1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Quảng Nam:

Giá kiệu tết tăng, nông dân bỏ túi hàng chục triệu tiền lãi mỗi sào

Ngô Linh

(Dân trí) - Được mùa, được giá, được các thương lái bao tiêu sản phẩm, nông dân vùng kiệu Tết Quảng Nam khấp khởi vui với một vụ mùa bội thu.

Những ngày này, nông dân vùng kiệu Tết huyện Thăng Bình (Quảng Nam) đang tất bật thu hoạch phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Giá kiệu tết tăng, nông dân bỏ túi hàng chục triệu tiền lãi mỗi sào - 1

Người dân vùng kiệu Thăng Bình (Quảng Nam) tất bật thu hoạch kiệu Tết.

Toàn huyện Thăng Bình có khoảng 200 ha kiệu, tập trung ở các xã Bình Phục, Bình Giang, Bình Sa… Đây là vùng trồng kiệu lớn nhất tỉnh Quảng Nam. Kiệu ở đây trồng trên đất cát, phát triển nhanh, củ to và đều, được thương lái ưa chuộng. 

Giá kiệu tết tăng, nông dân bỏ túi hàng chục triệu tiền lãi mỗi sào - 2

Lo ngại dịch Covid-19 khiến tiêu thụ gặp khó, hầu hết các hộ trồng kiệu đều chủ động giảm 50-60% diện tích canh tác.

Tết năm nay, lo ngại dịch bệnh diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến thị trường tiêu thụ, nên nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện Thăng Bình chủ động giảm diện tích trồng kiệu, hoặc chuyển đổi sang cây trồng khác.

Giá kiệu tết tăng, nông dân bỏ túi hàng chục triệu tiền lãi mỗi sào - 3

Kiệu Tết năm nay được giá khiến nông dân rất phấn khởi.

Theo người trồng kiệu, năm nay, mỗi sào kiệu (một sào 500 m²), người dân thu về 250-300 kg, sản lượng khá ổn định. Giá bán hiện nay từ 35.000 - 40.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, trung bình, người dân có thể thu về 7-10 triệu đồng mỗi sào canh tác.

Giá kiệu tết tăng, nông dân bỏ túi hàng chục triệu tiền lãi mỗi sào - 4

Kiệu Thăng Bình, Quảng Nam có tiếng củ to, đẹp, được thương lái ưa chuộng.

Hơn 10 năm trồng kiệu, đây là năm đầu tiên ông Võ Sàng (thôn Bình Túy, xã Bình Giang, huyện Thăng Bình) giảm diện tích kiệu Tết từ 3 sào xuống chỉ còn một sào. Ông Sàng cho biết, từ tháng 8 âm lịch, nông dân trên địa bàn bắt đầu trồng kiệu vụ Tết. Năm nay, hầu như gia đình nào cũng cắt giảm diện tích, hoặc chuyển sang trồng đậu phộng.

Người dân Quảng Nam phấn khởi vì kiệu Tết được giá

Với kinh nghiệm canh tác lâu năm, dù thời tiết không mấy thuận lợi, năng suất kiệu của các hộ dân tại Thăng Bình vẫn ổn định. Kiệu của gia đình ông Sàng năm nay củ to, thương lái thu mua 42.000 đồng/kg. Với sào kiệu thu hoạch khoảng 300 kg, ông Sàng bỏ túi hơn chục triệu đồng tiền lãi mùa kiệu Tết năm nay.

Giá kiệu tết tăng, nông dân bỏ túi hàng chục triệu tiền lãi mỗi sào - 5

Kiệu được trồng trên luống cao khoảng 30 cm trở lên, để khi mưa lớn nước thoát nhanh, tránh bị thối củ.

"Người dân lo ngại dịch bệnh khó tiêu thụ nên không dám trồng nhiều, bởi vậy nên thời điểm này kiệu mới lên giá như vậy. Thương lái thu mua rất nhanh nên chúng tôi phấn khởi lắm. Khoảng tuần nữa sợ không có kiệu bán, bởi diện tích năm nay giảm nhiều quá", ông Sàng nói.

Giá kiệu tết tăng, nông dân bỏ túi hàng chục triệu tiền lãi mỗi sào - 6

Kiệu trồng trên đất cát có bộ rễ dài và dày, người dân làm sạch rễ, lá trước khi bán cho thương lái.

Năm nay gia đình bà Võ Thị Hẵng (thôn Bình Túy, xã Bình Giang) cũng giảm diện tích trồng kiệu xuống còn một sào do lo ngại dịch Covid-19. Kiệu Tết năm nay được giá nên bà rất phấn khởi, sau khi trừ chi phí, mỗi sào, gia đình bà có thể thu về gần 10 triệu đồng.

Giá kiệu tết tăng, nông dân bỏ túi hàng chục triệu tiền lãi mỗi sào - 7

Theo người dân, sau 5 năm họ mới có một mùa kiệu được giá như năm nay.

Theo bà Hẵng, do năm ngoái ảnh hưởng dịch Covid-19 khiến tiêu thụ gặp khó, người dân bị thương lái ép giá, phải bán rẻ nên năm nay họ không mấy mặn mà. Hầu như nhà nào cũng chủ động giảm diện tích từ 50-60%, hoặc chuyển sang canh tác cây trồng khác.

Giá kiệu tết tăng, nông dân bỏ túi hàng chục triệu tiền lãi mỗi sào - 8

Do ít người trồng, kiệu khan hàng mới có mức giá cao.

"Sau 5 năm, nay kiệu Tết mới lại có giá như vậy, chứ những năm gần đây, đầu ra bấp bênh, giá kiệu giảm, người trồng lo ngại lắm. Giờ kiệu tăng giá là do ít người trồng chứ nếu vẫn trồng nhiều thì chắc cũng lại mất giá. Kiệu là loại thực phẩm ăn Tết của người dân, cây trồng truyền thống và cho thu nhập khá so với trồng lúa", bà Hẵ cho hay.

Giá kiệu tết tăng, nông dân bỏ túi hàng chục triệu tiền lãi mỗi sào - 9

Trung bình một sào kiệu, người dân thu lãi từ 7-10 triệu đồng.

Ông Nguyễn Thêm (thôn Bình Hiệp, xã Bình Phục) cũng cắt giảm một nửa diện tích, năm nay chỉ canh tác 4 sào kiệu Tết. Ông giải thích: "Trồng kiệu Tết không chỉ trông vào thời tiết, mà còn phụ thuộc thị trường và thương lái, nên người nông dân rất "bị động". Chúng tôi cũng mong có đầu ra ổn định để mỗi năm không phải phập phồng lo lắng như vậy".

Kiệu sau khi thu hoạch sẽ được phân loại theo kích thước rồi bán cho thương lái vận chuyển tới các chợ trong tỉnh và nhiều vùng khác. Ở miền Nam, người mua thường thích loại kiệu to nhưng người Đà Nẵng và Huế lại thích loại nhỏ (gọi là kiệu sẻ). Kiệu nhỏ thường có mùi thơm đậm hơn.