An toàn lao động:
Đường sắt Cát Linh - Hà Đông: Phát hiện nhiều sai phạm của Tổng thầu Trung Quốc
(Dân trí) - Bộ LĐ-TB&XH vừa công bố hàng loạt vi phạm trong hợp đồng lao động, an toàn lao động của Tổng thầu Trung Quốc tại Công trình thi công đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội).
PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Phan Công Thọ - Phó Chánh Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH - về nội dung này.
Những sai phạm về lĩnh vực lao động việc làm được phát hiện sau khi thanh tra tại công trình thi công đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) là gì, thưa ông?
Qua kiểm tra, thanh tra Bộ LĐ-TB&XH phát hiện doanh nghiệp chưa thực hiện đúng nhiều quy định của pháp luật lao động.
Các vi phạm được phát hiện như: Chưa báo cáo định kỳ về tình hình sử dụng và nhu cầu tuyển dụng lao động 6 tháng, hàng năm với cơ quan quản lý nhà nước về lao động địa phương.
Trong hợp đồng lao động, quyền lợi và nghĩa vụ của người sử dụng lao động, người lao động chưa thỏa thuận cụ thể, như: Không thỏa thuận nội dung bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; mục công việc phải làm ghi “người sử dụng lao động căn cứ yêu cầu công việc kinh doanh sản xuất và năng lực thế hiện của người lao động đế sắp xếp công việc và nơi làm việc hợp lý”.
Cũng tại khoản 1 Điều 6 hợp đồng lao động quy định điều khoản thi hành “khi người lao động và người sử dụng lao động ký hợp đồng lao động thì người lao động phải chấm dứt hợp đồng lao động đối với đơn vị khác, nếu không người sử dụng lao động có quyền chấm dứt hợp đồng lao động…”
Về tiền lương, doan nghiệp áp dụng mức lương tối thiểu thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Nhà nước quy định. Qua kiểm tra 20 hợp đồng lao động, doanh nghiệp đang áp dụng mức lương chính và tiền công là 3.000.000 đồng/tháng (trong khi mức lương tối thiểu vùng quy định tại Hà Nội là 3.100.000 đồng/tháng)…
Được biết công trình đã từng có nhiều vi phạm về an toàn lao động trong thời gian thi công trước đây. Vậy qua việc thanh tra có phát hiện thêm sai phạm gì, thưa ông?
Việc chưa thực hiện đúng các quy định về an toàn lao động cũng không ít. Cụ thể: Doanh nghiệp chưa thống kê đầy đủ số lao động làm các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; chưa báo cáo định kỳ về tình hình tai nạn lao động 6 tháng, hàng năm với cơ quan quản lý nhà nước về lao động địa phương; chưa khai báo với Sở LĐ-TB&XH TP Hà Nội khi sử dụng máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động theo quy định.
Tại công trường, doanh nghiệp đang sử dụng một số máy móc thiết vị chuyên dụng. Tuy nhiên, đoàn thanh tra phát hiện doanh nghiệp chưa kiểm định kỹ thuật an toàn lao động đối với 8 máy, thiết bị thuộc danh mục máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động theo quy định.
Bên cạnh đó, nhiều vi phạm được phát hiện, như: Chưa thống kê số lao động làm các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; chưa tổ chức huấn luyện định kỳ về an toàn lao động, vệ sinh lao động cho đối tượng là người sử dụng lao động và người lao động làm công việc bình thường theo quy định.
Trên cơ sở những sai phạm trên, đoàn thanh tra đã đề xuất gì đối với doanh nghiệp, thưa ông?
Để ngăn ngừa, giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, đảm bảo quyền lợi của người lao động, Thanh tra Bộ đã kiến nghị với Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH yêu cầu Giám đốc doanh nghiệp khắc phục các thiếu sót.
Cụ thể: Doanh nghiệp phải báo cáo định kỳ về tình hình tuyển dụng và nhu cầu sử dụng lao động 6 tháng đầu năm và hàng năm với cơ quan quản lý nhà nước về lao động địa phương theo quy định của Bộ luật Lao động, Nghị định số 03/2014/NĐ-CP, Thông tư số 23/2014/TT-BLĐTBXH.
Doanh nghiệp phải báo cáo định kỳ về tình hình tai nạn lao động 6 tháng, hàng năm với với cơ quan quản lý nhà nước về lao động địa phương theo quy định tại Bộ luật Lao động, Nghị định số 45/2013/NĐ- CP
Hợp đồng lao động ký kết với người lao động phải thỏa thuận đầy đủ, cụ thể quyền lợi, nghĩa vụ của người sử dụng lao động và người lao động theo đúng quy định tại Điều 23 Bộ luật Lao động; hướng dẫn tại Điều 4 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP.
Áp dụng mức lương tối thiểu không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố theo quy định tại Điều 91 Bộ luật Lao động; Nghị định số 103/2014/NĐ-CP; Xây dựng và gửi thang lương, bảng lương, định mức lao động đến cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện theo quy định tại Điều 93 Bộ luật Lao động, Nghị định số 49/2013/NĐ-CP.
Tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho 100% người lao động thuộc đối tượng phải tham gia theo quy định tại Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội.
Doanh nghiệp phải thống kê đầy đủ số lao động làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động để thực hiện việc huấn luyện an toàn lao động, cấp chứng chỉ an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động theo hướng dẫn tại Thông tư số 27/2013/TT-BLĐTBXH.
