Đưa chổi đót “xuất ngoại”

(Dân trí) - Nhiều năm qua, người dân xã Thọ Sơn, huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) đã thoát nghèo nhờ nghề làm chổi đót. Với họ, nghề làm chổi đót mang lại nguồn thu nhập cao vào những lúc nông nhàn. Thời gian tới, người dân nơi đây còn đưa chổi đót xuất khẩu sang các nước.

Đến xã Thọ Sơn, chúng ta dễ dàng nhận ra sự “thay da đổi thịt” trên mảnh đất nghèo khó này. Từ những con đường được bê tông hóa, những kênh mương mới xây dựng nối nhau qua các cánh đồng, xen kẽ là những ngôi nhà cao tầng mọc lên...

Cách đây vài năm, Thọ Sơn là một xã thuần nông, người dân quanh năm gắn bó với đồng ruộng. Đời sống kinh tế vô cùng khó khăn, cái nghèo, cái đói và cái dốt luôn đeo bám. Nhưng từ năm 1990, nghề làm chổi đót bắt đầu du nhập vào Thọ Sơn. Ban đầu, chỉ vài gia đình có con dâu là người ở xã dưới lên truyền nghề, dần dần, nghề làm chổi đót được lan truyền ra khắp các thôn trong xã.
 
Đưa chổi đót “xuất ngoại” - 1
Nghề làm chổi thu hút nhiều chị em tham gia

Chị Lê Thị Thanh, chủ cơ sở sản xuất chổi đót tại thôn 12 tâm sự: “Nghề làm chổi đót rất đơn giản, vốn ít nhưng đem lại hiệu quả kinh tế cao. Người dân tận dụng được thời gian rảnh rỗi để kiếm thêm thu nhập. Nhiều gia đình trở nên khá giả nhờ nghề này. Đến nay, gia đình tôi đang thuê 5 lao động chính và nhiều lao động làm theo mùa vụ”.

Còn chị Trương Thị Dung chia sẻ: “Tôi về nhà chồng chỉ với nghề làm chổi đót trong tay. Kinh tế gia đình chồng cũng thuộc diện hộ nghèo, ruộng đất ít nên tôi quyết định phát triển nghề làm chổi đót. Ban đầu không có vốn, tôi lên rừng tìm nguyên liệu về làm, sau này có đồng ra đồng vào, tôi mua nguyên liệu tại nhiều vùng như Quan Sơn, Mường Lát…rồi sang Lào, Trung Quốc mua. Hiện gia đình tôi có gần 20 lao động chính thức và hàng chục lao động làm theo mùa vụ với thu nhập bình quân từ 1,5 - 2,0 triệu đồng/tháng”.

Đã có nhiều khách hàng là người nước ngoài đến hỏi mua sản phẩm nhưng hiện tại các cơ sở và người dân làm nghề chổi đót chưa đủ vốn nên chủ yếu tiêu thụ ở các thị trường trong nước. Tới đây, nhiều gia đình sẽ mở rộng cơ sở để phát triển nghề này và hướng đến xuất khẩu sang thị trường các nước. Nghề làm chổi đót xã Thọ Sơn đã thu hút hàng trăm lao động tham gia, bởi nghề không đòi hỏi nhiều về sức khỏe, bất kỳ đối tượng nào cũng có thể tham gia làm nghề này, kể cả những cụ già hơn 80 tuổi, người tàn tật hay những học sinh từ 10 - 18 tuổi.
 
Đưa chổi đót “xuất ngoại” - 2
Cả các cụ già cũng có thể tham gia làm nghề

Đang tước từng bông đót trên tay, em Thùy e dè: “Em bị khuyết tật ở chân từ bé, cứ nghĩ mình sẽ chẳng làm được gì ngoài tạo thêm gánh nặng cho bố mẹ. May mắn cô Lý nhận em vào làm nghề chổi đót trong cơ sở của cô ấy nên tháng em cũng kiếm được 1,2 - 1,5 triệu đồng/tháng. Em đang dành dụm để đầu năm học mua sách vở cho em gái”.

Nghề làm chổi đót không phải là nghề chính của người dân xã Thọ Sơn, nhưng nó phát huy được thời gian rảnh rỗi và dư thừa của người dân sau mùa vụ thu hoạch. Người dân có thể lấy nguyên liệu từ các cơ sở về làm nhà, tranh thủ làm vào ban đêm, buổi trưa… nhưng đem lại nguồn thu nhập khá cao cho gia đình. Ở thời điểm hiện tại, một chiếc chổi đót có giá từ 12.000 - 20.000đ.

Để hoàn thành được một cái chổi phải trải qua nhiều công đoạn, đặc biệt là công đoạn vào cán và bện. Bông đót cũng yêu cầu phải được nắng, có màu trắng xanh, dài bền thì cái chổi mới bền. Một lao động, trung bình một ngày cũng làm được từ 40 - 50 cái chổi tương đương 70.000 - 80.000đ/ngày.

Cũng nhờ cái nghề này mà nhiều hộ gia đình trong xã đã thoát được cái nghèo, trở thành hộ khá giả. Với dân số hơn 1.100 hộ, năm 2008 xã Thọ Sơn có 53% gia đình thuộc diện hộ nghèo, nhưng đến năm 2010 chỉ còn 36%. Người dân nơi đây biết đến nghề làm chổi đót như một nghề thoát nghèo và còn hướng đến xuất khẩu sang các nước lân cận như Lào, Trung Quốc để tăng thêm thu nhập.
 
Đưa chổi đót “xuất ngoại” - 3
Sản phẩm chổi đót tới đây sẽ được xuất qua các nước

Chị Tô Thị Ngãi vui mừng: “May mà có cái nghề chổi đót phát triển gia đình tôi mới thoát được cái nghèo hai năm nay. Tôi cũng vừa xây được cái nhà, sắm được chiếc xe máy và con trâu để cày bừa. Nghĩ lại mấy năm trước kia, gạo ăn còn thiếu từng bữa”.

Chia sẻ với Dân trí, ông Lý Ngọc Thơm, Phó chủ tịch UBND xã Thọ Sơn cho biết: “Nghề làm chổi đót đã giải quyết được hơn 200 lao động trong xã có việc làm thường xuyên và nhiều lao động làm theo mùa vụ, tạo ra nguồn thu nhập cao cho người dân vào thời gian nông nhàn. Nghề thu hút được hơn 80% người dân trong độ tuổi lao động quay về quê làm việc, đặc biệt là lao động khuyết tật, người già…Chúng tôi thường xuyên mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ thuật cho người lao động để nâng cao tay nghề, khuyến khích các hộ gia đình phát triển thành làng nghề. Chúng tôi cũng tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân được vay vốn ngân hàng để mở rộng cơ sở sản xuất và thị trường tiêu thụ ra các nước như Lào, Trung Quốc”.

Lan Anh - Nguyễn Thúy