Đối phó thất nghiệp trước khủng hoảng kinh tế toàn cầu

(Dân trí) - Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2009 so với năm 2007 có thể gia tăng khoảng từ 18 triệu, 30 triệu cho tới hơn 50 triệu lao động mất việc nếu tình hình tiếp tục xấu đi.

Đối phó thất nghiệp trước khủng hoảng kinh tế toàn cầu - 1
Làm gì trước nguy cơ khủng hoảng?
Ba kịch bản về gia tăng thất nghiệp

Báo cáo mới đây của ILO “Các xu hướng việc làm toàn cầu (GET) 2009” đã đưa ra ba kịch bản theo đó tình trạng thất nghiệp toàn cầu trong năm 2009 so với năm 2007 có thể gia tăng trong khoảng từ 18 triệu, 30 triệu cho tới hơn 50 triệu người lao động mất việc nếu tình hình tiếp tục xấu đi.

Đối với toàn bộ khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, ba kịch bản gia tăng thất nghiệp là 8 triệu, 15 triệu hoặc 27 triệu. Kịch bản thứ ba còn đưa ra giả thuyết khoảng 200 triệu người lao động, chủ yếu ở các nước đang phát triển, có thể bị đẩy vào tình trạng nghèo đói cùng cực (thu nhập dưới 1.25 USD/người/ngày).

Kịch bản này cũng ước tính số người nghèo đói ngay cả khi có công ăn việc làm (dưới 2 USD/người/ngày) có thể lên tới con số 176 triệu người, trong đó khoảng 119 triệu người là ở Châu Á – Thái Bình Dương.

“Các đối tác xã hội – các tổ chức đại diện cho người lao động và người sử dụng lao động – cần phải tham gia vào quá trình thiết kế chính sách, và đối thoại xây dựng cần được ủng hộ”, bà Rie Vejs-Kjeldgaard, Giám đốc ILO Việt Nam nói.

“Đối phó với khủng hoảng nên được nhìn nhận như một cơ hội hướng tới tập trung vào tăng trưởng dựa trên nguồn lực nội tại. Điều này bao gồm sự đầu tư nhằm tăng hiệu suất lao động về lâu dài – ví dụ như đầu tư vào kỹ năng của lực lượng lao động, vào nghiên cứu và phát triển, và các biện pháp khác để nâng cao chất lượng lao động, sức cạnh tranh của doanh nghiệp và bảo vệ môi trường. Đặc biệt, cơ hội cho “phục hồi xanh” và “việc làm xanh” là rất lớn”.

Cùng nhau đối phó với khủng hoảng

Trước tình hình đó, từ 18-20/2, các Bộ Lao động và Tài chính, các quan chức cao cấp của LHQ, Ngân hàng Thế giới và các chính phủ, đại diện giới lao động và giới sử dụng lao động của hơn 10 nước thuộc khu vực Châu Á-TBD cùng gặp nhau tại Manila, Philippines để thảo luận các biện pháp hiệu quả nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay.

Đây là diễn đàn khu vực cấp cao “Đối phó với Khủng hoảng Kinh tế - Các Chính sách Liên kết vì Tăng trưởng, Việc làm và Việc làm Bền vững tại Châu Á – Thái Bình Dương” do ILO tổ chức với sự hợp tác của Ngân hàng Phát triển Châu Á và Vụ Lao động và Việc làm của Philippines.

Việt Nam đã cử một nhóm đại diện ba bên (đại diện cho người lao động, người sử dụng lao động và chính phủ) tham dự diễn đàn và chia sẻ các đối sách chống khủng hoảng.

Các chủ đề thảo luận bao gồm tác động của khủng hoảng đối với kinh tế, những người dễ bị tổn thương và xã hội. Vấn đề giới, bảo trợ xã hội, tạo sàn xã hội nhằm giảm bớt tác động của khủng hoảng, tăng cường liên kết chính sách và các bài học rút ra từ cuộc khủng hoảng lần trước cũng sẽ được đưa ra bàn luận.

“Cần khẩn cấp tập trung xem xét cuộc khủng hoảng này đang tác động tới những người lao động bình thường như thế nào”, ông Sachiko Yamamoto, Giám đốc ILO khu vực Châu Á – Thái Bình Dương nói.

Ông Sachiko Yamamoto cũng khẳng định: Để các chính sách trở nên hiệu quả, thì việc tạo ra và bảo vệ công ăn việc làm cần phải được đặt ở trung tâm của các kế hoạch quốc gia nhằm đối phó với khủng hoảng và khả năng gia tăng tình trạng đói nghèo ngay cả khi có công ăn việc làm cần phải được đề cập. Diễn đàn này là một cơ hội quan trọng để xem xét đánh giá hiệu lực của các chính sách đối phó với khủng hoảng và cân nhắc những chính sách nào sẽ tạo vị thế tốt nhất để các nước phục hồi nhanh chóng, bền vững và hợp lý.

Lan Hương