Doanh nghiệp nói gì về điều chỉnh lương tối thiểu vùng?
Ngày 3/9, Hội đồng Tiền lương Quốc gia sẽ bước vào kỳ họp quyết định tỷ lệ tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 để trình Chính phủ. Việc điều chỉnh lương được thực hiện từ 1/1/2016.
Cuộc họp nhằm tìm ra tiếng nói chung giữa đại diện cộng đồng doanh nghiệp (DN) là Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), và đại diện người lao động (NLĐ) là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (Tổng LĐLĐ). Báo Doanh Nhân Sài Gòn ghi nhận một số ý kiến đóng góp của DN về vấn đề này.
Bà Lã Thị Lan - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đầu tư Tiến Lộc: Điều chỉnh lương tối thiểu vùng sao cho doanh nghiệp tồn tại
Tôi đồng tình với đề xuất của VCCI về mức tăng lương tối thiểu vùng 2016, bởi vì DN còn nhiều khó khăn, nền kinh tế Việt Nam còn nhiều khiếm khuyết. Hơn nữa cũng phải xem lại năng suất lao động hiện nay còn kém xa các nước lân cận.
Do vậy, việc tăng lương mà không đi cùng với tăng sức cạnh tranh của DN thì sẽ tạo thêm áp lực cho DN. Xin đừng chạy theo "chỉ tiêu" mà áp đặt, đùn đẩy khó khăn cho DN.
Chủ DN luôn biết cách sử dụng nguồn lực lao động thế nào cho có hiệu quả, mà trong đó tiền lương là yếu tố quan trọng nhất, nên hãy tạo điều kiện cho DN và NLĐ tự thỏa thuận mức lương cụ thể trên cơ sở mức lương tối thiểu phù hợp với tình hình và năng suất chung.
Hiện nay, 90% DN thuộc loại nhỏ và siêu nhỏ, cạnh tranh kém, công nghệ lạc hậu, thị trường hạn chế..., đa số phải sử dụng vốn vay từ các tổ chức tín dụng với lãi suất cao và không ổn định.
Quỹ lương đối với ngành sản xuất thường chiếm khoảng 20% giá thành sản phẩm, lợi nhuận khoảng 5%, nếu chi phí tăng cao nữa thì giá đơn hàng sẽ cao, dẫn đến các DN gia công bị cắt hợp đồng.
Ông Lê Viết Hùng - Tổng giám đốc Công ty CP Nhựa Tân Phú: Tăng lương tối thiểu không làm tăng thu nhập cho người lao động
Tăng lương tối thiểu vùng sẽ làm gia tăng chi phí cho DN. Hiện nay, mức đóng các khoản theo lương (bảo hiểm, công đoàn...) ở Việt Nam đã cao và cứ tăng dần theo thời gian.
Đây là gánh nặng cho DN, làm ảnh hưởng đến tính cạnh tranh đối với hàng hóa xuất khẩu khi có quá nhiều chi phí được cộng vào giá thành sản phẩm.
Cũng như nhiều DN khác, Tân Phú trả lương theo kết quả kinh doanh, do vậy việc tăng lương tối thiểu làm phần đóng các khoản của NLĐ tăng lên, vì vậy lương thực nhận sẽ giảm đi.
Như vậy là tác động kép, làm khó khăn thêm cho DN và NLĐ. Hơn nữa, lương tối thiểu vùng tăng lên sẽ làm giá cả, chi phí sinh hoạt tăng lên, gây khó khăn cho đời sống của công nhân viên.
Do vậy, trong trường hợp bất khả kháng, Tân Phú đề nghị tăng lương ở mức tối thiểu có thể.
Cũng liên quan đến vấn đề này, Công ty chúng tôi kiến nghị nên giảm tỷ lệ trích kinh phí công đoàn, giảm tỷ lệ nộp công đoàn cấp trên để DN có điều kiện chăm lo đời sống công nhân; đồng thời cần có cơ chế kiểm soát (như kiểm toán hằng năm) để sử dụng nguồn tiền này một cách hiệu quả nhất.
