Đối phó khi bị “dọa nạt”

(Dân trí) - Nếu cảm thấy mình bị bắt nạt, bạn không nên chịu đựng trong im lặng mà nên tìm kiếm ngay lập tức lời khuyên từ cấp trên hay bộ phận nhân sự. Việc dọa nạt không phổ biến nhưng cũng không phải chuyện hiếm nơi công sở.

Đối phó khi bị “dọa nạt” - 1
Bạn sẽ cư xử ra sao khi phải đối mặt với “kẻ bắt nạt” chốn công sở?
 
Hành vi bắt nạt chốn công sở là một sự dọa dẫm về tâm lí, diễn ra một cách kín đáo và lặp lại. Nó có nhiều dạng khác nhau và có thể ảnh hưởng sâu sắc tới sức khỏe, tinh thần, mối quan hệ và sự tự tin của bạn. Vậy bạn sẽ cư xử ra sao khi phải đối mặt với “kẻ bắt nạt” chốn công sở? The Andrea Adams Trust – tổ chức đầu tiên trên thế giới được thành lập để giải quyết những vấn đề xung quanh việc bắt nạt chốn công sở, đưa ra một số lời khuyên.

 

The Andrea Adams Trust nói rằng, trước khi bạn quyết định hành động thông qua các cá nhân, phòng ban có thẩm quyền, hãy xem xét cách tiếp cận không chính thức trước. Có thể hành vi đó không chỉ nhằm vào bạn, hãy kiểm tra nếu bất cứ đồng nghiệp nào của bạn cũng trải nghiệm tình huống tương tự.
 

Các yếu tố quan trọng nhất để đấu tranh khi bị bắt nạt là: cứng rắn, duy trì sự tự tin, bình tĩnh và ghi nhớ các chi tiết. Những chi tiết đó sẽ là bằng chứng quan trọng khi có tranh cãi sau đó.

 

Nếu cảm thấy mình bị bắt nạt, bạn không nên chịu đựng trong im lặng mà nên tìm kiếm ngay lập tức lời khuyên từ cấp trên hay bộ phận nhân sự. Việc dọa nạt không phổ biến nhưng cũng không phải chuyện hiếm nơi công sở. Các sếp sẽ xem xét cẩn trọng vấn đề khi nhận được phản ảnh của nhân viên. Đôi khi, nạn nhân của hành vi này có thể cảm thấy xấu hổ hay ngại ngùng khi chia sẻ với người khác bởi họ nghĩ rằng danh tiếng nghề nghiệp của mình sẽ bị ảnh hưởng. Hãy mạnh mẽ vì bạn không có lỗi.

 

Đừng khiến mình bị cách li, hãy tìm kiếm sự ủng hộ và nhớ rằng bạn cũng có sức mạnh vì khả năng hoặc sự nổi tiếng của bạn đe dọa người bắt nạt – đó là lí do tại sao bạn bị bắt nạt.

 

Sau đây là một số việc bạn cần làm để có thể luôn luôn chiến thẳng kẻ bắt nạt mình trong công việc:

 

-         Tìm hiểu nếu công ty có chính sách hay nội quy về việc bắt nạt hay lạm dụng trong công việc

 

-         Nắm rõ phần mô tả công việc của mình để bạn có thể kiểm tra xem trách nhiệm bạn được giao có phù hợp không

 

-         Lưu giữ tất cả các bằng chứng về hành vi của kẻ bắt nạt, ghi lại ngày tháng, chi tiết và bạn có thể viết ra cảm nghĩ của mình cho từng trường hợp

 

-         Giữ lại bản copy của tất cả các bản đánh giá thường kì liên quan tới khả năng làm việc của bạn

 

-         Cố gắng tìm kiếm nhân chứng cho các vụ bắt nạt và tránh để bị cô lập với người bắt nạt

 

-         Nói chuyện với đồng nghiệp để tìm kiếm sự ủng hộ của họ

 

-         Mang tất cả bằng chứng tới bộ phận nhân sự, sếp nếu cần thiết. Hãy thể hiện các phản ánh của bạn một cách khách quan để tránh bị buộc tội khác

 

-         Bình tĩnh và cứng rắn, không cho phép bản thân trở thành mục tiêu dễ dàng nhưng đừng hành động một mình nếu bạn sợ mình sẽ mất kiểm soát dẫn đến hành động nông nổi

 

-         Báo ốm với cơ quan và nghỉ làm nửa hoặc cả ngày không hẳn là dấu hiệu của sự yếu đuối, nó có thể là thời gian để bạn quyết định cần làm gì tiếp theo

 

-         Đảm bảo rằng bạn đáp ứng tất cả những gì được yêu cầu để được giúp đỡ.

 

-         Làm theo trình tự phản ánh của công ty với sự giúp đỡ của công đoàn hay nhân viên nhân sự

 

-         Nếu bạn quyết định nghỉ việc, hãy cho công ty biết rằng bạn ra đi vì bị bắt bạt, nó có thể giúp ích cho những người khác trong tương lai

 

-         Nếu bạn quyết định kiện người bắt nạt hay nhà tuyển dụng vì lỗ hổng tổ chức hay những tổn thương về sức khỏe, tìm kiếm lời khuyên từ công đoàn trước để có nền tảng cơ bản

 

-         Nói chuyện với bạn bè và gia đình để tìm kiếm sự ủng hộ

 

-         Dành thời gian chăm sóc bản thân

 

Vũ Vũ
Theo Deskdemon