Gần 38.000 lao động nhận trợ cấp thất nghiệp tại Bình Dương

Theo Trung tâm DVVL Bình Dương (Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương) cho thấy, trong 6 tháng qua, hơn 37.900 lao động đã được hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 44,85 % so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, Trung tâm cũng tư vấn giới thiệu việc làm cho hơn 33.800 người, đạt 100,42% kế hoạch.

Đẩy mạnh mô hình “một cửa”

Theo lãnh đạo Trung tâm, ngoài kết quả về tư vấn và giới thiệu việc làm như trên, Trung tâm DVVL Bình Dương còn bố trí cho hơn 1.170 người đăng ký trợ cấp thất nghiệp tham gia học nghề, tăng 29.27 % so với kết quả cùng kỳ năm ngoái.

Cũng trong thời gian này, Trung tâm còn triển khai nhiều hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả việc thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, như: Bổ sung thêm 4 quầy tư vấn giới thiệu việc làm chuyên sâu dành cho lao động thất nghiệp và lao động tự do tại bộ phận một, tổ chức sàn giao dịch việc làm trực tuyến tại 3 chi nhánh, đẩy mạnh nhiều hình thức truyền thông tới các doanh nghiệp và người lao động trên địa bàn tỉnh.


Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Đặc biệt, việc áp dụng mô hình “một cửa” liên thông về tư vấn giới thiệu việc làm, bảo hiểm thất nghiệp và học nghề đã đem lại hiệu quả, nâng cao số lượng cũng như chất lượng phục vụ cho người lao động. Điều này rất có ý nghĩa, bởi tỉnh Bình Dương có số lượng lao động thất nghiệp lớn. Theo TT DVVL Bình Dương, số người lao động có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng năm khoảng 60.000 người với tổng số tiền chi trả trợ cấp khoảng 600 tỷ đồng.

Điểm nổi bật của mô hình “một cửa” là sự phân loại lao động, theo đó xác định được các đối tượng ưu tiên như người cao tuổi, người có con nhỏ, phụ nữ mang thai, người khuyết tật.

Tại mô hình “một cửa”, người lao động lần đầu đến Trung tâm đều được cấp một mã vạch. Đây là dữ liệu cá nhân của người lao động. Khi tới trung tâm lần thứ 2, người lao động chỉ việc sử dụng mã vạch để in các loại hồ sơ, giấy tờ mà trên đó đã in sẵn các thông tin của mình và điền thêm những thông tin phát sinh. Điều này giúp giản tiện các thủ tục hành chính và bớt thời gian thời cho người lao động.

Cần nâng cao nhận thức về BHTN

Qua 6 tháng đầu năm 2017 triển khai chính sách BHTN, lãnh đạo Trung tâm đánh giá: Việc bỏ quy định cấp giấy xác nhận về chưa đăng ký bảo hiểm thất nghiệp đã giúp thuận lợi cho người lao động tự do đăng ký bảo hiểm thất nghiệp ở bất cứ tỉnh/thành nào.

Ngoài ra, người lao động không được hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp nhưng vẫn được học nghề nhằm nâng cao tay nghề cho người lao động, Qua đó giúp tăng cơ hội quay trở lại thị trường lao động nhanh hơn. Người lao động được thông báo tìm kiếm việc làm trong 3 ngày và đặc biệt có các trường hợp không phải thông báo tìm việc làm.

Bên cạnh đó, Trung tâm cũng phản ánh những khó khăn trong triển khai chính sách, như: Nhận thức của một số người lao động, người sử dụng lao động, về chính sách bảo hiểm thất nghiệp còn hạn chế. Nhiều trường hợp người lao động ở tỉnh xa khi đã chuyển đến tỉnh khác, nếu có sai sót về hồ sơ sẽ phải trở lại tỉnh đã làm việc trước đó để chỉnh sửa. Điều này gây khó khăn về đi lại.

Ngoài ra, khi Trung tâm nhận được dữ liệu từ BHXH phát hiện trường hợp người đăng ký thất nghiệp nhưng vẫn đi làm thì đã muộn. Lúc đó, người lao động đã hưởng hết số tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Điều này gây khó khăn cho Trung tâm trong việc tiếp nhận hồ sơ cũng như ra quyết định chấm dứt, thu hồi, bảo lưu và thu hồi tiền hưởng trợ cấp thất nghiệp đối với người lao động…

Nhằm tạo hiệu quả trong thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, Trung tâm dịch vụ việc làm Bình Dương đã triển khai nhiều hình thức tuyên truyền, như: Tư vấn tại chỗ thông qua Website, mail, yahoo, chat, băng rôn, bảng hướng dẫn, tờ rơi; lập trang facebok của Trung tâm, liên kết với các cơ quan và doanh nghiệp; tư vấn lưu động tại các địa phương; các chương trình phổ biến giáo dục pháp luật cho công nhân tại các nhà trọ, khu chế xuất.

