1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Gia Lai:

Chàng thanh niên Jrai thành công với nghề nuôi dế ở xã nghèo

Phạm Hoàng

(Dân trí) - Anh Siu Lis (sinh năm 1990) đã có thu nhập đều đặn nhờ nuôi dế ở vùng khó. Việc mạnh dạn chuyển đổi cách làm đã mở ra hướng phát triển kinh tế trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Anh Siu Lis sinh ra và lớn lên ở xã Chư Mố (huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) - một trong những xã nghèo của huyện Ia Pa. Đa số bà con ở đây người đồng bào dân tộc thiểu số, quanh năm sống dựa vào cây mì, cây lúa rẫy nên đời sống kinh tế gặp nhiều khó khăn.

Chàng thanh niên Jrai thành công với nghề nuôi dế ở xã nghèo - 1

Từ khu đất trống Lis cải tạo thành trại nuôi dế rộng 50 m2.

Sinh ra từ vùng đất nghèo khó nhưng Siu Lis luôn ấp ủ hoài bão phát triển kinh tế, thay đổi hình thức canh tác lạc hậu từ bao đời nay. Năm 2020, Siu Lis tình cờ biết đến nghề nuôi dế thương phẩm thông qua mạng xã hội.

Nhận thấy đây là mô hình có tiềm năng, Siu Lis mạnh dạn tìm hiểu và học cách nuôi. Lis đã mày mò kiến thức trên mạng rồi mạnh dạn mua 8 ổ trứng về nuôi thử nghiệm.

Chàng thanh niên Jrai thành công với nghề nuôi dế ở xã nghèo - 2

Anh Lis cho dế ăn kết hợp giữa thức ăn xanh và thức ăn tinh nhằm thúc đẩy quá trình phát triển của dế.

Sợ gặp rủi ro, Lis chỉ nuôi khoảng hai chuồng dế. Để tiết kiệm chi phí, anh mua những thanh sắt thô, bọc ni lông để làm chuồng tạm; mua vỉ trứng về để làm nơi trú ngụ cho dế.

Anh cho biết: "Để dế có môi trường phát triển tốt, mình phải nuôi ở những nơi sạch sẽ, thoáng mát. Đồng thời, phải đảm bảo khu vực đó ít chịu tác động của thời tiết như gió, mưa".

Chàng trai 9X thành công với việc nuôi dế ở vùng khó

Thực phẩm chủ yếu của dế là thức ăn xanh, bao gồm các loại rau, cỏ dễ tìm kiếm trong tự nhiên. Do đó, Lis thường tận dụng lá chuối, lá mì, rau muống có sẵn trong vườn nhà để cho dế ăn. Anh còn nuôi dế bằng cám mịn để thúc đẩy quá trình sinh trưởng của dế.

"Mỗi ngày, mình cho dế ăn hai lần vào buổi sáng và buổi chiều. Tùy vào loại dế mà tôi sẽ chuẩn bị lượng thức ăn sao cho phù hợp. Dế sữa trung bình một ngày ăn từ 2 đến 3 chiếc lá chuối to. Còn dế sinh sản thì sức ăn khỏe hơn, phải tầm 3 đến 4 lá mới đủ", Lis bộc bạch.

Chàng thanh niên Jrai thành công với nghề nuôi dế ở xã nghèo - 3

Những đàn dế sữa hai mươi tuần tuổi bắt đầu ăn nhiều thức ăn hơn.

Lis cho hay, trong lần nuôi đầu, do chưa có kinh nghiệm, anh đã để dế bị chết hàng loạt. Không bỏ cuộc, anh tìm đến các trại nuôi trong tỉnh để học hỏi. Sau đó, anh về nhà và bắt đầu lại với số dế còn sống. Từ hai chuồng dế nhỏ, sau một năm kiên trì chăm sóc, ông chủ trẻ đã nâng được số chuồng đã lên con số 7, với tổng diện tích trại nuôi 50 m2. Giờ đây, Lis đã có được nguồn thu nhập ổn định nhờ vào nghề nuôi dế, trung bình mỗi tháng anh thu về cho mình khoảng 7 triệu đồng.