Với những máy thiết bị tại công trường, doanh nghiệp phải thực hiện khai báo việc sử dụng 11 máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động với Sở Lao LĐ-TB&XH TP Hà Nội theo quy định tại khoản 2 Điều 23 Nghị định số 45/2013/NĐ-CP.
Xây dựng phương án xử lý sự cố, ứng cứu khẩn cấp và tổ chức diễn tập các phương án xử lý sự cố đồng thời lập biên bản đánh giá kết quả diễn tập xử lý các tình huống giả định theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 140 Bộ luật Lao động.
Thống kê đầy đủ số lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm…
Xin cảm ơn ông!
Hoàng Mạnh (thực hiện)
TIN LIÊN QUAN:
VN cần tới 1.500 thanh tra an toàn vệ sinh lao động
Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), trung bình từ 25.000-40.000 lao động thì cần có 1 thanh tra viên về lao động. Với khoảng 43 triệu người trong độ tuổi lao động, VN cần tối thiểu 1.500 thanh tra lao động.
Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, cả nước có khoảng 500 thanh tra viên trong ngành lao động. Đội ngũ thanh tra này đang phải gánh nhiều nhiệm vụ của ngành. Trong số 500 thanh tra, đội ngũ có chuyên môn phù hợp để thanh tra ATVSLĐ chỉ chiếm khoảng 1/3. Việc thiếu hụt thanh tra lao động khiến cho mỗi năm hệ thống thanh tra chỉ thanh tra được khoảng 3.000-3.500 doanh nghiệp về thực hiện công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ). Trong khi đó, VN đang có hơn 500.000 doanh nghiệp hoạt động.
Theo Cục An toàn lao động, Bộ LĐ-TB&XH đang dự kiến đề xuất thành lập Chi cục An toàn lao động ở các tỉnh, thành với chức năng chính là thanh tra ATVSLĐ. Cơ quan này có con dấu và tài khoản riêng. Đồng thời, đề xuất đưa những công chức, kỹ sư của phòng an toàn việc làm đi đào tạo để trở thành thanh tra chuyên ngành ATVSLĐ, góp phần nâng cao hiệu quả công tác thanh tra ở địa phương.
H.M
Giai đoạn 2016-2020: Giảm 25 % tai nạn lao động chết người so với giai đoạn trước
Đây là nội dung dự thảo Quyết định phê duyệt Chương trình hành động Quốc gia về an toàn lao động, vệ sinh lao động giai đoạn 2016 - 2020, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất mục tiêu giảm tần suất tai nạn lao động chết người trong các ngành, lĩnh vực có nguy cơ cao về tai nạn lao động trên 25% đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động so với giai đoạn 2011 - 2015.
Theo báo cáo từ Sở LĐ-TB&XH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong giai đoạn 2011 - 2014, tần suất tai nạn lao động chết người là 7,58/100.000 người lao động, giảm 4,89% so với giai đoạn 2006 - 2010 (tần suất 7,97/100.000 lao động). Tại dự thảo, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất hỗ trợ phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong các ngành, lĩnh vực có nguy cơ cao: Giảm tần suất tai nạn lao động chết người so với giai đoạn 2011 – 2015 đạt trên 25% đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động và trên 10% đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động…Dự thảo cũng đề xuất đến năm 2020, tăng thêm mới trên 20.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ áp dụng hiệu quả một số nội dung cơ bản hệ thống quản lý an toàn - vệ sinh lao động, bước đầu xây dựng văn hóa an toàn trong lao động; ít nhất 5 loại hình làng nghề áp dụng hệ thống quản lý công tác an toàn - vệ sinh lao động trong làng nghề…
V.K
An toàn lao động tại các làng nghề: Đáng báo động!
Hơn 90% người lao động nông nghiệp và làng nghề tiếp xúc các yếu tố nóng, bụi là 65,89%, tiếng ồn: 48,8%, hóa chất: 59,5%. Tai nạn lao động và bệnh tật thì những nguy cơ gây bỏng, đứt tay chân, điện giật, bệnh hô hấp, bệnh ngoài da, tiêu hóa, phụ khoa luôn chiếm tỷ lệ cao.
Đây là số liệu mới được công bố tại cuộc tọa đàm “Làng nghề Việt Nam: Truyền thống, thực trạng và giải pháp phát triển trong thời kỳ hội nhập”. Qua đó cho thấy công tác an toàn lao động trong các làng nghề đang bị buông lỏng. Cả nước có 1.748 làng nghề truyền thống được công nhận theo tiêu chí làng nghề của Chính phủ, thu hút hơn 10 triệu lao động. Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển, nhiều làng nghề đã phát sinh các yếu tố nguy hiểm, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động, cộng đồng dân cư. Trên thực tế, vấn đề về an toàn lao động trong các làng nghề được nhắc đến từ lâu, song tình trạng tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp vẫn không hề thuyên giảm.
Cụ thể, hơn 50% số người lao động tại các làng nghề bị nhiễm bệnh liên quan đến hô hấp. Trên cơ sở đó, nhiều ý kiến đề nghị Nhà nước cần xây dựng khung pháp lý và chế tài thật nặng đối với các cơ sở vi phạm. Đồng thời cần tăng cường sự tham gia của chính quyền địa phương buộc các doanh nghiệp phải tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm.…
A.Đ