Giảm mệt mỏi cho buổi làm việc chiều
(Dân trí) - Khi Anthony Nguyen và các đồng nghiệp tại công ty 10 Deep Clothing (Brooklyn) cảm thấy mệt mỏi trong buổi làm việc chiều, họ liền chạy tới vớ lấy mấy cái xe đạp và ván trượt để sẵn tại văn phòng. Sau một vài vòng chạy quanh công sở, họ đã sảng khoái trở lại…
Không phải ai cũng có sẵn xe đạp hoặc không gian để làm vài vòng xả hơi ngay tại nơi làm việc. Nhưng Nguyen cùng các đồng nghiệp của anh đã có ý tưởng rất hay trong việc đối phó lại cơn mệt mỏi thường “kéo đến” vào mỗi buổi chiều, tầm 14, 15 giờ. Cụ thể cách đó là đứng dậy và chạy xung quanh.
Vai trò của dinh dưỡng
Có những cách giúp ta ngăn ngừa cơn mệt mỏi trước khi nó xuất hiện. Phương pháp hiển nhiên nhất vẫn là ngủ từ 7 đến 8 tiếng mỗi đêm. “Nếu bạn không ngủ đủ giấc, cơ thể bạn không thể tự hồi phục để sẵn sàng cho một “cuộc chiến đấu” mới”, ông Stefan Aschan, sáng lập viên kiêm chủ sở hữu Strength123, một công ty chuyên cung cấp các chương trình dinh dưỡng cân đối trên mạng, cho biết.
Chế độ ăn có ảnh hưởng tới mức độ năng lượng của cơ thể. Theo chuyên gia dinh dưỡng Rebecca Solomon tại bệnh viện Mount Sinai ở Manhattan, “Ăn bữa trưa quá no chính là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra cảm giác buồn ngủ buổi chiều. Bởi khi đó tất cả năng lượng của bạn đều phải dồn vào để tiêu hoá lượng thức ăn “khổng lồ” đã nạp trong buổi trưa”.
Mục đích hướng tới là giữ lượng hormone vỏ não và hormone chống viêm và dị ứng của cơ thể vì chúng là những hormone do cơ thể sản sinh khi gặp phải stress. Mức độ các loại hormone đó được đẩy cao khi bạn dùng các loại thức ăn có đường, cafein và thức ăn đã qua chế biến, do đó bạn cảm thấy tỉnh táo và tràn đầy năng lượng. Nhưng chỉ vài giờ sau đó, khi lượng các hormone đó giảm đi, bạn lại trở nên “lờ đờ”, uể oải.
Bà Solomon khuyến nghị nên ăn bữa ăn có cân bằng những chất béo có lợi như dầu ô liu, dầu lê tàu với các loại protein và các loại hyđrat-cácbon lành mạnh (bánh mỳ hoặc sợi mỳ từ bột chưa qua chế biến). Khẩu phần ăn tuỳ theo mức độ mỗi người nhưng nguyên tắc chung là bạn chỉ nên ăn một lượng sao cho sau bữa ăn khoảng 4 tiếng thì bắt đầu thấy đói.
Những thói quen lành mạnh
Một thói quen ăn uống lành mạnh khác nữa là ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày, bao gồm cà rốt, quả hạch, các món khai vị và hoa quả. Bạn nên ăn bữa trưa trong khoảng từ 1 rưỡi đến 2 giờ chiều, ngay trước thời điểm bạn thường cảm thấy mệt mỏi nhất.
Sau khi đã ăn bữa trưa với những thành phần hợp lý, bạn nên đi bộ trong khoảng 10 đến 15 phút để máu lưu thông. Không khí tươi sạch và ánh mặt trời sẽ giúp bạn tỉnh táo trở lại. Cùng với đó, bạn cũng có thể kiểm soát mức độ căng thẳng của mình bằng cách đóng cửa văn phòng lại, nằm trên giường trong khoảng 10 phút, mắt nhắm lại. Có thể bạn sẽ không ngủ thiếp đi trong thời gian đó nhưng đây là cách rất tốt để bạn tập trung vào việc thở thay vì những tâm trạng căng thẳng trong ngày.
Nguyen, nhà thiết kế quần áo ở Brooklyn cho biết, văn phòng làm việc của anh có rất nhiều cửa sổ nhìn ra khu cảng Brooklyn. Vì họ bắt đầu làm việc từ khoảng 10h30 sáng nên họ thường ở lại công ty lâu hơn vào buổi chiều. Do đó khi mặt trời lặn chính là lúc anh cảm thấy buồn ngủ nhất.
“Điều đó hoàn toàn bình thường”, ông Jeffrey Saltzman, nhà tâm lý học tổ chức của hãng tư vấn nhân sự Kenexa nhận xét, “đó là một phần của chu kỳ tự nhiên. Điều đó có nghĩa, khi mặt trời lặn, chúng ta cảm thấy mệt mỏi và buổi sáng khi mặt trời mọc, cơ thể ta ngừng sản sinh hormone melatonin và chúng ta thức giấc”.
Kích thích sáng tạo
Bà Mary Ann O’Neil, người sáng lập hãng đào tạo lãnh đạo One to One Leadership, là một giáo viên dạy nghề bà đã giúp các khách hàng của mình vượt qua cơn mệt mỏi vào buổi chiều bằng những ý tưởng rất lạ. Bà khuyên nên để một trò chơi ghép hình ở khu vực chung như phòng ăn trưa hay khu uống nước mát để các nhân viên có thể lắp ghép khi đi qua khu vực đó. Việc tìm kiếm các khối hình hoặc màu sắc sẽ giúp họ trở nên linh hoạt và sáng tạo hơn.
Nếu cách này không đem lại hiệu quả, bạn có thể dùng trò chơi ô chữ hoặc sudoku ngay tại bàn làm việc. Chơi trên mạng thường gây “nghiện” vì thế bạn nên hạn chế bằng những bản giấy. Bà O’Neil nói, “Cách này giúp trí não bạn làm việc nhưng không phải làm những công việc thực tiễn”.
Để tự giúp mình có thêm hứng khởi làm việc, bạn có thể giữ lại những bức email và lời nhắn khen ngợi của bạn bè và đồng nghiệp trong một ngăn kéo. Hãy kéo chúng ra và đọc khi bạn cần nguồn cung cấp năng lượng tích cực.
Đôi khi mức năng lượng của bạn cũng có liên quan tới lượng công việc phải giải quyết. Ông Saltzman đã tiến hành một nghiên cứu về lượng công việc phải làm của nhân viên và mối liên quan giữa điều đó với cảm giác thoải mái của họ. Khi các nhân viên có khối lượng công việc vừa đủ phải làm, họ cảm thấy rất vui vẻ. Khi có quá nhiều việc phải làm họ vẫn thấy thoải mái vì họ có cảm giác công ty đang rất cần họ. Nhưng ngược lại, khi có không nhiều việc phải hoàn thành họ lại cảm thấy chán nản. “Họ cảm thấy không có đủ việc để làm cũng có nghĩa họ không được đánh giá cao”, ông Saltzman cho biết.
Từ điều này, ông còn thấy khi các nhân viên cảm thấy họ không được đánh giá cao, họ bắt đầu chán nản. Sự chán nản thường gây cảm giác mệt mỏi cho con người và cuối cùng khi ai đó không có đủ việc để làm họ có thể cảm thấy cơ thể rã rời. Có lẽ đó cũng là lời gợi ý với các ông chủ chăng: Muốn giúp các nhân viên tỉnh táo, hãy dồn thêm nhiều việc làm cho họ.
Đỗ Dương
Theo hotjobs.yahoo.com