Nghệ An:
Giáp Tết, bội thu nhờ nuôi cá vụ 3 thay trồng lúa
(Dân trí) - Sau khi thu hoạch vụ hè thu, nhiều hộ dân đã tích nước vào ruộng nuôi cá thay trồng lúa. Mô hình nuôi cá ruộng (cá vụ 3) không chỉ cho thu nhập cao mà còn góp phần làm tăng độ phì nhiêu của đất.
Vào đầu tháng 8 Âm lịch hằng năm, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An lại bắt đầu thả cá giống vụ 3 trên ruộng lúa vùng sâu trũng, nhằm kiếm thêm nguồn thu nhập trong những tháng mùa nước nổi. Nuôi cá trên ruộng lúa vùng thấp trũng đã trở thành mô hình hiệu quả của nhiều hộ dân.
Huyện Yên Thành là có vùng sâu trũng nhiều nên sau khi thu hoạch vụ Hè Thu người dân đã tích nước nuôi cá. Đây là một cách làm hiệu quả không chỉ cho thu nhập cao mà còn góp phần làm tăng độ phì nhiêu của đất.
Thu hoạch xong vụ hè thu, ông Phan Trọng Mạnh ở xóm 3, xã Minh Thành đã tích nước trên 5ha ruộng của mình rồi đem cá về thả. Những loại cá ông thả chủ yếu là cá trắm, rô phi lai, cá chép…
"Với 5 ha ruộng, tôi mua khoảng 1tạ cá giống với số tiền là 5 triệu đồng. Sau khi nuôi khoảng 3 tháng tại ruộng cá phát triển trung bình 1,5kg/con và cho thu nhập khoảng 1,5 tấn. Trừ các chi phí ra, việc thả cá vụ 3 cho thu nhập 30 triệu đồng", ông Mạnh chia sẻ.
Nhận thấy thu nhập nuôi cá vụ 3 hơn trồng lúa, ông Nguyễn Văn Đức ở xã Quang Thành, nhiều năm nay đã thực hiện mô hình này. Ông Đức cho biết, việc thả cá ruộng không tốn thức ăn do cá ăn vi sinh vật trong nước và lúa chét mọc lên từ gốc rạ của vụ lúa Hè Thu. Bình quân mỗi vụ gia đình thu lãi khoảng 20 triệu đồng, so với trồng lúa thì nuôi cá sẽ bội thu gấp 3 lần".
Không chỉ riêng huyện Yên Thành, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An như: Huyện Đô Lương, Nam Đàn, Hưng Nguyên…đã mạnh dạn nuôi cá vụ 3 thay vì trồng lúa.
Anh Nguyễn Văn Thủy (50 tuổi, ở xã Bài Sơn, huyện Đô Lương) cho biết: "Tôi làm mô hình nuôi cá vụ 3 đã 5 năm rồi. Đây là một mô hình đỡ vất vả và cho thu nhập cao".
"Năm nay tôi đã đầu tư 3 tạ cá giống trên 7ha ruộng, nếu trồng lúa vụ hè thu rất vất vả, năng suất thì phải phụ thuộc vào thời tiết. Sau 3 tháng thả cá, trừ chi phí gia đình tôi đã thu nhập được 40 triệu đồng", anh Thủy chia sẻ.
Theo thống kê của ngành Nông nghiệp tỉnh Nghệ An, diện tích toàn tỉnh đạt khoảng 5.000 ha và sản lượng đạt gần 4.000 tấn. Tuy nhiên, để mô hình này thực sự phát huy hiệu quả thì cần quy hoạch các vùng sản xuất để tạo ra nguồn sản phẩm hàng hóa có chất lượng cao, có sức cạnh tranh trên thị trường; cần quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống thủy lợi cho vùng canh tác.
Mặt khác, để các hộ dân yên tâm đầu tư sản xuất, cần có chính sách cho thuê đất lâu dài, cần hướng dẫn về kỹ thuật, cách tiếp cận thị trường, đầu tư về giống để các sản phẩm của người dân nhanh chóng xâm nhập thị trường trong và ngoài tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Dương, Phó chủ tịch UBND huyện Yên Thành cho biết: "Đặc thù đất đồng của Yên Thành là vùng sâu trũng, chủ yếu đất thịt nặng nên việc sản xuất vụ đông trên đất 2 lúa là rất khó khăn. Để nâng cao hiệu quả kinh tế trên đất 2 lúa ngoài 1 số cây trồng như: bí xanh, khoai lang… thì cá vụ 3 là lựa chọn ưu tiên hàng đầu của bà con nông dân"
"Toàn huyện Yên Thành có diện tích trên 100 ha nuôi cá vụ 3 được người dân phát huy trong nhiều năm nay. Hiệu quả từ mô hình này rất cao so với trồng lúa nên chính quyền đã tuyên truyền, khuyến khích các hộ dân nhân rộng mô hình này", ông Dương cho biết thêm.