Giáp Tết: Những phận đời mưu sinh trong đêm lạnh
Khi màn đêm buông xuống, trong cái lạnh tái tê, tiếng rao của những người bán hàng rong khiến cho lòng người chùng xuống.
Phía sau những tiếng rao là phận đời của những người nặng gánh mưu sinh, có cả niềm vui, nỗi buồn và trĩu nặng âu lo.
Kiếm thêm cái bánh chưng ăn Tết
Hà Nội sau 12 giờ đêm, đường phố vắng vẻ, hiu hắt, hầu hết mọi người đã chìm vào giấc ngủ. Nhưng cuộc hành trình của những người mưu sinh trong đêm lạnh vẫn chưa thể kết thúc. Họ lầm lũi bước đi dưới ánh đèn đường lạnh lẽo và cô đơn. Những gánh hàng rong chở đầy ngô, khoai bốc hơi nóng hổi…
Những cụ bà bán bánh, bán xôi với tiếng rao khắc khoải len lỏi vào các ngóc ngách, phố phường Hà Nội. Càng về đêm, tiếng rao càng chậm rãi và da diết hơn. Ẩn sau mỗi tiếng rao là những câu chuyện về cuộc đời với nỗi lo toan cơm áo gạo tiền đè nặng lên đôi vai họ.
Hành trình của chị Nguyễn Thị Hoa ở Mỹ Đức (Hà Nội) bắt đầu từ 5 giờ chiều, trên xe là những bắp ngô, củ khoai, chiếc bánh mỳ và nồi xôi nghi ngút khói. Xuất phát từ Hà Đông, dọc lên phía Ngã Tư Sở hàng đêm đều như vắt chanh, mỗi buổi chị kiếm được khoảng 150.000 đồng, còn những hôm ế ẩm thì được chưa đầy 100.000 đồng.
Trong đêm Đông tĩnh lặng, chị Hoa co ro trong lớp áo mỏng, căng mình chống chọi với cái lạnh thấu xương. “Khổ mấy cũng phải chịu thôi, ở nhà còn bao nhiêu miệng ăn đang chờ, rồi tiền đóng học cho con. Hơn thế, sắp Tết rồi, mình chịu vất vả một chút để cả nhà có thêm cái bánh chưng ăn Tết” - chị Hoa chia sẻ.
Năm nay đã gần 70 tuổi, bà Nguyễn Thị Bình vẫn phải co ro ngồi bán nước ở đường Nguyễn Xiển (quận Thanh Xuân, Hà Nội). Bắt đầu dọn hàng từ 19 giờ, không hôm nào bà về trước 3 giờ sáng hôm sau. "Kiếm tiền giờ khó lắm chú ơi, đêm hôm mất ngủ, rét mướt, bụi đường mà hôm đông khách thì được một đôi trăm nghìn, hôm ít chỉ được mấy chục thôi" - bà Bình chia sẻ.
Ngoài những người lặng lẽ mưu sinh trong đêm tối như chị Hoa, bà Bình, trong cái sự tĩnh lặng của đêm Hà Nội, vẫn còn đó cảnh hối hả, nhộn nhịp của những thương lái mang đủ loại hàng hóa rau quả, thịt cá đang đổ về các khu chợ.
Niềm vui với họ là những đồng tiền kiếm được bằng chính sức lao động của mình, những đồng tiền thấm đẫm mồ hôi mặn chát.
Những giấc ngủ vội
Dù đã hơn 1 giờ sáng, hàng chục người chạy xe ôm vẫn “neo đậu” dọc tuyến đường Giải Phóng, khu vực bến xe Giáp Bát để mong kiếm thêm những cuốc xe của những người đi tàu, xe muộn.
Đã có thâm niên trong việc chạy xe ôm, ông Hoàng Văn Thanh (quê Nam Định) cho biết, việc làm ăn ngày càng khó khăn hơn.
“Làm xe ôm vất lắm, lại lắm rủi ro, nhất là đêm hôm lạnh giá thế này. Ai chẳng muốn có chăn ấm đệm êm, ngả lưng ngủ từ đêm tới sáng nhưng số mình chẳng được như vậy. Nhiều lúc tranh thủ ngả lưng lên yên xe mà chợp mắt một chút cho đỡ, có những giấc ngủ vội, khách gọi là tỉnh ngay, lại bon bon trên đường" - ông Hoàng Văn Thanh chia sẻ.
Dường như giấc ngủ vội đã quá quen thuộc với những người chạy xe ôm dù bất cứ thời điểm nào, “ăn nhanh gọn, ngủ khẩn trương” chính là những gì mà nhiều người lái xe ôm trước cửa bến xe Giáp Báp đã chia sẻ với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị.
Cũng có thâm niên làm nghề xe ôm được ngót nghét 10 năm, anh Trần Quốc Trung ở Chương Mỹ (Hà Nội) chia sẻ, xã hội đã phân công công việc, mỗi người kiếm sống một nghề. Nhưng nếu ai chạy xe ngoài đường giữa trưa nắng chang chang, nhiệt độ mặt đường lên đến hơn 400C hay trong cái rét thấu xương của mùa Đông mới thấu hiểu sự vất vả của cánh xe ôm.
Càng những ngày trời lạnh, kiếm được cuốc xe vô cùng khó khăn. Hơn thế, việc ra đời của xe ôm công nghệ cũng khiến nhiều người như anh Trung ngày càng lao đao. "Ế khách là chuyện bình thường. Trước đây, trung bình một ngày kiếm được vài ba trăm nghìn, còn bây giờ phải cạnh tranh với đội Grab, GoViet nên kiếm được 100.000 đồng đã là mừng rồi! Có khi ngồi cả đêm cũng chẳng có khách" - anh Trung nói.
Khó khăn, vất vả là thế nhưng nhiều mảnh đời vẫn mưu sinh trong mọi hoàn cảnh. Và mắt họ vẫn ánh lên niềm vui, niềm hạnh phúc bởi những đồng tiền họ kiếm được bằng mồ hôi, sức lao động của chính mình. Đặc biệt, phía sau họ, có những cuộc đời gặt hái được nhiều thành công, trưởng thành bằng sự nuôi dưỡng của người cha, người mẹ miệt mài đang kiếm sống hàng đêm.
Theo Ngọc Tú/Báo Kinh tế đô thị