Doanh nghiệp sẽ bị khởi kiện nếu không đóng kinh phí Công đoàn

Sáng 4.12, Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TPHCM đã tổ chức chương trình đối thoại doanh nghiệp với chủ đề “Những cập nhật trong Bộ luật Lao động và Luật Công đoàn - những tác động đến hoạt động doanh nghiệp”, với sự tham gia của đại diện một số cơ quan ngoại giao, hàng trăm DN tại TPHCM.

Tại đối thoại này, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Phạm Minh Huân; Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Mai Đức Chính đã trả lời nhiều câu hỏi của DN về pháp luật lao động và công đoàn.
Doanh nghiệp sẽ bị khởi kiện nếu không đóng kinh phí Công đoàn

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Mai Đức Chính (trái) trả lời các DN về những vấn đề liên quan đến CĐ. Ảnh: Nam Dương

Không đóng kinh phí CĐ là vi phạm pháp luật

Luật sư Miki Yasufumi (Văn phòng Luật sư Anderson Mori & Tomotsune Nhật Bản) cho biết, hầu hết các Cty Nhật Bản đều hiểu rõ vai trò của tổ chức CĐ, nhưng nhiều DN muốn biết vì sao DN không có CĐCS nhưng vẫn phải trích nộp kinh phí CĐ? Cách thức đóng như thế nào? Việc sử dụng kinh phí CĐ ra sao và những Cty không đóng phí đó có trái luật không?

Tương tự, luật sư Veera Maenpaa (Văn phòng Luật Pricewaterhouse Cooper Việt Nam) cũng cho biết, có đến 40% các DN chưa có CĐCS không biết cách phải trích nộp kinh phí CĐ 2% như thế nào? Một số DN trong nước phản ánh, dù DN của họ không đủ điều kiện thành lập CĐCS, nhưng khi tiếp xúc với CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở (CĐCTTTCS) để có ý kiến vào nội quy lao động đưa nộp cho cơ quan quản lý lao động thì bị từ chối…

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Mai Đức Chính cho biết, theo quy định tại Điều 26 Luật CĐ 2012, tất cả các DN, dù có hay chưa có CĐCS đều phải trích nộp kinh phí 2%, trong đó có 65% kinh phí này để lại cơ sở để chăm lo cho NLĐ. Tổng LĐLĐVN đã có hướng dẫn cụ thể về việc trích nộp này như thế nào và thực tế đã có rất nhiều DN chưa có CĐCS đã trích nộp kinh phí này và được nhận lại để chăm lo cho NLĐ. DN chưa có CĐCS thì nộp kinh phí CĐ cho CĐCTTTCS, sau đó CĐCTTTCS sẽ chuyển lại 65% để DN thực hiện chăm lo cho NLĐ giống như nơi có CĐCS (chỉ trừ phần tiền lương của cán bộ CĐ).

Theo Phó Chủ tịch Mai Đức Chính, DN có dưới 5 LĐ mới không đủ điều kiện thành lập CĐCS, DN có 10 LĐ trở lên mới có nghĩa vụ xây dựng nội quy LĐ. Như vậy, DN phải xây dựng nội quy LĐ chắc chắn sẽ đủ điều kiện thành lập CĐCS. “Nếu DN đủ điều kiện thành lập CĐCS mà CĐCTTTCS từ chối có ý kiến vào nội quy lao động thì phản ánh trực tiếp với tôi hoặc Tổng LĐLĐVN. Chúng tôi sẽ chỉ đạo để CĐCTTTCS đó phải có ý kiến vào nội quy LĐ của DN” - Phó Chủ tịch Mai Đức Chính nhấn mạnh. Ông đồng thời cung cấp số điện thoại di động như email cá nhân cho các DN.

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Mai Đức Chính khẳng định: “DN không đóng kinh phí CĐ là vi phạm pháp luật. Các cơ quan chức năng đang xây dựng quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực CĐ, mà hành vi không đóng kinh phí CĐ có thể bị xử phạt lên tới 75 triệu đồng. Nếu DN không nộp, CĐ có quyền khởi kiện để đòi khoản tiền này”.

Đồng thời Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Mai Đức Chính cho biết thêm, sắp tới đây Tổng LĐLĐVN và Bộ Tài chính sẽ ký kết liên tịch, theo đó nếu DN không trích nộp kinh phí CĐ, không nộp BHXH, thì khoản tiền đó không được khấu trừ chi phí hợp lý, hợp lệ để tính thuế thu nhập DN. Như vậy, việc trích nộp kinh phí CĐ có lợi là DN được nhận lại 65% để chăm lo cho NLĐ.

Nhiều vướng mắc về pháp luật lao động

Trong khi phần trả lời về CĐ đã thoả mãn được các DN, thì nhiều vấn đề, tình huống cụ thể liên quan đến pháp luật lao động mà DN nêu ra đã khiến cho Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Phạm Minh Huân phải “khất nợ”, do thiếu quy định cụ thể dưới luật hay có sự chồng chéo, mâu thuẫn nhau.

Đơn cử như quy định NLĐ đã hết tuổi lao động, nhưng chưa đủ thời gian tham gia BHXH để hưởng lương hưu thì DN có được quyền chấm dứt HĐLĐ theo quy định tại khoản 4, Điều 36 BLLĐ không? Tiền lương trả cho NLĐ làm thêm vào ban đêm là cộng với 30% hay nhân với 30%? Khi DN cho NLĐ nghỉ vì lý do kinh tế thì trả trợ cấp mất việc cộng với trợ cấp thôi việc hay chỉ trả trợ cấp mất việc?...

Thứ trưởng Phạm Minh Huân thừa nhận khoản 4 Điều 36 BLLĐ là điểm vướng mắc. Vì thế Luật BHXH sửa đổi, bổ sung mà QH vừa thông qua, phải bổ sung quy định cho NLĐ đóng BHXH thêm để được hưởng lương hưu với mục tiêu không làm ảnh hưởng đến an sinh xã hội. Các vướng mắc cụ thể trong BLLĐ sẽ được Chính phủ hướng dẫn trong khi sửa đổi, bổ sung các nghị định hướng dẫn.

Theo ông Phạm Minh Huân, với BLLĐ 2012, Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện các tiêu chuẩn lao động của quốc tế phù hợp với điều kiện của VN, tôn trọng quyền tự do tìm kiếm, lựa chọn việc làm, học nghề của NLĐ; tăng cường tính thoả thuận giữa NLĐ và NSDLĐ, tăng cường đối thoại, thương lượng nhằm xây dựng quan hệ lao động trong DN theo hướng hài hoà, ổn định và tiến bộ; tôn trọng quyền đình công của NLĐ trong khuôn khổ pháp luật.

Hiện nay Chính phủ đã ban hành 10 nghị định nhằm hướng dẫn cụ thể các nội dung của BLLĐ. Do Việt Nam là nước đang phát triển, nên các quy định phải sửa đổi nhiều để phù hợp với việc ngày càng hội nhập sâu, rộng hơn với các công ước của quốc tế.

“Chính phủ kêu gọi cộng đồng DN cùng phối hợp với Nhà nước thực hiện tốt pháp luật nói chung và pháp luật lao động, góp phần cùng đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho NLĐ, bởi họ chính là nhân tố tạo ra lợi nhuận cho DN” - ông Huân nhấn mạnh.
Theo Báo Lao Động