Gia Lai:
Dưa hấu rớt còn hơn 2.000 đồng/kg, nông dân ngóng chờ thương lái
(Dân trí) - Nhiều tuần nay, người dân trồng dưa như ngồi trên "đống lửa" vì giá rớt thảm, dưa không xuất bán được. Nếu tình trạng này thì nhiều nông dân rơi vào cảnh "trắng tay", mất Tết.
Từ lâu nay, người dân từ các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi, Phú Yên… đổ xô lên các huyện Chư Prông, Ayun Pa, Krông Pa... để thuê đất trồng dưa hấu. Mỗi năm, người dân thường trồng dưa 2 vụ và thị trường chính là xuất khẩu.
Trong những tuần gần đây, nông sản bị ùn ứ ở cửa khẩu phía Bắc khiến cho dưa hấu ở Gia Lai nằm "phơi mình" ngoài đồng. Hy vọng về cái Tết đủ đầy nguội dần.
Nhiều năm nay, ông Nguyễn Văn Thái (52 tuổi, quê huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) cùng vợ quanh năm sống trong những chiếc chòi bạt để trồng thuê đất trồng dưa hấu trên xã Ia Mơr (huyện Chư Prông, Gia Lai).
Mùa dưa năm nay, ông Thái đã thế chấp căn nhà của mình tại Bình Định để vay hơn 250 triệu đồng lên Gia Lai thuê đất trồng dưa.
Với mỗi ha dưa hấu, gia đình ông Thái đầu tư tiền hơn 160 triệu đồng. Năm nay, do mưa nắng thất thường, dưa mất mùa, sản lượng bị hao hụt còn 30-40 tấn/ha. Nếu bán ra thì gia đình thu về từ 70-100 triệu đồng/ha. Ngay từ đầu vụ, giá dưa hấu từ 9.000 đồng/kg đã giảm xuống còn 7.000 đồng/kg khiến gia đình cũng lo lắng.
Sau 3 tháng thuê đất để đầu tư vào dưa hấu ở xã biên giới Ia Mơr thì giá dưa tiếp tục giảm còn dưới 3.000 đồng/kg tại ruộng. Không những giá thấp mà thương lái cũng không đến mua khiến cho hàng trăm diện tích dưa hấu nằm "phơi mình" trên cánh đồng.
"Giá phân bón tăng cao gấp đôi, tiền điện, nước cũng tăng, người nông dân trồng dưa lấy công làm lãi. Năm nay dưa hấu giảm còn 2.000 - 3.000 đồng/kg dưa mà thương lái cũng không đến hái. Bao nhiêu chi phí, vay mượn đều bỏ vào đó nên gia đình cũng rất lo lắng. Chúng tôi cũng muốn bán cho hết ruộng để về quê ăn Tết mà cũng không được", ông Thái tâm sự.
Tương tự, anh Nguyễn Văn Tân (47 tuổi, Thị xã An Nhơn, Bình Định) cũng khăn gói vượt 200 km để lên vùng Ia Lâu thuê khoảng 30 sào đất trồng dưa hấu. Những ngày đầu, anh Tân dựng căn lều bên cánh đồng và thuê thêm 5 nhân công cùng chăm sóc vườn dưa. Năm nay phân tăng giá, anh Tân đã đầu tư hơn 200 triệu đồng để tưới nước, phun thuốc, bón phân…
Nhìn vườn dưa đang tươi tốt, anh Tân ước tính năm nay năng suất sẽ đạt khoảng 1,8 tấn/sào. Những ngày dưa hấu gần thu hoạch thì cửa khẩu phía Bắc ùn ứ khiến thương lái không dám đến hỏi mua. Anh đã điện hỏi khắp các mối quen thì đều chung câu trả lời: "Để chờ xem hàng ở Bắc có xuất đi được không rồi mới thu tiếp được".
"Hơn 10 năm làm nghề, tôi chưa từng gặp cảnh như bây giờ. Dưa đã đến ngày thu hoạch. Nếu khoảng hơn 10 ngày nữa tới thương lái không đến mua thì cả ruộng dưa cũng bị hư hết. Bao nhiêu vốn dồn vào đây, vụ dưa mà như thế này chắc mất Tết", anh Tân than thở.
Gia đình chị Văn Thị Toán (39 tuổi, quê xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) cũng vay hơn 200 triệu đồng, khăn gói lên xã Ia Mơr để thuê 2,5 ha đất trồng dưa.
Hàng năm, cứ đến cuối tháng 12, thương lái lại rộn ràng đi thu mua dưa hấu. Nhưng năm nay thương lái thưa dần, thỉnh thoảng mới có vài ba thương lái xuất hiện "đàm phán" giá dưa với nông dân. Nếu năm nay, giá bán ra chỉ khoảng 2.000-3.000 đồng/kg thì nhà chị Toán cũng như các hộ dân khác sẽ lỗ khoảng 40 triệu đồng/ha.
Ông Ngô Ngọc Tiến - Chủ tịch UBND xã Ia Mơr, huyện Chư Prông - cho biết, địa bàn hiện nay có khoảng 100 ha dưa hấu, hiện tại mới thu hoạch được 50 ha. Với giá bán như hiện nay thì bà con bị lỗ mấy chục triệu đồng/ha.
Chính quyền xã cùng với các tổ chức cũng đang kêu gọi, tìm hướng đầu ra cho bà con. Đồng thời, phối hợp với lực lượng chức năng đi rà soát, kiểm soát giá để tránh tình trạng tiểu thương ép giá người trồng dưa.
Theo đó, Gia Lai là một trong những tỉnh có vùng trồng dưa lớn ở Tây Nguyên với hàng nghìn ha. Riêng 2 huyện Krông Pa và Ia Pa đã có hơn 1.000 ha dưa. Người dân các tỉnh lân cận thường tự phát lên Gia Lai để thuê đất trồng dưa. Với giá như hiện nay thì nguy cơ thua lỗ đang hiện hữu.