1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Giáo dục nghề nghiệp: Nhiều thách thức trong tăng trưởng và hội nhập

(Dân trí) - Với hơn 1.900 cơ sở và mức độ tuyển sinh đạt hơn 2,2 triệu người/năm, hệ thống giáo dục nghề nghiệp đã mở ra nhiều cơ hội gắn kết đào tạo và hỗ trợ thị trường. Tuy nhiên, lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp còn gặp nhiều thách thức khi lựa chọn mô hình tăng trưởng và hội nhập quốc tế

Đây cũng là vấn đề chính được bàn thảo tại Hội thảo Phát triển giáo dục Việt Nam 2019, chương trình do Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội và Bộ LĐ-TB&XH tổ chức sáng 20/9 tại Hà Nội.

Thu hẹp cơ sở, tăng tuyển sinh

Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Quốc Hội Uông Chu Lưu đánh giá, Luật Giáo dục nghề nghiệp sau khi có hiệu lực đã thúc đẩy nhiều đổi mới quan trọng và đột phá trong lĩnh vực này.

Giáo dục nghề nghiệp: Nhiều thách thức trong tăng trưởng và hội nhập - 1

“Đơn cử như việc hợp nhất các trình độ đào tạo, đổi mới về tổ chức và quản lý đào tạo, chính sách cho người học, nhà giáo và cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng như bổ sung, hoàn thiện cơ chế...” - Phó chủ tịch Quốc hội nói.

Trong bối cảnh hội nhập nhanh chóng, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý nhiều thách thức trước sự vận động, phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ và tri thức nhân loại, đặc biệt là trước yêu cầu của toàn cầu hóa, quốc tế hoá.

Ông Cao Văn Sâm - Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp đánh giá về những thác thức của lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp

“Xu thế toàn cầu nên được nhìn nhận là thời cơ và cũng là thách thức cho giáo dục nghề nghiệp. Việt Nam cần những đổi mới mạnh mẽ để không chỉ đảm đương được trách nhiệm đào tạo nhân lực trực tiếp phục vụ cho sản xuất, kinh doanh mà còn đáp ứng yêu cầu hội nhập, cạnh tranh…” - Phó Chủ tịch Quốc hội gợi ý.

Tiếp thu ý kiến của Phó chủ tịch Quốc hội, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà cho biết, hệ thống giáo dục nghề nghiệp thời gian quan đã và đang thực hiện đổi mới khá mạnh mẽ và đồng bộ, nhất là trong việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà, tháng 12/2016 - thời điểm Bộ LĐ-TB&XH tiếp nhận bàn giao các trường trung cấp chuyên nghiệp, các trường cao đẳng từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, hệ thống giáo dục nghề nghiệp có 2.020 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Đến tháng 6/2019, thông qua công tác quy hoạch, xắp xếp lại, cả nước còn 1.917 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. 

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà chia sẻ: “Chất lượng và hiệu quả giáo dục nghề nghiệp có bước chuyển biến tích cực; kỹ năng nghề nghiệp của người tốt nghiệp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã được nâng lên; trên 80% người học tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm ngay sau khi tốt nghiệp, ở một số nghề và một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp tỷ lệ này đạt gần 100%”.

Trên cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền về giáo dục nghề nghiệp, nhận thức của người học, người dân và xã hội về giáo dục nghề nghiệp phần nào có những chuyển biến nhất định. Kết quả tuyển sinh trong 2 năm 2017, 2018 đã bắt đầu đạt và vượt chỉ tiêu đề ra.

Không ít thách thức

Ngoài những kết quả đạt được, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cũng thừa nhận, một trong những khó khăn của phát triển giáo dục nghề nghiệp là sự nhận thức về giáo dục nghề nghiệp ở một số địa phương chưa đầy đủ, thậm chí còn coi nhẹ. Đặc biệt là chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng.

Giáo dục nghề nghiệp: Nhiều thách thức trong tăng trưởng và hội nhập - 2

“Trong khi đó, một bộ phận xã hội vẫn chưa nhận thức đúng về vai trò quan trọng của giáo dục nghề nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội; tâm lý coi trọng bằng cấp vẫn còn nặng nề; việc định hướng nghề nghiệp, phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS, THPT không đạt mục tiêu đề ra” - Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cho biết.

Đại diện của Bộ LĐ-TB&XH đánh giá, năng lực của cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp ở địa phương còn hạn chế.

Đồng quan điểm trên, ông Cao Văn Sâm - Phó Chủ tịch Hiệp Hội Giáo dục nghề nghiệp, cho rằng một trong những hướng phát triển bền vững của giáo dục nghề nghiệp chính là tăng cường gắn kết với thị trường lao động và doanh nghiệp.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, dù có nhiều cơ hội phát triển nhưng mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp vẫn gặp bất cập trong việc phân bố, ngành nghề, trình độ đào tạo. Việc sáp nhập cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở một số địa phương còn mang tính hành chính, cơ học.

“Việc gắn kết này cần được thể hiện ở nhiều cấp độ, như: Tham gia vào đào tạo, góp ý vào quá trình xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng, đánh giá và kiểm tra nhân lực sau đào tạo” - ông Cao Văn Sâm cho biết.

Vị Phó Chủ tịch cũng chỉ ra những hạn chế trong việc gắn kết, từ đó ảnh hưởng tới tính thực chất và hiệu quả chưa cao của giáo dục nghề nghiệp. "Lý do bởi thể chế chính sách chưa đầy đủ, chưa đề cập cụ thể hơn về lợi ích của doanh nghiệp vào giáo dục nghề nghiệp. Bên cạnh đó, việc đào tạo chưa gắn được với doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp công nghệ hiện đại. Ngoài ra, việc gắn bó chưa chặt khiến công tác tạo việc làm cho người học còn chưa hiệu quả" - ông Cao Văn Sâm nói.

Cũng đề cập tới thực trạng của giáo dục nghề nghiệp, bà Wendy Cunningham - đại diện Ngân hàng Thế giới đánh giá, hệ thống giáo dục nghề nghiệp nghiệp của Việt Nam còn nhiều hạn chế.

Trong khi đó, năng suất lao động của Việt Nam vẫn khá khiêm tốn so với các nước trong khu vực, khoảng 67 % lực lượng lao động của Việt Nam có trình độ trung học trở xuống.

Bà Wendy Cunningham gợi ý, Việt Nam cần chú trọng hơn việc cân bằng ngân sách của nhà nước cho giáo dục nghề nghiệp và thiết kế chính sách đào tạo theo yêu cầu của doanh nghiệp.

Hoàng Mạnh