Bên cạnh đó, Trung tâm còn thực hiện công tác đăng thông tin tuyển sinh trên báo Bình Dương vào các ngày thứ 2, 4, 6 hàng tuần bắt đầu từ tháng 01/2017; thành lập “Tổ tư vấn viên tư vấn tập thể” để thực hiện tư vấn tại các địa điểm di động tại các địa phương, trụ sở chính hoặc chi nhánh.

Cập nhật liên tục các thông tin mới về chính sách GTVL, BHTN, học nghề tới lao động, doanh nghiệp với các hình thức như: Băng rôn, bảng hướng dẫn, tờ rơi, hay chiếu các thông tin tuyển dụng của doanh tại các khu vực tập trung đông lao động…

Đức Đại

Tin liên quan:

Người lao động thất nghiệp còn thờ ơ với học nghề

Theo ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nhiều lao động thờ ơ với việc nâng cao tay nghề, thậm chí cả đối tượng hưởng trợ cấp thất nghiệp cũng ít quan tâm tới chính sách học nghề.

Tại cuộc tọa đàm “Việt Nam trong thế giới sản xuất kỹ thuật số” vừa được tổ chức tại TP HCM. Đại diện Tổng LĐLĐ VN cho biết, theo phân tích của đại diện Tổng LĐLĐ VN, trong năm 2016, chỉ có 4,9% công nhân lao động hưởng chế độ từ quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để đi học nghề với mong muốn quay trở lại thị trường lao động, trong khi đó hơn 95% còn lại sử dụng số tiền đó vào việc khác. “Do đó cần có những sự tác động để thay đổi nhận thức của đại đa số công nhân lao động. Bởi chỉ trong khoảng 10 năm nữa, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ lan rộng. Hàng loạt lao động sẽ đối mặt với thất nghiệp do trình độ tay nghề yếu kém, lạc hậu không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp” - ông Mai Đức Chính nói. Cũng theo dự báo của các chuyên gia tại Hội nghị, khoảng 45% lao động điện tử, 86% lao động dệt may của Việt Nam sẽ bị thay thế trong cuộc Cách mạng lần thứ 4 tới đây.

X.A

Các trường hợp tạm dừng hoặc chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp

Ông Huỳnh Văn Bình (Bình Dương) hỏi: Trong hoàn cảnh nào, người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp sẽ bị dừng tạm dừng hoặc chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp?

Theo Điều 53 Luật Việc làm có quy định việc tạm dừng, tiếp tục, chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp , như sau:

Người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp bị tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp khi không thông báo về việc tìm kiếm việc làm hằng tháng theo quy định tại Điều 52 của Luật Việc làm.

Người lao động bị tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp nếu vẫn còn thời gian được hưởng theo quyết định thì tiếp tục hưởng trợ cấp thất nghiệp khi thực hiện thông báo về việc tìm kiếm việc làm hằng tháng theo quy định tại Điều 52 của Luật Việc làm.

Người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp trong các trường hợp sau đây: Hết thời hạn hưởng trợ cấp thất nghiệp; Tìm được việc làm; Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; Hưởng lương hưu hằng tháng; Sau 2 lần từ chối nhận việc làm do trung tâm dịch vụ việc làm nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp giới thiệu mà không có lý do chính đáng; Không thực hiện thông báo tìm kiếm việc làm hằng tháng theo quy định tại Điều 52 của Luật Việc làm trong 3 tháng liên tục; Ra nước ngoài để định cư, đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng; Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên; Bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm pháp luật bảo hiểm thất nghiệp; Chết; Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; Bị tòa án tuyên bố mất tích; Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù.

B.N

Việc cộng nối thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp ra sao?

Chị Phạm Thị Hằng ở Ninh Giang, Hải Dương hỏi: Tôi làm việc ở công ty may được 8 năm, giờ đã nghỉ việc và đang làm việc tại công ty khác. Vậy thời gian đóng BHTN của tôi có được cộng nối không?

Trả lời:

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 45 Luật Việc làm thì thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp để xét hưởng bảo hiểm thất nghiệp là tổng các khoảng thời gian đã đóng bảo hiểm thất nghiệp liên tục hoặc không liên tục được cộng dồn từ khi bắt đầu đóng bảo hiểm thất nghiệp cho đến khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hoặc đồng làm việc theo quy định của pháp luật mà chưa hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Do đó, chị Hằng vào công ty mới và tiếp tục đóng bảo hiểm thất nghiệp thì thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp trước đó sẽ được cộng dồn cùng với thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp sau này để tính là thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp.

P.G