1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Vĩnh Phúc:

Giảm tối đa khả năng xảy ra ngừng việc tập thể

Thế Kha

(Dân trí) - Vĩnh Phúc chỉ đạo tuyên truyền để người lao động hiểu rõ lợi ích của chế độ hưu trí, những bất lợi khi lựa chọn nhận bảo hiểm xã hội một lần; giảm tối đa khả năng xảy ra ngừng việc tập thể.

UBND tỉnh Vĩnh Phúc vừa giao Sở Lao động- Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, UBND các huyện, thành phố chủ động tuyên truyền, hướng dẫn các quy định của pháp luật về tiền lương, mức lương tối thiểu vùng để người sử dụng lao động triển khai thực hiện kịp thời, người lao động nắm rõ, hiểu đúng quy định của pháp; giảm tối đa xảy ra ngừng việc tập thể trên địa bàn tỉnh.

"Tăng cường thông tin, truyền thông về các quy định của pháp luật cũng như vai trò, ý nghĩa của bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Chú trọng tuyên truyền để người lao động hiểu rõ lợi ích của chế độ hưu trí, những bất lợi khi lựa chọn nhận BHXH một lần"- cơ quan này nhấn mạnh yêu cầu.

Giảm tối đa khả năng xảy ra ngừng việc tập thể - 1

Sản xuất linh kiện điện tử tại Khu Công nghiệp Bình Xuyên, Vĩnh Phúc (Ảnh: TTXVN).

Đồng thời, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội Vĩnh Phúc phải tăng cường thanh tra, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành về tình hình chấp hành các quy định của pháp luật lao động, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động của các đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với Sở Tài chính, UBND các huyện, thành phố và cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai ngay việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà theo Quyết định số 08/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Bảo hiểm xã hội tỉnh Vĩnh Phúc được giao phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan cập nhật, nắm chắc tình hình lao động của doanh nghiệp, đảm bảo doanh nghiệp đóng đúng, đóng đủ BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động. Đôn đốc doanh nghiệp nợ đóng, chậm đóng truy đóng BHXH, BHYT, BHTN.

Hướng dẫn người lao động đã nghỉ việc, có quá trình tham gia BHXH thực hiện bảo lưu hoặc tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện để cộng nối thời gian tham gia BHXH, hưởng chế độ hưu trí.

UBND các huyện, thành phố phải thành lập và duy trì hoạt động của Ban chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động trên địa bàn. Phối hợp chặt chẽ với Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động tỉnh Vĩnh Phúc và các cơ quan, đơn vị liên quan trong công tác cung cấp thông tin về tình hình hoạt động, quan hệ lao động của doanh nghiệp; chủ động nắm bắt, giải quyết các vấn đề về quan hệ lao động phát sinh trên địa bàn.

Như Dân trí phản ánh trước đó, báo cáo của Sở Lao động- binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Phúc về tình hình lao động, việc làm trên địa bàn cho thấy, năm 2021 trung bình mỗi tháng có 43 doanh nghiệp dừng sản xuất, kinh doanh, giải thể. Quý I/2022, trung bình mỗi tháng có 105 doanh nghiệp dừng sản xuất, kinh doanh, giải thể.

Việc đó đã ảnh hưởng tới việc làm, thu nhập của một bộ phận người lao động. Một số doanh nghiệp phải thực hiện các biện pháp để ứng phó, như giảm giờ làm, tổ chức làm việc luân phiên, cho lao động ngừng việc, thỏa thuận tạm hoãn hợp đồng lao động… dẫn tới ảnh hưởng đến sự ổn định việc làm, thu nhập của người lao động, gây ảnh hưởng nhất định đến quan hệ lao động trong doanh nghiệp.

Cơ quan này dự báo đời sống của người lao động sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn, do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Một bộ phận người lao động sẽ không được điều chỉnh tiền lương, trong khi lạm phát gia tăng, giá cả các mặt hàng không ngừng "leo thang".

Từ đó cơ quan này đã đề xuất UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành một số chính sách hỗ trợ, giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.