Đời thường của anh hùng “phi công nông dân“
Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Bảy trở về cuộc sống đời thường, ông hòa mình với ruộng vườn, vui với nghề nông, lao động làm kinh tế.
Trở về quê nhà ở ấp Hậu Thành, xã Hòa Thành, huyện Lai Vung, Đồng Tháp sau khi được vinh danh tại Lễ kỷ niệm cấp quốc gia 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” vào đầu tháng 6 vừa qua, Đại tá, phi công Nguyễn Văn Bảy, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân không có thời gian ngơi nghỉ. Ông tiếp tục lao động, cải tạo mảnh vườn sau nhà để kiếm thêm hoa lợi hỗ trợ các cháu học sinh nghèo, hiếu học ở địa phương. Việc làm này ông đã thực hiện nhiều chục năm qua kể từ khi nghỉ hưu từ năm 1990.
Như thường lệ, một ngày của cựu Đại tá phi công nay đã 83 tuổi, từng giữ chức Phó tham mưu trưởng Quân chủng Phòng không - Không quân bắt đầu từ khoảng hơn 5h sáng. Ông pha trà, cà phê, đi bộ rồi dọn dẹp vườn tược. Khu vườn rộng khoảng 5 công đất ông trồng đủ loại trái cây, hoa kiểng như sen, đu đủ, vú sữa, ca cao... mà ông lấy giống từ những chuyến tham quan các vùng miền đất nước.
Rồi ông lọ mọ cắt rau muống, bẹ chuối cho cá ăn và lội ao hái gương sen, bắt ốc, chăm sóc ruộng đồng. Sau đó, tỉa cành, làm cỏ, hái trái vườn nhà. Khi đã xong việc nhà, lúc rảnh rỗi ông lại đi vận động nhân dân làm giao thông, thủy lợi; gia đình hàng xóm khi bất hòa là ông tới giảng hòa thấu lý, đạt tình với cách ăn nói chân chất miền Tây.
"Tôi từ người nông dân, giờ nghỉ hưu rồi thì trở lại làm nông dân. 5h30 thức, tôi xách nước 2 thùng, mỗi thùng 15 lít tưới cây. Làm như mình tập thể dục thôi, thấy còn khỏe hơn thể dục nữa. Bản tính mình người lao động thì phải lao động thôi".
Ở cái tuổi xưa nay hiếm, ông Nguyễn Văn Bảy, tên thật là Nguyễn Văn Hoa vẫn mạnh khỏe; là chỗ dựa tinh thần của bà con ấp Hậu Thành. Vì là con thứ bảy trong gia đình 10 người con, do người Nam Bộ hay gọi theo thứ tự nên dần cái tên Nguyễn Văn Bảy thành tên chính.
Thế nhưng, không nhiều người biết rõ quá khứ của người anh hùng này. Ông tham gia cách mạng khi mới 17 tuổi. Đến tháng 10/1954, tập kết ra Bắc, sau đó, được tuyển chọn, phổ cập nhanh từ lớp 4 lên đến lớp 10 để sang Liên Xô học lái máy bay.
Ông Bảy nhớ lại, ban đầu ông học lái máy bay thể thao, tiếp theo là máy bay YaK-52, Mig 15, Mig 17. Sau 3 năm học lái thành thạo máy bay chiến đấu, ngày 5/4/1965 ông trở về Việt Nam. Trong thời gian lái máy bay chiến đấu từ năm 1965-1968, ông Bảy tham chiến trên mặt trận không đối không, bắn hạ 7 máy bay Mỹ (2 chiếc F-105 và 5 chiếc F-4, được xếp hạng ACES).
