Giảm thời gian đóng BHXH xuống 10 hoặc 15 năm, lương hưu có đủ sống?

(Dân trí) - “Việc điều chỉnh thời gian đóng BHXH xuống 15 hoặc 10 là ý tưởng hay, đáp ứng nguyện vọng người dân. Nhưng liệu tiền lương hưu từ thời gian đóng trên có đảm bảo được cuộc sống hay không? Để khắc phục điều này cần sự linh hoạt trong xây dựng chính sách BHXH”.

Các đại biểu bàn về việc điều chỉnh thời gian đóng BHXH xuống còn 15 và 10 năm. (Nguồn: Chinhphu.vn)

Đây là ý kiến của ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội tại Giao lưu trực tuyến về Chính sách bảo hiểm xã hội do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức đầu tháng 8 tại Hà Nội.

Theo ông Bùi Sỹ Lợi, Nghị quyết số 28/NQ-TW về cải cách chính sách BHXH đã tạo sự linh hoạt trong chính sách BHXH so với trước đây, nhằm hướng tới việc thu hút đông đảo hơn đối tượng tham gia.

Tuy nhiên, ông Bùi Sỹ Lợi đặt câu hỏi: Liệu tiền lương hưu của người lao động đóng trong vòng 10 hoặc 15 năm này có đảm bảo được cuộc sống của họ sau này?

Nêu ra vấn đề đồng thời cũng tự tìm lời giải, vị Phó Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội đưa ra dẫn chứng, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 12 đã nêu rõ, Nhà nước phải đảm bảo 5 dịch vụ xã hội cơ bản tối thiểu như: Y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, thông tin truyền thông.

Một trong những điểm mới của Đề án cải cách chính sách BHXH là việc tham gia BHXH có thể được nghiên cứu để giảm xuống 15 hoặc 10 năm, so với hiện nay là 20 năm.

“Điều này có nghĩa rằng, lương hưu chỉ còn đảm bảo được nhu cầu lương thực và không bao gồm các yếu tố như trên. Do đó, lương hưu chỉ là một phần bù đắp cho người lao động khi nghỉ hưu” - ông Bùi Sỹ Lợi.

Tuy nhiên, việc nghiên cứu chính sách linh hoạt BHXH nhằm giúp tăng lợi ích hợp pháp cho người lao động là điều vẫn tiếp tục được nghiên cứu.

Ông Bùi Sỹ Lợi đưa ra kiến nghị cần nghiên cứu việc tham gia bảo hiểm xã hội cần linh hoạt theo cách tính mới.

“Theo đó, người lao động có thể đóng trước 5 năm hoặc đóng sau 5 năm nếu trong trường hợp quy định chỉ cần đóng 15 năm có thể được hưởng lương hưu. Như vậy, cùng với khoản đóng thêm 5 năm của người lao động. Tổng thời gian vẫn đủ 20 năm tham gia BHXH và mức lương hưu sẽ cao hơn” - ông Bùi Sỹ Lợi giải thích.

Đồng tình với quan điểm của ông Bùi Sỹ Lợi, bà Nguyễn Thị Minh - Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội VN - cho biết, việc thiết kế một chính sách bảo hiểm xã hội hết sức linh hoạt là cần thiết.

Thậm chí có thể nghiên cứu việc cho phép người lao động đóng BHXH trước một số năm và sau này khi có điều kiện sẽ tiếp tục tham gia, qua đó kéo dài thời gian tham gia bảo hiểm xã hội và đảm bảo mức hưởng lương hưu cao hơn.

“Nếu áp dụng linh hoạt chính sách, kết hợp sự tham gia của cả hệ thống chính trị, chúng ta sẽ đạt được những kết quả như để ra và phục vụ được người lao động một cách thuận lợi nhất và tiệm cận được các mục tiêu về Đề án phát triển BHXH đã đề ra” - bà Nguyễn Thị Minh nói.

“Chúng ta có thể chấp nhận mức đóng đó không phải là lương hưu theo đúng nghĩa mà có thể là hình thức trợ cấp lương hưu xã hội. Qua đó, người lao động khi về già vẫn có thể yên tâm vẫn cảm thấy bởi có được một khoản hỗ trợ một khoản hỗ, phần nào bớt gánh nặng cho con cái và xã hội”- bà Nguyễn Thị Minh đưa gợi ý.

Cũng theo người đứng đầu ngành BHXH, Đề án phát triển bảo hiểm xã hội hướng tới phát triển đa tầng và nhiều đối tượng. Do vậy cần phải chú ý tới nhiều đối tượng và tham khảo các cách làm hay.

“Kinh nghiệm từ việc thực hiện chính sách bảo hiểm y tế thời gian qua khá thành công. Tới nay đã có 87% dân số tham gia bảo hiểm y tế. Trong khi đó, chính sách bảo hiểm xã hội nếu biết khai thách vẫn còn có nhiều điểm rất hấp dẫn và bền vững. Mặt khác, sự hỗ trợ của nhà nước dành cho đối tượng tham gia BHXH cao hơn đối tượng BHYT, nếu mà xét về tổng mức hỗ trợ của nhớ trong cả cuộc đời”.

Hoàng Mạnh