1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Đối phó với nạn quấy rối tình dục công sở

Xã hội hiện đại, sự giao tiếp nơi công sở ngày càng cởi mở và thoải mái. Đó là cơ hội tốt để nạn quấy rối tình dục có dịp “hoành hành” dưới nhiều hình thức tinh vi và nguy hiểm…

Đặc điểm chung của phần lớn những nhân viên nữ bị quấy rối tình dục (QRTD) là nín lặng chịu đựng vì họ không muốn bị thất nghiệp; thậm chí có người sẵn sàng thỏa hiệp với sự QRTD.

 

Bài viết này sẽ không nói nhiều đến nguyên nhân cũng như sự thỏa hiệp trên mà đi sâu vào cách chống đỡ lại những hành vi đó giúp những người đã và có thể bị QRTD không lo lắng, căng thẳng mà vẫn giữ được công việc của mình.

 

Có thể nói, quấy rối tình dục được coi là một nạn bạo hành và hình thức biểu hiện của  việc này cũng vô cùng phong phú. Chỉ đơn giản là liếc mắt đưa tình của nam đồng nghiệp, nhìn chằm chằm vào ngực của bạn, nói bóng gió, gửi ảnh liên quan đến tình dục…

 

Nguy hiểm hơn là động chạm, có những hành động trên cơ thể người khác mà không được sự đồng ý của họ. Hoặc đưa ra những lời đề nghị khiếm nhã, hành động sàm sỡ táo bạo nơi vắng người…

 

Với những hành động còn ở mức độ nhẹ, bạn cũng không nên bỏ qua. Có thể phản ứng bằng thái độ của mình. Một khi họ đã có những email gửi ảnh đồi trụy cho bạn thì họ đã không có sự tôn trọng của bạn, nên hãy thể hiện sự không đồng tình của mình thật rõ ràng để tránh họ lấn tới hơn.

 

Cũng nên cần có những hành vi đúng mực, ăn mặc kín đáo hơn và có những thái độ nghiêm túc khi phòng có nhiều nam đồng nghiệp, hoặc đang bàn công việc với sếp nam của mình. Nếu như bị dồn đến tình huống khó xử thì bạn có thể tìm sự trợ giúp của người khác, của các chuyên viên, công đoàn của doanh nghiệp…

 

Điều đáng nói là nhiều nhân viên bị chính sếp của mình QRTD, nếu như từ chối thì công việc sẽ bị gây khó dễ, không còn cơ hội phát triển chuyên môn đúng với khả năng của mình. Những vị sếp đó thường có lợi thế hơn, họ có thể yêu cầu nhân viên nữ ở lại làm thêm ngoài giờ, đi công tác chung, thậm chí còn trắng trợn đề nghị hay hành động sỗ sàng với nhân viên của mình.

 

Lúc này bạn cần tự trang bị cho mình những hành xử cũng như biện pháp bảo vệ bản thân mình. Nếu được yêu cầu ở lại làm thêm giờ chỉ có bạn và sếp thì khéo léo nhắc nhở sếp là bạn có bạn trai hay người nhà đang chờ đón về hay đi đâu đó. Còn nếu như được yêu cầu đi công tác chung thì bạn có thể “khoe” với sếp về những người thân trong đại gia đình của bạn ở địa phương đó, rằng bạn có thể đi thăm họ, ở lại nhà người thân đó mà vẫn đảm bảo được công việc và được gặp gỡ gia đình. Bạn hãy “tạo” cho những người thân của mình một vài vị trí đáng nể trong xã hội, hay trong chính quyền để sếp của bạn e dè hơn một chút.

 

Còn nếu như trong chính văn phòng mà sếp có hành động khiếm nhã, hay đưa ra “đề nghị” thì bạn có thể tặng sếp một… cái tát. Điều đó đương nhiên sẽ khiến bạn mất việc, nhưng bạn có chắc mình sẽ làm việc được dưới quyền một ông sếp như thế này không?

 

Thực tế mà nói thì phần nhiều những người bị QRTD, họ vẫn chọn giải pháp im lặng hoặc xin nghỉ việc . Với bản thân bạn, khi không thể bỏ việc thì hãy trang bị cho mình vũ khí để “xù lông” lên bảo vệ mình khi cần thiết. Còn nếu không đủ sức thì hãy tìm đến sự giúp đỡ của chính quyền, cơ quan đoàn thể có thể bảo vệ bạn và đảm bảo quyền lợi của bạn tốt nhất.

 

Theo Phạm Vân

Jobviet.com