Doanh nghiệp tham gia đào tạo hệ TC- CĐ, người lao động có lợi

(Dân trí) - “Dự thảo sửa đổi Luật Lao động cần thiết bổ sung quy định cho phép doanh nghiệp tham gia “sâu” hơn vào quá trình đào tạo hệ trung cấp, cao đẳng. Bên cạnh đó, việc thành lập mô hình Hội đồng kỹ năng nghề cần sớm được thực hiện nhằm gắn kết thị trường và giáo dục nghề nghiệp”.

Ông Trương Anh Dũng - Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) phát biểu

Ông Trương Anh Dũng - Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) nhận định về những nội dung liên quan tới giáo dục nghề nghiệp trong dự thảo sửa đổi Luật Lao động năm 2012.

Được biết, dự thảo sửa đổi Luật Lao động vừa được Bộ LĐ-TB&XH ban hành và lấy ý kiến rộng rãi của dư luận xã hội.

Liên quan tới các nội dung liên quan tới giáo dục nghề nghiệp trong dự thảo, ông Trương Anh Dũng cho rằng điều đầu tiên cần chú ý là việc cải thiện được mối quan hệ giữa doanh nghiệp và hệ thống giáo dục nghề nghiệp trong tương lai.

“Hiện tại, pháp luật lao động quy định doanh nghiệp không phải đăng ký khi tham gia đào tạo trong những trường hợp không cần cấp văn bằng chứng chỉ quốc gia. Tuy nhiên về lâu dài, chúng tôi kỳ vọng doanh nghiệp có thể tham gia sâu hơn vào quá trình đạo tạo nhân lực trình độ trung cấp, cao đẳng” - ông Trương Anh Dũng cho biết.

Doanh nghiệp tham gia đào tạo hệ TC- CĐ, người lao động có lợi - 1

Mô hình doanh nghiệp tham gia vào đào tạo trung cấp, cao đẳng đã được nhiều nước phát triển áp dụng. Qua đó, nhà trường dễ dàng hơn trong việc nắm bắt các những yêu cầu của thị trường lao động và người học cũng không bỡ ngỡ khi ra trường.

Đồng thời, doanh nghiệp cũng chủ động hơn nguồn lực phục vụ sản xuất - kinh doanh.

“Ngay tại CHLB Đức, doanh nghiệp tham gia tới 70 % chương trình đào tạo. Đồng thời, doanh nghiệp thực hiện tuyển dụng công nhân trước sau đó tuyển sinh người học trong số công nhân này” - ông Trương Anh Dũng đơn cử.

Muốn thực hiện được mô hình trên tại Việt Nam, ông Trương Anh Dũng cho rằng, cần thể chế hoá thông qua những quy định cụ thể trong lần sửa đổi Luật Lao động tới đây nhằm giúp doanh nghiệp có thể tham gia sâu hơn vào quá trình đào tạo hệ trung cấp, cao đẳng.

“Để làm được điều này cần cụ thể hoá nhiều yếu tố trong Luật, như: Người dạy học, doanh nghiệp cần có điều kiện ra sao, thời gian đào tạo…” - ông Trương Anh Dũng.

Không chỉ đề xuất việc tham gia về đào tạo, vị Phó Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp còn đề xuất bổ sung mô hình hội đồng kỹ năng ngành. Đây là “sân chơi” rộng hơn cho doanh nghiệp khi tham gia vào lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.

Tổ chức này có nhiệm vụ dự báo nhu cầu kỹ năng nghề trong tương lai, tham gia xây dựng các tiêu chuẩn về kỹ năng nghề, đánh giá và sử dụng nguồn lao động.

Hội thảo Giáo dục 2019 (VEC 2019) diễn ra vào tháng 9 tại Hà Nội

Sáng 10/5, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH công bố sự kiện Hội thảo Giáo dục 2019 (VEC 2019) sẽ diễn ra vào tháng 9 tại Hà Nội.

Hội thảo VEC 2019 có chủ đề "Phát triển giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng và hội nhập quốc tế", là sự tiếp nối thành công của Hội thảo Giáo dục 2017 (VEC 2017) “Về chất lượng giáo dục phổ thông” và Hội thảo Giáo dục 2018 (VEC 2018) “Giáo dục đại học - chuẩn hóa và hội nhập quốc tế”.

Đây là diễn đàn để các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách cùng trao đổi, thảo luận, đề xuất ý tưởng phát triển giáo dục nghề nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hội nhập.

Hoàng Mạnh