Trong 4 lần đầu bắn rơi máy bay địch, ông đều được Bác Hồ gửi quà tặng. Sau đó, ông bắn rơi thêm 3 máy bay địch, Bác chỉ đạo ông huấn luyện lớp phi công trẻ. Ngày 1/1/1967, khi đang là Đại đội phó, Đại đội 1 Không quân, thuộc Trung đoàn 923, Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân, ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Đại tá Nguyễn Văn Bảy từng giữ chức vụ quan trọng trong Quân đội như: Trung đoàn trưởng Trung đoàn Không quân 937, Phó Tư lệnh Sư đoàn 372, Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Không quân Việt Nam (nay là quân chủng Phòng không - Không quân); là đại biểu Quốc hội khóa IV, V. Đến ngày giải phóng miền Nam 1975, ông được giao tiếp quản sân bay Cần Thơ, tham gia điều hành các sân bay Tân Sơn Nhất, Biên Hòa và chỉ huy làm nhiệm vụ tại Campuchia.
Trở về cuộc sống đời thường, ông hòa mình với ruộng vườn, vui với nghề nông, cần mẫn lao động làm kinh tế; tích cực tham gia công tác địa phương, vận động bà con đoàn kết xây dựng nông thôn mới và đời sống văn hóa mới. Dù được mọi người kính nể, gọi là "phi công huyền thoại" nhưng người dân vùng quê ông lại quen thuộc với hình ảnh một lão nông với chòm râu bạc phơ, chân chất, giản dị.
Trung tá Nguyễn Sĩ Hưng, nguyên phi công Trung đoàn 923, trong một lần đến quê hương Đồng Tháp thăm ông Bảy, chia sẻ: "Những lúc tôi cũng như những phi công Mỹ khi đến thăm ông Bảy mới thấy được chân giá trị của phi công Việt Nam trưởng thành từ người nông dân bình dị ra sao. Kết thúc cuộc đời binh nghiệp, ông Bảy trở về cuộc sống đời thường như một nông dân. Ông vẫn hàng ngày lao động để đảm bảo cuộc sống và vì sự phát triển của xóm làng".
Về miệt vườn sinh sống, thấy cảnh người dân nghèo chưa có điện, ông Bảy vận động doanh nghiệp, bà con góp tiền cùng chính quyền kéo điện về thắp sáng vùng quê. Ông Nguyễn Văn Mến, người dân ấp Hậu Thành cho biết, hàng tháng ông Bảy dùng số lương hưu của mình, tiền hoa lợi từ vườn cây, ao cá, cho thuê đất trồng lúa để giúp đỡ các hộ nghèo, các em học sinh khó khăn vượt khó và những cựu chiến binh đang khó khăn; đồng thời góp gạo từ thiện cho Trường nuôi dạy trẻ khuyết tật.
Ông thường xuyên được mời đến các trường học trên địa bàn để nói chuyện lịch sử với thầy cô và học sinh. Mang đậm nét đặc trưng miền Tây, thi thoảng vào chiều muộn, ông cùng bà con, hàng xóm quây quần ngồi lai rai vài ly rượu gạo với con cá lóc nướng trui, cuộn vài lá sen non. Những lúc này, ông thường kể cho con cháu, thế hệ trẻ ở địa phương về sự khốc liệt của chiến tranh, tinh thần quả cảm của bộ đội ta; đồng thời, trong suy nghĩ, ông luôn kỳ vọng vào sự tiếp nối thành công của thế hệ trẻ.
"Vũ khí bây giờ hiện đại hơn trước nhiều. Đội ngũ phi công giờ trẻ, có kiến thức cao. Chúng tôi đã trải qua chinh chiến, thì đây cũng là bài học kinh nghiệm cho thế hệ trẻ. Giờ đây, tôi vui lắm. Có nằm xuống cũng an lòng rồi. Thấy sướng trong bụng lắm. Đất nước đổi mới nhiều và tôi tin là còn đổi thay hơn nữa", ông Bảy nói.
Chia tay ông với tiếng cười giòn tan, ấn tượng với đôi mắt sáng, chòm râu bạc rung rung trong gió, chúng tôi thực sự xúc động trước nhân cách một con người gần gũi, giản dị, rất đời thường nhưng đã hóa phi thường. Ông Bảy “anh hùng” luôn là tấm gương sáng về ý chí kiên cường của người cộng sản, một phi công tài ba, anh dũng, mưu trí. Tên tuổi ông nơi vùng đất sen hồng Đồng Tháp đi vào lịch sử như một huyền thoại./.
Theo Thanh Tùng/VOV-ĐBSCL