Gần 145.000 người hưởng lương hưu mới trong năm 2017
(Dân trí) - Mức tiền lương bình quân tháng làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc là 4,6 triệu đồng/người/tháng, trong đó khu vực doanh nghiệp là 4,77 triệu đồng và lương bình quân đóng BHXH chỉ bằng 73 % tiền lương thực tế. Cũng trong năm 2017, cả nước có gần 145.000 người hưởng lương hưu mới.
Đây là đánh giá về công tác thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý quỹ bảo hiểm xã hội năm 2017, do Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ trình Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc Hội cuối tháng 4 vừa qua.
Hơn 470 tỉ đồng nợ BHXH không thể thu hồi
Báo cáo đánh giá cho thấy, đối chiếu với số liệu điều tra về tiền lương thì tiền lương bình quân tháng đóng BHXH trong khu vực doanh nghiệp bằng khoảng 73% tiền lương thực tế.
Khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đóng BHXH cho người lao động sát với tiền lương thực tế nhất với tỷ lệ là 91%. Tỷ lệ này là thấp nhất ở khu vực doanh nghiệp Nhà nước, ước khoảng 55%.
Đại diện Bộ LĐ-TB&XH cho biết, số thu BHXH bắt buộc năm 2017 ước là 197,5 nghìn tỷ đồng, đạt 103,7% kế hoạch.
Liên quan tới số nợ BHXH bắt buộc tính lãi, tính đến ngày 31/12/2017, số tiền phải tính lãi đã là 5.737 tỷ đồng, chiếm 2,9% so với số phải thu (giảm 0,8 điểm % so với năm 2016).
Về số nợ BHXH bắt buộc, các doanh nghiệp ngoài quốc doanh chiếm tỷ trọng nợ cao nhất với số tiền nợ là 3.712 tỷ đồng, chiếm tới 65% tổng số nợ. Khu vực doanh nghiệp nhà nước chiếm 6,3% số nợ, doanh nghiệp ngoài quốc doanh chiếm 6,02%.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, số nợ BHXH khó thu là khoảng 1.667 tỷ đồng của trên 10.000 doanh nghiệp với khoảng 12.000 lao động. Trong đó, nợ không thể thu hồi được là 476 tỷ đồng. Lý do các doanh nghiệp đã và đang giải thể phá sản và doanh nghiệp có chủ là người nước ngoài bỏ trốn.
Gần 145.000 người nhận lương hưu mới
Cũng theo Bộ LĐ-TB&XH, cả nước có gần 145.000 người hưởng lương hưu mới, gần 667.000 người hưởng BHXH một lần trong năm 2017.
Về chi trả các chế độ, tổng số đối tượng hưởng chế độ BHXH do nguồn ngân sách Nhà nước đảm bảo năm 2017 khoảng là 1,23 triệu người, giảm 1,5% so với năm 2016. Số chi ước là 44.896 tỷ đồng tăng 1,93% so với năm 2016.
“Mức hỗ trợ tham gia BHXH tự nguyện từ ngân sách Nhà nước còn thấp, tổ chức thực hiện chính sách chưa có những giải pháp đột phá trong tiếp cận, vận động đối tượng, các phương pháp giao dịch, đăng ký và thu nộp chưa đa dạng và tiện lợi…” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đơn cử.
Năm 2017, có 227.506 người tham gia BHXH tự nguyện, tăng 11,59% so với năm 2016 nhưng chỉ đạt 61% kế hoạch được giao.
Phân tích về nguyên nhân tỉ lệ tham gia BHXH tự nguyện còn thấp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, chính sách BHXH tự nguyện mặc dù đã được thiết kế ưu việt về quyền lợi nhưng tính hấp dẫn còn chưa cao trong bối cảnh thu nhập của người dân còn thấp.
Để mở rộng đối tượng tham gia BHXH thời gian tới, đại diện Bộ LĐ-TB&XH cho rằng thời gian tới cần quy định giảm thời gian đóng BHXH để đủ điều kiện hưởng lương hưu, nâng mức hỗ trợ người dân tham gia BHXH tự nguyện.
Đồng thời cần gắn quyền lợi tham gia BHXH tự nguyện với các ưu đãi khác của Nhà nước, chuyên nghiệp hóa đội ngũ làm công tác thu BHXH tự nguyện, tiếp tục cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin…
Hoàng Mạnh