Dược sĩ bỏ việc về quê, phất lên với nghề chỉ tốn một giờ mỗi ngày

Nguyễn Cường

(Dân trí) - Từng công các trong bệnh viện tuyến huyện nhưng anh Minh đã nghỉ ngang về quê làm nông trước sự ngỡ ngàng của xóm làng. Cú "bẻ lái" đã giúp anh Minh tăng thu nhập lên hơn 5 lần.

Anh Võ Hoàng Minh (29 tuổi) hiện là chủ một trang trại nhỏ ở ấp Phú Khương, xã Phú Túc, huyện Châu Thành, Bến Tre. Mảnh vườn chỉ vỏn vẹn 3 công đất (3000m2) phần lớn để trồng cây ăn trái, còn chừng 200m2 anh dành nuôi gà và nuôi dế.

Cựu dược sĩ năm kiếm trăm triệu đồng với bí quyết chỉ tốn một giờ mỗi ngày

Dù quy mô trại dế nhỏ nhưng hiệu quả kinh tế lại rất cao. Anh Minh chia sẻ: "Mỗi tháng tôi thu lãi từ dế hơn chục triệu đồng, nuôi gà lãi hơn chục triệu đồng nữa, còn cây trái lại thành thu nhập phụ. Ở quê, mọi thứ đều rẻ, với thu nhập mỗi năm gần 300 triệu đồng, gia đình tôi có cuộc sống khá đầy đủ".

Anh Minh cho biết, trước đây, anh từng là dược sĩ, công tác trong một bệnh viện tuyến huyện. Năm 2018, khi xem trên mạng xã hội thấy nhiều mô hình nuôi dế hiệu quả cao, cần ít vốn, ít thời gian chăm sóc, anh đã thử đầu tư khu chuồng trại rộng gần 100m2 với số tiền 60 triệu đồng.

Dược sĩ bỏ việc về quê, phất lên với nghề chỉ tốn một giờ mỗi ngày - 1

Đang là dược sĩ trong bệnh viện, anh Minh bất ngờ nghỉ ngang về quê nuôi dế (Ảnh: Nguyễn Cường).

"Khu chuồng chỉ có nền đất, vách cây, mái tôn nên cũng rẻ. Trong chuồng mình bố trí 12 ô nuôi bằng bạt, diện tích 4,5m2, mỗi ô. Chi phí đầu tư cả tiền vật liệu và con giống mỗi ô chỉ tốn hơn một triệu đồng. Mỗi ngày cho dế ăn và tưới nước 3 lần, mất tổng thời gian khoảng một giờ đồng hồ. Nuôi dế đầu tư thấp nhưng hiệu quả rất tốt", anh Minh tiết lộ.

Dược sĩ bỏ việc về quê, phất lên với nghề chỉ tốn một giờ mỗi ngày - 2

Với khu chuồng rộng gần 100m2, mỗi ngày anh Minh chỉ tốn một giờ chăm sóc dế (Ảnh: Nguyễn Cường).

Theo anh Minh, kỹ thuật nuôi dế khá đơn giản, chỉ cần tạo chuồng trại khô ráo, tránh bị chuột bọ xâm hại. Trong các ô nuôi sắp khay giấy cho dế trú ngụ, mật độ nuôi khoảng 7kg dế/m2. Anh dùng hệ thống đèn sưởi và phun sương để duy trì nhiệt độ khoảng 30 độ C, độ ẩm ở mức gần 70% là điều kiện phát triển lý tưởng cho dế.

Mỗi ngày, anh chia thành 3 cữ sáng, trưa, chiều cho dế ăn và phun sương cho dế uống. Dế từ trứng nở ra thành ấu trùng, cho ăn cám gạo khoảng 30 ngày đã có thể bán dế thịt. Từ ngày thứ 45, dế bắt đầu lột xác và sinh sản, chu kỳ sinh sản kéo dài 15 ngày thì sẽ thay đàn.

Dược sĩ bỏ việc về quê, phất lên với nghề chỉ tốn một giờ mỗi ngày - 3

Dế ấu trùng chỉ bé bằng con muỗi sẽ sinh trưởng trong 45 ngày để trở thành dế bố mẹ Ảnh: Nguyễn Cường).

Trong thời kỳ dế sinh sản, anh Minh đặt những khay mụn dừa vào ô nuôi cho dế đẻ trứng lên, cứ 2 ngày thu hoạch trứng một lần. Trứng dế được anh Minh rao bán trên các trang mạng xã hội, tiêu thụ khắp cả nước.

Xác dế sau khi hết sinh sản vẫn còn nhiều chất dinh dưỡng, anh Minh tận dụng làm thức ăn cho đàn gà thả vườn. Nhờ đó, mỗi tháng anh có thêm thu nhập khoảng 10 triệu đồng từ bán gà mà không tốn chi phí thức ăn.

Dược sĩ bỏ việc về quê, phất lên với nghề chỉ tốn một giờ mỗi ngày - 4

Chuồng dế là những khay trứng phế liệu, được bố trí đèn sưởi duy trì nhiệt độ (Ảnh: Nguyễn Cường).

Dược sĩ bỏ việc về quê, phất lên với nghề chỉ tốn một giờ mỗi ngày - 5

Với việc bán trứng dế mỗi tháng anh Minh thu về gần 30 triệu đồng, xác dế thải loại thành thức ăn bổ dưỡng để nuôi gà (Ảnh: Nguyễn Cường).

"Nghỉ việc về nuôi dế là quyết định đúng đắn của tôi. Thu nhập của tôi bây giờ phải gấp hơn 5 lần trước đây, lại có nhiều thời gian chăm sóc vợ con, ở bên gia đình. Dịch giã đang dần ổn định, thị trường tiêu thụ sẽ tốt hơn nên tôi dự định tăng diện tích nuôi lên gấp 3 để đạt hiệu quả nuôi tốt nhất, tránh lãng phí thời gian", anh Minh cho biết.