Gia nhập TPP: Tổ chức đại diện cho người lao động tại cơ sở hoạt động ra sao?

(Dân trí) - “Từ nay tới cuối năm 2016, Bộ LĐ-TB&XH đang gấp rút rà soát hệ thống văn bản pháp luật về lao động, công đoàn. Nhiều quy định mà chúng ta cần phải bổ sung hoặc xây dựng mới liên quan tới việc thành lập, hoạt động, mối quan hệ của tổ chức đại diện cho người lao động tại cơ sở…”


Ông Hà Đình Bốn - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐ-TB&XH)

Ông Hà Đình Bốn - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐ-TB&XH)

Ông Hà Đình Bốn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐ-TB&XH), trao đổi với PV Báo Dân trí bên lề Diễn đàn quan hệ lao động VN, Chương trình do Bộ LĐ-TB&XH, Tổng LĐLĐ VN, VCCI, Tổ chức lao động quốc tế (ILO) tổ chức sáng 19/4 tại Hà Nội.

Theo đại diện Vụ Pháp chế (Bộ LĐ-TB&XH) các quy định về lao động chủ yếu nằm trong Chương 19 của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP và một số văn bản ký kết giữa VN và Hoa Kỳ.

“Các nội dung đang được Bộ LĐ-TB&XH rà soát, thống kê: Các vấn đề lao động công đoàn, các quy định về lao động còn thiếu, các nội dung chưa được quy định, cái gì quy định nhưng còn thiếu so với Hiệp định TPP…”- ông Hà Đình Bốn cho biết.

Bên cạnh đó, một số điều cần sửa đổi để tương thích với công ước và pháp luật VN. Còn những nội dung mới, như: Việc hình thành cơ quan đại diện cho người lao động tại cơ sở. Đây là vấn đề đã được quy định trong Bộ Luật Lao động 2012 đã quy định rồi, nhưng chưa cụ thể.

Nội dung này được đề cập tại Hiệp định TPP và dự kiến được triển khai trong thời gian tới tại VN.

Tại sao hơn 5.500 cuộc đình công từ 1994-2016 đều tự phát?

Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân, các vấn đề thương lượng, đối thoại quan hệ lao động đã đặt ra cách đây 15-20 năm nhưng chưa thực chất, dù các doanh nghiệp đã đặt bút ký ?. Cần xem xét lại các cuộc đình công, tính chính danh của các cuộc đình công hiện nay. Tại sao khi Chính phủ bàn về tăng lương, các cuộc đình công lại có xu hướng tăng lên? Đây là dấu hiệu của tranh chấp lao động. Điều này, đặt ra vai trò ở cấp doanh nghiệp cần thêm sự điều chỉnh trong đối thoại quan hệ lao động.

Mặc dù Hiệp định TPP đã được đại diện 12 quốc gia thành viên ký kết năm 2015. Nhưng để chuẩn hóa và có hiệu lực tại VN, Hiệp định còn cần sự phê chuẩn của Quốc hội dự kiến trong vài tháng tới.

Bộ LĐ-TB&XH đã thành lập tổ rà soát hệ thống pháp luật lao động liên quan, cụ thể: Về góc độ chính sách pháp luật là phải hoàn thiện thể chế pháp luật.

Ông Hà Đình Bốn nhấn mạnh: “Một trong những vấn đề được quan tâm là việc thành lập tổ chức đại diện cho người lao động tại doanh nghiệp. Cụ thể: Ai cho cấp phép thành lập? Điều kiện thành lập ở đâu? Mối quan hệ của tổ chức này với Tổng LĐLĐ VN và cơ quan chức năng khác?...Nếu họ khiếu nại thì quy trình và xử lý như thế nào?

Đặc biệt, chúng tôi cũng quan tâm tới việc xây dựng quy định giữa mối quan hệ của tổ chức này với tổ chức công đoàn hiện nay. Vai trò của tổ chức này trong việc hỗ trợ công tác đối thoại trong quan hệ lao động cấp cơ sở”.

Cũng theo ông hà Đình Bốn, điểm khó là nhiều quy định mới nên phải xây dựng lại từ đầu.

Việc hình thành các quy định mới này có ảnh hưởng gì tới những quy định hiện nay về tổ chức công đoàn? Theo ông Hà Đình Bốn, các quy định này không mâu thuẫn với những quy định hiện nay về ngành công đoàn. "Đây cũng là dịp để tổ chức công đoàn tự lớn mạnh và hoàn thiện vị trí của mình hơn".

Về dự kiến cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động của tổ chức này, ông Hà Đình Bốn cho rằng Quốc hội và Chính phủ sẽ phân công cụ thể trách nhiệm đơn vị cụ thể thời gian tới.

Theo Bộ LĐ-TB&XH: Những tiêu chuẩn lao động được đề cập trong Hiệp định TPP là các tiêu chuẩn được nêu tại Tuyên bố năm 1998 của Tổ chức lao động quốc tế - ILO, gồm:

- Quyền tự do liên kết và thương lượng tập thể của người lao động và người sử dụng lao động.

- Xóa bỏ lao động cưỡng bức và lao động bắt buộc.

- Cấm sử dụng lao động trẻ em, xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất.

- Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử về việc làm và nghề nghiệp.

Hoàng Mạnh