Động lực hạnh phúc trong công việc
Không hẳn cứ lương cao hay chức vụ tốt là nhân viên sẽ trung thành với công ty. Vấn đề là làm thế nào để mỗi nhân viên tại doanh nghiệp cảm thấy hạnh phúc trong công việc.
Khảo sát “Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam” của Unilever hợp tác với Công ty Anphabe ghi nhận: tỷ lệ nghỉ việc đang gia tăng liên tục trong vòng 3 năm qua và dự đoán sẽ cán mốc 24% trong năm 2019.
Trong công việc, hạnh phúc bắt nguồn từ việc định hình tương lai và mang lại sự đổi mới cho cuộc sống.
Ông Douglas Kuo, Tổng Giám đốc Abbott tại Việt Nam đã chia sẻ một số kinh nghiệm, cũng là những thông điệp đáng suy nghĩ: “Trong công việc, hạnh phúc bắt nguồn từ việc định hình tương lai và mang lại sự đổi mới cho cuộc sống. Nhân viên cảm thấy tự hào khi được làm những công việc thực sự có ý nghĩa, như việc tạo ra tác động cho sức khỏe con người, các công nghệ thay đổi cuộc sống giúp mọi người có được cuộc sống tốt nhất có thể…”.
Trong bất kỳ một lĩnh vực nào, nguồn vốn con người luôn được xem là nguồn lực tạo ra thế mạnh cạnh tranh. Nhân tài ngày càng là một giá trị và lợi thế cạnh tranh của tổ chức, vì một thực tế không thể phủ nhận đó là “tài sản” hiếm, quý và khó thay thế.
Tuy nhiên, khảo sát ghi nhận tỷ lệ nghỉ việc đang gia tăng liên tục trong vòng 3 năm qua. Đáng lưu ý, nhóm ra đi có tiềm ẩn nhiều rủi ro cho doanh nghiệp đang rơi nhiều vào các cấp bậc cao như Trưởng nhóm, Quản lý, Giám đốc…
Tạo điều kiện cho mỗi nhân viên đều cảm thấy cơ hội phát triển của mình là một trong những bí quyết giữ chân nhân tài. Mỗi doanh nghiệp cần tạo một nét văn hóa để thu hút và giữ chân nhân tài chính là việc mang đến cho nhân viên niềm tin vào sứ mệnh và giá trị của công ty, từ đó có động lực để đưa ra những giải pháp cải tiến, giúp giải quyết các vấn đề sức khỏe, đem đến cuộc sống tốt đẹp hơn cho mọi người.
Đặt con người là cốt lõi và tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển đội ngũ nhân viên bằng cách trao cho họ cơ hội để học hỏi, phát triển và thăng tiến trong sự nghiệp là một cam kết của Abbott cho thị trường Việt Nam cũng tạo nền tảng để công ty phát triển bền vững lâu dài.
Rõ ràng, trước tình hình “chảy máu chất xám”, tỷ lệ nhảy việc diễn ra đáng báo động như hiện nay, lương thưởng hoặc vị trí công việc không còn là yếu tố duy nhất giúp doanh nghiệp giữ chân nhân tài.
Những chính sách phát triển tài năng tại địa phương, trao quyền để nhân viên thử thách và thăng tiến trong sự nghiệp của họ thông qua những chương trình đào tạo đa dạng,, cũng như tạo dựng niềm tin cho nhân viên về sứ mệnh và giá trị của công ty chính là điều có thể khiến nhân viên thật sự cảm thấy hạnh phúc với nơi làm việc.
Theo Thuỳ Anh/Diễn đàn Doanh nghiệp