Đưa sang Malaysia “chui”, về đòi lại phí

Người lao động bị ngược đãi, bỏ rơi khi gặp đơn vị đưa đi xuất khẩu lao động không phép

“Tiền lương làm việc thực tế ở nước ngoài thấp, điều kiện sinh hoạt quá kham khổ không đúng với thỏa thuận ban đầu nên nhiều lao động không chịu nổi”. Đây là phản ánh của anh Nguyễn Hoàng Trường (ngụ phường Mỹ Long, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang) với phóng viên Báo Người Lao Động ngay sau khi từ Malaysia trở về Việt Nam vào ngày 5-10.

Không đúng thỏa thuận

Theo trình bày của anh Trường, qua trò chuyện, anh biết ông Trần Văn Quý (ngụ phường Tân Thới Nhất, quận 12, TP HCM) có công trình xây dựng ở Malaysia cần thợ sắt. Đang rất cần việc làm nên anh đồng ý sang Malaysia làm việc. Theo thỏa thuận, ông Quý sẽ trả lương cho anh Trường 500.000 đồng/ngày, chưa kể tăng ca ngày chủ nhật, điều kiện ăn ở đàng hoàng.


Anh Nguyễn Hoàng Trường trình bày bức xúc.

Anh Nguyễn Hoàng Trường trình bày bức xúc.

Ngày 28-8, anh Trường được đưa sang Malaysia. Thế nhưng, thay vì trả 500.000 đồng/ngày theo thỏa thuận, anh Trường chỉ được trả 400.000 đồng/ngày, công việc là khuân vác sắt, cây ván… chứ không phải thợ sắt như cam kết. Những công nhân làm việc tại đây được bố trí 10 người một phòng chỉ rộng 3 m, dài  5 m, ăn uống rất kham khổ.

Ngày 22-9, anh Trường bị ngã khi đang làm việc nhưng không được quản lý công trình đưa đi chữa trị. “Khi tai nạn xảy ra, tôi đề nghị ông Quý đưa về nước thì không được đồng ý mà buộc phải trả 25 triệu đồng. Do không có tiền đóng cho ông Quý nên tôi điện thoại về nhờ người nhà gửi đơn kêu cứu tới Sở Ngoại vụ tỉnh An Giang. Sau đó, tôi được Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia đưa về nước. Hiện nay, tôi vẫn chưa được thanh toán đầy đủ tiền lương những ngày đã làm việc” - anh Trường nói.

Không có phép XKLĐ

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Người Lao Động, ông Trần Văn Quý là Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng công trình B&C, có trụ sở tại số 2/25 khu phố 6, phường Tân Thới Nhất.

Trao đổi với chúng tôi, ông Quý khẳng định công ty không có chức năng đưa lao động sang nước ngoài làm việc. Qua mối quan hệ làm ăn, ông Quý biết được Công ty CSCC Hubei Construction (M) SDN.BHD NO.2-C,LANE 8, Jalan Kiew Nang, Sibu, Sarawak 96000 đang cần thợ sắt nên ông Quý tuyển dụng và đưa anh Trường sang làm việc.

Cùng chuyến đi với anh Trường có 24 người. Chi phí đưa mỗi lao động sang Malaysia khoảng 25 triệu đồng/người do phía đối tác chịu, ông Quý chỉ lo thủ tục.

Đại diện Sở Ngoại vụ tỉnh An Giang cho biết sau khi tiếp nhận thông tin từ anh Trường về vụ việc, cơ quan này đã có văn bản nhờ Đại sứ quán Việt Nam ở Malaysia can thiệp; đồng thời, Sở Ngoại vụ tỉnh An Giang cũng có văn bản báo cáo UBND tỉnh đề nghị Công an tỉnh An Giang phối hợp cùng Công an quận 12, TP HCM xem xét giải quyết.

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), thời gian qua xuất hiện nhiều trường hợp tổ chức, cá nhân không có chức năng xuất khẩu lao động (XKLĐ) nhưng vẫn tổ chức tuyển chọn, đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Do không được ký hợp đồng, bảo vệ quyền lợi nên rất nhiều lao động bị rủi ro, ngược đãi, xâm phạm quyền lợi.

Trước tình hình trên, cục khuyến cáo người lao động chỉ nên đăng ký đi làm việc ở nước ngoài thông qua các doanh nghiệp có chức năng XKLĐ. Chỉ những doanh nghiệp đăng ký hợp đồng được cục thẩm định mới được phép tuyển chọn, cung ứng lao động.

Hồ sơ đăng ký thẩm định hợp đồng của doanh nghiệp phải có hợp đồng ký kết với chủ sử dụng lao động, ghi rõ điều kiện làm việc, công việc, thu nhập và các quyền lợi khác của người lao động; các phương án bảo vệ người lao động khi gặp rủi ro ở nước ngoài.

Phải giải quyết quyền lợi liên quan. Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, trong trường hợp người lao động đi XKLĐ qua các tổ chức, cá nhân không có chức năng, nếu không bảo đảm quyền lợi cho người lao động như cam kết, người lao động có quyền yêu cầu cơ quan chức năng can thiệp để được bồi thường chi phí nộp trước khi đi (nếu có), chi trả tiền nợ lương và các quyền lợi có liên quan.

Đối chiếu quy định hiện hành, không chỉ bỏ kinh phí đưa lao động về nước khi không thực hiện đúng cam kết, ông Quý còn phải làm việc với đối tác trả lương cho người lao động.

Theo Báo Người lao động