Dế sữa nuôi khoảng 30 ngày là có thể bán ra thị trường, đến 45 ngày là dế bắt đầu đẻ trứng. "Mình chủ yếu bán dế sữa. Dế sữa có giá 120.000 đồng/kg. Còn dế sinh sản thì mình chỉ bán một nửa, nửa còn lại thì để làm giống cho những đợt nuôi sau. Dế sinh sản thì giá cao hơn, dao động từ 100.000 - 160.000 đồng/kg", Lis chia sẻ.

Chàng thanh niên Jrai thành công với nghề nuôi dế ở xã nghèo - 4

Anh Lis hái lá mì để cho dế ăn.

Ban đầu, khách hàng của Lis chỉ là những người dân quanh vùng. Dần dần trang trại được nhiều người biết đến hơn, khách hàng cũng thế mà đa dạng hơn. Với dế sữa, Lis chủ yếu bán cho những người nuôi chim cảnh, cá cảnh. Còn dế sinh sản thì bán cho người ăn.

Dế sinh sản có thể chế biến thành những món ăn hấp dẫn như: chiên, rang... Lis chủ yếu bán lẻ theo gói (1 lạng/gói), mỗi gói có giá 15.000 đồng. Với những khách có nhu cầu mua số lượng lớn thì anh sẽ đóng hộp, mỗi hộp 5 gói.

Chàng thanh niên Jrai thành công với nghề nuôi dế ở xã nghèo - 5

Khi dế sữa bước qua giai đoạn sinh sản thì Lis làm chuồng cao để ngăn việc dế nhảy ra ngoài.

Trong tương lai, Lis dự định nuôi thêm 20 chuồng. Anh Lis hy vọng mô hình nuôi dế thương phẩm sẽ được phổ biến và nhân rộng tại địa phương, để người dân có thêm nguồn thu nhập, giúp cải thiện cuộc sống. Với việc mạnh dạn phát triển mô hình, áp dụng khoa học kĩ thuật từ vùng khó đã mở ra một hướng phát triển kinh tế hộ gia đình, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Không chỉ nuôi dế thương phẩm, Lis còn làm chậu trồng cây cảnh. Anh mua nguyên vật liệu về rồi tự mình làm chậu. Ban đầu, những chiếc chậu làm ra đều bị lỗi. Qua quá trình luyện tập, đến bây giờ thì sản phẩm của anh đã trở nên đẹp mắt và tròn trịa hơn.

Chàng thanh niên Jrai thành công với nghề nuôi dế ở xã nghèo - 6

Lis quay khuôn cát làm chậu cây.

Khi tay nghề đã thuần thục, mỗi ngày, anh có thể làm ra 10 chiếc chậu chỉ trong vòng 4 giờ đồng hồ. Mỗi chiếc chậu được anh với giá bán từ 50.000 đồng trở lên. Trung bình mỗi tháng, anh bán được từ 20 - 35 chiếc chậu, thu về khoảng 3 - 4 triệu đồng/tháng.

"Nếu có người đặt thì mình sẽ chở hàng đến tận nhà cho khách, đợi họ kiểm tra chậu kỹ càng rồi mới về. Mình cũng hay hỏi ý kiến của khách hàng, nếu không hài lòng chỗ nào thì mình sửa ngay, cũng như là rút kinh nghiệm cho những sản phẩm sau", Lis bày tỏ.

Chàng thanh niên Jrai thành công với nghề nuôi dế ở xã nghèo - 7

Sự tìm tòi, chịu khó của Lis đã mở ra thêm hướng phát triển kinh tế ở xã nghèo.

Trao đổi với PV, ông Phạm Quốc Quyền- Chủ tịch UBND xã Chư Mố cho biết: "Lis là thanh niên có chí cầu tiến, dám nghĩ dám làm, là người đầu tiên trong xã lựa chọn cách phát triển kinh tế gia đình từ nuôi dế và làm chậu cảnh. Dù hiệu quả kinh tế chưa cao như các nơi khác do nhiều nguyên nhân nhưng đây là sự khích lệ đối với những người có chí hướng vươn lên trong cuộc sống. Điều này cũng đã góp phần thay đổi nếp nghĩ, cách làm đối với bà con dân tộc thiểu số ở Chư Mố để mỗi hộ nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế gia đình".