tháng 5 là Tháng hành động an toàn vệ sinh, tai nạn lao động. Do đó, Hội đồng nên tổ chức họp gần thời điểm đó. Về đối thoại, phải tính tới thời điểm thích hợp để qua đó có tư vấn với Chính phủ các giải pháp giảm tình hình an toàn, vệ sinh lao động".

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1037/QĐ-TTg ngày 10/6/2016 về thành lập Hội đồng quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động. Các thành viên của Hội đồng bao gồm 15 đại diện của các bộ, ban, ngành. Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH là Chủ tịch Hội đồng.

Đồng thời, ông Mai Đức Chính nhấn mạnh công tác giám sát tại địa phương và các ngành để có thêm thông tin khuyến nghị chính sách.

Theo ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải, khi xây dựng quy chế của Hội đồng, cần lưu ý về vai trò và quyền hạn của người được uỷ quyền trong các cuộc họp quyết định những vấn đề quan trọng của Hội đồng. Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, nếu có văn bản ủy quyền, người được uỷ quyền có thể tham gia bỏ phiếu về những nội dung trong các cuộc họp của Hội đồng.

Bàn về nhiệm vụ tổ chức đối thoại giữa người lao động, người sử dụng lao động và công đoàn về xây dựng môi trường làm việc an toàn, hoàn thiện pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động; nhiều đại biểu cho rằng Hội đồng nên tăng cường công tác tiếp cận cơ sở và lắng nghe để có thêm thông tin. Đặc biệt, việc triển khai có thể vừa ở cấp bộ, ngành và ở cấp địa phương.

Trước đó, hôm 20/2, Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành Thông tư 02/2017/TT-BLĐTBXH hướng dẫn tổ chức Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động. Theo đó, chương trình sẽ kéo dài từ ngày 1 - 31 tháng 5 hàng năm. Chương trình sẽ được tổ chức ở các cấp Bộ, ngành và ở các cơ sở kinh doanh. Bên cạnh nội dung phát động phong trào thi đua ATVSLĐ, chương trình còn bao gồm nội dung thanh, kiểm tra về ATVSLĐ, tuyên truyền ý thức ATVSLĐ tại cơ sở kinh doanh…

Hoàng Mạnh