Ông Hà Duy Hưng - Chủ tịch Hội Da Giày TP.HCM, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Đông Hưng Group: Lương tối thiểu vùng 2016: tăng từ 8% -10% DN mới kham nổi
Hiện nay, mức lương cơ bản tối thiểu tại các DN da giày được xây dựng rất sát với mức lương tối thiểu vùng do Nhà nước quy định.
Thu nhập bình quân của lao động ngành da giày năm 2014 đạt 5,5 triệu/người/tháng, bao gồm lương cơ bản, các khoản phụ cấp, tiền thưởng, các chế độ phúc lợi, nhưng thực tế DN phải chi gần 6 triệu đồng/người/tháng.
Đây được xem là sự cố gắng của các DN trong việc đảm bảo sản xuất - kinh doanh và đời sống người lao động, cũng như góp phần đưa ngành da giày Việt Nam lên hàng Top các nước xuất khẩu của thế giới. Vì vậy, với mức đề xuất tỷ lệ tăng lương tối thiểu vùng từ Tổng LĐLĐ, chúng tôi cho rằng chưa hợp lý.
Vì tăng với tỷ lệ 16,8% có giải quyết được nhu cầu của NLĐ hay không chúng ta còn chưa biết, nhưng nguy cơ DN sẽ mất đi lợi thế thương mại trong quá trình đàm phán với khách hàng là rất lớn. Điều này cũng góp phần ảnh hưởng xấu đến chính sách thu hút đầu tư vào Việt Nam.
Cùng với sự đồng nhất của Hội Da Giày TP.HCM, chúng tôi đề nghị, Nhà nước vẫn thực hiện chính sách tăng lương tối thiểu vùng, nhưng phải trong khung chấp nhận được từ 8% - 10%. Có như vậy, DN mới đảm đương nổi việc kinh doanh, sẵn sàng hội nhập.
Ông Lê Văn Quang - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thủy sản Minh Phú: Doanh nghiệp đang gánh quá nhiều chi phí
Ngành thủy sản Việt Nam năm nay gặp rất nhiều khó khăn, nhất là giá thành sản xuất tôm. Hiện nay, chúng tôi đang phải cạnh tranh với các nước trong khu vực trong điều kiện giá thành cao từ hơn 10% - 20%. Chi phí nhân công của Việt Nam cũng rất cao.
Thái Lan cũng là nước có chi phí lao động cao nhưng khi trao đổi với các DN Thái Lan, tôi mới biết, với DN ở tỉnh, mức lương bình quân khoảng 180USD/người/tháng.
Còn đối với nhân công thuộc các DN đóng tại Bangkok, mức lương bình quân từ 200 - 220USD/người/tháng, cao nhất là 250USD/người/tháng.
Tại Cà Mau, chúng tôi đang trả lương cho nhân công 5,5 - 6 triệu đồng/tháng. Chúng tôi còn phải trả bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và kinh phí công đoàn cho NLĐ. Dĩ nhiên, với ba khoản phí ấy, NLĐ cũng phải chịu một phần, nhưng nếu chúng tôi trừ vào lương là họ nghỉ việc ngay.
Với 16.000 - 17.000 nhân công, chỉ cần trả lương chênh lệch với DN khác từ 50.000 - 100.000/tháng là NLĐ có thể chuyển chỗ làm. Tuy rằng người Việt Nam rất cần cù, khéo tay nhưng năng suất lao động rất thấp, nên giá thành sản phẩm bị đội lên cao.
Chính vì vậy, chúng tôi bị áp lực nhiều thứ, từ giá thành đầu vào cao, chi phí nhân công cao và các chi phí khác cũng cao, nên rất ngại mở rộng đầu tư.
Vừa qua, trao đổi với các DN trong khu vực, tôi mới biết DN ở nước họ chỉ lo mỗi việc kinh doanh, còn ở Việt Nam, DN phải lo tất cả mọi thứ.
Trong điều kiện như thế này, nếu cứ tiếp tục với nhiều khoản phí tăng cao, DN sẽ rất khó phát triển, nhất là trong điều kiện cạnh tranh không công bằng giữa DN Việt Nam và DN các nước.
Theo Báo Doanh nhân Sài gòn