TPHCM:

Doanh nghiệp "quay lưng" với chính sách nâng cao tay nghề cho công nhân

Tùng Nguyên

(Dân trí) - 22 doanh nghiệp nằm trong diện được đào tạo nghề cho người lao động đang làm việc đều không đăng ký, thậm chí, khi Sở LĐ-TB&XH TPHCM mời lên làm việc thì cả 22 doanh nghiệp đều... trốn.

Doanh nghiệp quay lưng với chính sách nâng cao tay nghề cho công nhân - 1

Các doanh nghiệp không "mặn mà" với chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động (Ảnh minh họa: Phạm Nguyễn).

Chiều 30/11, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM đã có báo cáo về công tác đào tạo bổ sung, đào tạo nâng cao cho người lao động trong các doanh nghiệp năm 2023.

Theo đó, ngày 13/3, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động thành phố phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố để thu thập thông tin về tình hình sử dụng lao động, nhu cầu tuyển dụng và nhu cầu bồi dưỡng nâng cao tay nghề cho người lao động.

Kết quả, có 308 doanh nghiệp là thành viên của Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố tham gia thực hiện khảo sát (13 doanh nghiệp nhà nước, 282 doanh nghiệp ngoài nhà nước và 13 doanh nghiệp FDI).

Trên cơ sở thông tin do 308 doanh nghiệp cung cấp và đối chiếu với quy định hiện hành, ngành lao động xác định có 22 doanh nghiệp thuộc đối tượng áp dụng chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Từ đó, Sở LĐ-TB&XH đã triển khai đến 22 doanh nghiệp các thủ tục liên quan để chuẩn bị thực hiện việc đào tạo nghề cho người lao động. Thời hạn các doanh nghiệp phản hồi đăng ký tham gia đào tạo nghề là ngày 30/9 nhưng không doanh nghiệp nào trả lời.

Sở LĐ-TB&XH mời 22 doanh nghiệp trên đến làm việc vào ngày 19/10 để triển khai công tác đào tạo nghề cho người lao động nhưng cả 22 doanh nghiệp không đến tham dự.

Mãi đến ngày 26/10, Sở LĐ-TB&XH mới nhận được thông tin phản hồi của 1 công ty. Tuy nhiên, công ty này không đăng ký tham gia đào tạo nghề (mặc dù trong khảo sát trước đó, công ty nêu nhu cầu là 9 người).

Do đó, trong năm 2023, Sở LĐ-TB&XH không có đủ cơ sở để tổ chức các hoạt động đào tạo nghề cho người lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp.

Theo lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH, trong năm 2024, để công tác tổ chức đào tạo nghề cho người lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp được thuận lợi, Sở sẽ tiếp tục phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố để triển khai đến các doanh nghiệp, thu thập thông tin nhu cầu tham gia đào tạo nghề cho người lao động.

Trên cơ sở đăng ký của doanh nghiệp, Sở LĐ-TB&XH mới đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố tổ chức hoạt động đào tạo nghề.

Đối với công tác hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp, tính đến ngày 30/10, có hơn 138.000 hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp nhưng chỉ có 957 người có nhu cầu học nghề.