Giai đoạn 2012-2015: Hơn 600 sản phẩm báo chí phản ánh về BHXH, BHYT
(Dân trí) - "Trong 3 năm, công tác truyền thông BHXH, BHYT trên 4 cơ quan tuyên truyền lớn đã tạo ra hơn 600 tin, bài phản ánh, phóng sự, tọa đàm... trên các mặt báo, kênh sóng. Qua đó, các tầng lớp nhân dân, nhất là người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số hiểu hơn về chính sách BHXH, BHYT”.
Bà Đỗ Thị Xuân Phương - Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam - đánh giá về kết quả hợp tác tuyên truyền Bảo hiểm xã hội (BHXH), Bảo hiểm y tế (BHYT) trong giai đoạn 2012-2015 năm giữa Bảo hiểm xã hội Việt Nam với 4 cơ quan báo chí lớn là Báo Nhân dân, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam.
Theo đánh giá của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, công tác tuyên truyền đã triển khai thực hiện nghiêm túc, bám sát các nội dung trọng tâm, trọng điểm về chế độ chính sách BHXH, BHYT.
Các hình thức tuyên truyền được thể hiện phong phú, đa dạng như đưa tin, phóng sự, phỏng vấn, toạ đàm, chuyên mục, đối thoại trực tiếp, tư vấn trực tiếp, đăng bài tổng thuật các sự kiện…
Đồng thời, các chương trình phát thanh, truyền hình, các chuyên mục về BHXH, BHYT trên báo viết, báo điện tử của các đơn vị cũng là diễn đàn để người dân bày tỏ những thắc mắc đối với các cơ quan chức năng, là cầu nối giữa Ngành BHXH với người dân.
"Với những kết quả đạt được như trên có thể khẳng định, công tác phối hợp tuyên truyền của các cơ quan truyền thông quốc gia thời gian qua đáp ứng tương đối đầy đủ cả về nội dung, khối lượng công việc và hiệu quả tuyên truyền mà các Chương trình, thỏa thuận phối hợp đề ra” - Bà Đỗ Thị Xuân Phương nói.
Tuy nhiên, việc triển khai còn gặp nhiều khó khăn như một số phóng viên khi tiếp cận lấy thông tin còn gặp khó khăn nhất định do có hiện tượng một số cán bộ BHXH các địa phương còn ngại tiếp xúc với báo chí.
Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cũng ghi nhận thực tế, nhận thức của một bộ phận người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa về chính sách BHXH, BHYT chưa cao. Nhiều chương trình về BHXH, BHYT còn nặng về nội dung tuyên truyền, xem nhẹ hình thức thể hiện, vẫn tập trung chủ yếu ở các chương trình chính luận, phổ biến kiến thức. Trong khi các hình thức chuyển tải khác chưa thực sự được đẩy mạnh.
Dự kiến thời gian tới, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đặt mục tiêu kết phối hợp tuyên truyền thực hiện chính sách BHXH, BHYT hướng tới mục tiêu nâng cao nhận thức của tầng lớp nhân dân đối với việc chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về BHXH, BHYT, cần tập trung phản ánh.
Đồng thời, công tác tuyên truyền cần phản ánh kết quả triển khai thực hiện Đề án của Chính phủ về thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân giai đoạn 2012 - 2015 và 2020; tuyên truyền làm cho người dân hiểu được sự thiết thực, tính nhân văn, nhân đạo của chính sách BHXH, BHYT nhằm ổn định cuộc sống, chăm sóc sức khỏe cho người dân, bảo đảm ASXH của đất nước; cảnh báo nhằm ngăn ngừa tình trạng trốn đóng, nợ đọng BHXH, BHYT đang có xu hướng ngày một tăng; giải đáp chế độ, chính sách BHXH, BHYT...
Hoàng Mạnh