Giáo viên trường nghề sáng chế mô hình điện và động cơ ô tô

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Để tiết kiệm chi phí đầu tư thiết bị dạy thực hành, giáo viên trường Cao đẳng cộng đồng Đắk Nông đã sáng chế 2 mô hình thường dùng trong việc giảng dạy ngành điện công nghiệp và công nghệ ô tô.

Tại Hội thi thiết bị đào tạo tự làm lần thứ VII năm 2022 diễn ra tại Bà Rịa - Vũng Tàu (ngày 10-14/10), Cao đẳng cộng đồng Đắk Nông giới thiệu mô hình mô phỏng tháo lắp động cơ 1NZ-FE (nhóm tác giả Nguyễn Thanh Thuận - Nguyễn Quốc Hà) và mô hình mô phỏng thực hành trang bị điện (nhóm tác giả Nguyễn Công Trà - Nguyễn Thị Hương).

Theo tác giả Nguyễn Quốc Hà, tháo lắp động cơ 1NZ-FE là nội dung quan trọng trong ngành đào tạo công nghệ ô tô. Sinh viên cần nắm vững kiến thức này nên các trường đều phải đầu tư máy móc, trang thiết bị để cho các em thao tác thực tế nhiều lần nhằm hình thành kỹ năng. Tuy nhiên, việc thực hành nhiều trên thiết bị thật dẫn đến hao mòn máy móc và tăng chi phí đào tạo.

Giáo viên trường nghề sáng chế mô hình điện và động cơ ô tô - 1

Tác giả Nguyễn Quốc Hà trình bày về cơ chế hoạt động, giảng dạy bằng mô hình mô phỏng (Ảnh: Tùng Nguyên).

Từ thực tế trên, đội ngũ nhà giáo ngành công nghệ ô tô tại Cao đẳng cộng đồng (CĐCĐ) Đắk Nông đã nghiên cứu mô phỏng, số hóa thiết bị này. Những hình ảnh đồ họa 3D sinh động cộng với mô hình sẽ giúp sinh viên nắm bắt được cấu tạo, nhận dạng các bộ phận chi tiết của động cơ một cách nhanh chóng.

Sử dụng mô hình này để đào tạo phần thực hành, người học sẽ thực hành trên mô hình ảo trước, nắm bắt quy trình tháo lắp các chi tiết bộ phận của động cơ. Sau đó, người học sẽ được chuyển sang thực hành trên mô hình thật để hình thành kỹ năng, giảm số lần vận hành thiết bị thật, giảm hao mòn máy móc.

Mô hình này đã được CĐCĐ Đắk Nông nghiên cứu từ lâu trong quá trình chuyển đổi số của nhà trường. Trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát, trường chuyển qua đào tạo trực tuyến càng thúc đẩy nghiên cứu này nhanh hơn, hoàn thiện hơn. Vì mô hình mô phỏng tháo lắp động cơ 1NZ-FE không chỉ dùng để dạy trực tiếp tại giảng đường mà còn rất phù hợp để dạy trực tuyến.

Giáo viên trường nghề sáng chế mô hình điện và động cơ ô tô - 2

Mô hình mô phỏng tháo lắp động cơ 1NZ-FE giới thiệu từ không gian xưởng làm việc cho đến từng chi tiết động cơ (Ảnh: Chụp màn hình clip mô phỏng).

Tương tự, thực hành trang bị điện là bộ môn cơ bản của ngành đào tạo điện công nghiệp. Nhóm tác giả Nguyễn Công Trà - Nguyễn Thị Hương nghiên cứu thành công mô hình mô phỏng thực hành trang bị điện và đưa vào giảng dạy đã giúp trường CĐCĐ Đắk Nông giảm rất nhiều chi phí tiêu hao nguyên vật liệu, hao mòn máy móc trong quá trình dạy thực hành.

Theo tác giả Nguyễn Công Trà, giảng viên có thể ứng dụng mô hình này để dạy trực tiếp, hoặc dạy trực tuyến các kỹ năng tháo lắp, đấu nối, kiểm tra, vận hành các mạch điện điều khiển máy, mô hình sản xuất và mạch ứng dụng khác. Mô hình có thể ứng dụng đào tạo các môn học: Khí cụ điện, trang bị điện, máy điện, truyền động điện, lắp đặt điện…

Mô hình mô phỏng này giúp sinh viên rèn luyện kỹ năng đấu nối được các mạch điện đúng quy trình kỹ thuật, rút ngắn thời gian hình thành kỹ năng từ mô hình ảo qua thiết bị thật; giúp cho người học tiếp thu bài giảng một cách trực quan, dễ nhớ.

Đồng thời, mô hình mô phỏng sinh động này cũng góp phần giúp người học tiếp cận sớm với công nghệ số hóa, có thể tạo hứng thú cho sinh viên nghiên cứu, sáng tạo thêm trong quá trình thực hành. Vì với mô hình mô phỏng, các em không phải đầu tư quá nhiều chi phí mua vật liệu để thử nghiệm, nghiên cứu.

Giáo viên trường nghề sáng chế mô hình điện và động cơ ô tô - 3

Mô hình mô phỏng thực hành trang bị điện có thể ứng dụng giảng dạy nhiều môn trong ngành đào tạo điện công nghiệp (Ảnh: Chụp màn hình clip mô phỏng).

Ông Nguyễn Hữu Lành, Hiệu trưởng CĐCĐ Đắk Nông, chia sẻ: "Không chỉ góp phần giảm thiểu chi phí đào tạo, các mô hình mô phỏng này còn có thể sử dụng để dạy online, phù hợp với quá trình chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp thời đại 4.0, phát triển hệ thống dạy học trực tuyến, số hóa học liệu và trang thiết bị đào tạo".

Theo ông Nguyễn Hữu Lành, công nghệ ô tô và điện công nghiệp là các ngành nghề trọng điểm quốc gia, cũng là ngành mũi nhọn mà tỉnh Đắk Nông đầu tư phát triển nên nhà trường đẩy mạnh nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Hiện tại, CĐCĐ Đắk Nông có hơn 300 sinh viên theo học hai ngành này, chiếm khoảng 30% tổng số sinh viên của trường.