1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

“Đói” việc làm ở các “chợ” lao động

Một năm chỉ có khoảng 3 - 4 tháng là nhiều việc, thường là mấy tháng đầu và cuối năm. Lúc đó nhiều gia đình xây, sửa nhà cửa. Nhưng gần 3 tháng đầu năm rồi, mà ít việc quá, nếu có thì cũng chỉ là những việc lặt vặt, tiền công không là bao

Một số “chợ” lao động ở Hà Nội tại ngã ba đường Bưởi, gần chợ Phùng Khoang, chân cầu vượt Phạm Hùng - Xuân Thuỷ, cạnh cầu Đen (quận Hà Đông)... người lao động túm năm, tụm ba ngồi vắt vẻo bên đường, dựa vào gốc cây, ngồi bệt dưới đất ngáp dài để chờ việc. Cứ thấy chiếc xe máy nào tấp vào lề đường là tất cả nhao lên, chạy ra bám lấy người đi xe máy, rồi lại tiu ngỉu quay vào chỗ ngồi.

 

Một lao động ở “chợ” lao động đường Phạm Hùng, quê ở Tam Nông (Phú Thọ) nói: “Không hiểu sao, năm nay đến tháng 2-3 rồi việc vẫn ít lắm. Đến lúc này, tôi chỉ kiếm được đủ tiền thuê phòng trọ, tiền ăn thì bữa no bữa đói, đừng nói là có dư gửi về nhà”.

 

Những người lao động lâu năm ở đây, cho biết: “Một năm chỉ có khoảng 3 - 4 tháng là nhiều việc, thường là mấy tháng đầu và cuối năm. Lúc đó nhiều gia đình xây, sửa nhà cửa. Nhưng gần 3 tháng đầu năm rồi, mà ít việc quá, nếu có thì cũng chỉ là những việc lặt vặt, tiền công không là bao”.

 

“Đói” việc làm ở các “chợ” lao động  - 1
Rất đông lao động chờ việc tại khu vực Hà Đông

 

“Đói” việc làm ở các “chợ” lao động  - 2
Không có việc mọi người ngồi nói chuyện bên cầu Đen Hà Đông

 

“Đói” việc làm ở các “chợ” lao động  - 3
Ngồi vắt vẻo bên đường, dựa lưng vào gốc cây chờ việc tại “chợ” lao động Phùng Khoang.

 

Nhưng những người lao động từ các vùng quê về Hà Nội tìm việc vẫn phải gánh những khoản chi tiêu hằng ngày. Tối đến họ lại trở về những dãy nhà lụp xụp, dột nát, mất vệ sinh để thuê ngủ qua đêm, sáng mai lại tiếp tục đứng chờ người đến thuê làm việc.

 

Chị Nguyễn Thị Lợi, quê ở Chí Linh (Hải Dương), gắn bó với nghề lao động chân tay ở Hà Nội gần 4 năm cho biết: Do ở quê ít ruộng, cấy không đủ ăn, sau mỗi vụ mùa chị lại thu xếp việc nhà ra Hà Nội kiếm việc làm thêm. Năm nay, cả hai vợ chồng chị đều đi. Nhà cửa và hai đứa con chị phải nhờ ông bà nội trông nom. Một năm, anh chị đi làm chừng 10 tháng, chỉ đến tết hay khi nào ở quê có việc cần thì mới về.

 

Anh chị thuê một căn phòng trọ rộng chừng 10m2 trong khu Phương Canh với giá từ 700-800 nghìn đồng/tháng. Hằng tháng trừ tiền ăn, ở, chi tiêu, anh chị cũng để ra được gần 2 triệu đồng gửi về cho ông bà nuôi con. Nhưng với cái đà này chắc khó có tiền mà gửi về quê cho con được, nếu con cần đóng học gấp thì đành vay lãi nóng cho con đóng, rồi trả dần vậy.

 

Nhắc đến công việc, chị Lợi tâm sự: “Năm nay ít người thuê lắm. Vì thế số tiền gửi về quê cho con ăn học ngày một ít dần. Để các con đi học mà thiếu thốn, không bằng con nhà người khác thấy thương các con lắm”.

 

Nghe tâm sự của chị Lợi, rất nhiều phụ nữ đứng quanh cũng không nén được tiếng thở dài. Những ngày tháng mòn mõi chờ việc nơi kinh kỳ đối với những người lao động xa quê không chỉ là lo cuộc sống cho bản thân nơi xứ người, mà còn lo cho các con cùng cha mẹ già yếu ở quê, hàng ngày chờ những đồng tiền ít ỏi của họ gửi về. Nhưng “đói” công việc như bây giờ thì có lẽ cuộc sống vốn vất vả của họ sẽ còn gặp khó khăn hơn nhiều.

 

Theo Tiến Dũng

Lao động