1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Quảng Bình:

Doanh nghiệp may mặc chật vật tìm lao động sau Tết

Tiến Thành

(Dân trí) - Sau Tết Nguyên đán, mặc dù lượng lao động tại Quảng Bình đổ xô đi tìm việc lớn, nhưng ở chiều ngược lại, lao động ngành may mặc lại đang thiếu hụt nghiêm trọng.

Doanh nghiệp chật vật tìm lao động

Cứ sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán, tình trạng thiếu lao động lại xảy ra ở các doanh nghiệp may mặc tại Quảng Bình. Khi tình hình dịch bệnh Covid-19 dần được kiểm soát, cả nước quay trở lại trạng thái bình thường mới. Nhiều lao động Quảng Bình đã trở lại các tỉnh phía Nam và đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài. Do đó, tình trạng thiếu lao động ở các doanh nghiệp may mặc có phần gay gắt hơn các năm trước.

Qua tìm hiểu, hầu hết các doanh nghiệp trong lĩnh vực may mặc tại Quảng Bình đều thiếu lao động khi bắt tay vào thực hiện kế hoạch sản xuất sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Theo đại diện Công ty TNHH S&D Quảng Bình, với quy mô sản xuất hiện có, đơn vị cần đến 2.000 lao động. Tuy nhiên hiện nay, công ty này chỉ có khoảng 1.300 lao động và đang thiếu từ 500-700 lao động. Đó là chưa kể đến việc nhiều lao động phải nghỉ việc để thực hiện nghĩa vụ quân sự và một số khác đi xuất khẩu lao động nước ngoài.

Doanh nghiệp may mặc chật vật tìm lao động sau Tết - 1

Sau Tết Nguyên đán, lao động ngành may mặc tại Quảng Bình đang thiếu hụt nghiêm trọng.

Sau Tết Nguyên đán, song song với việc đẩy mạnh sản xuất, Công ty TNHH S&D Quảng Bình cũng đang nỗ lực để tìm kiếm, tuyển dụng lao động để có thể đáp ứng yêu cầu thực hiện các đơn hàng.

Tương tự, tình trạng thiếu lao động nghiêm trọng sau Tết Nguyên đán cũng xảy ra tại Xí nghiệp May Hà Quảng (thuộc Tổng Công ty May 10). Theo quy mô sản xuất, đơn vị này đang thiếu gần 800 lao động.

"Trong năm 2022, đơn vị thực hiện kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất. Hiện, nhà xưởng, máy móc thiết bị và các điều kiện khác để phục vụ cho việc mở rộng quy mô sản xuất đã sẵn sàng, nhưng chưa tuyển dụng được lao động. Lao động ngành may mặc cũng đòi hỏi phải có kinh nghiệm, do đó việc tuyển dụng tại một địa phương như Quảng Bình cũng không phải dễ dàng", ông Võ Xuân Trung, Giám đốc Xí nghiệp may Hà Quảng cho biết.

Tín hiệu mừng cho người lao động

Mặc dù thiếu hụt lao động trầm trọng sau Tết Nguyên đán, tuy nhiên hiện nay, cùng với nỗ lực kiểm soát dịch bệnh, các doanh nghiệp may mặc nói riêng và các ngành nghề khác nói chung tại Quảng Bình cũng đang nỗ lực để phục hồi mạnh mẽ các hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Doanh nghiệp may mặc chật vật tìm lao động sau Tết - 2

Nhiều công ty may mặc tại Quảng Bình đang "chật vật" tìm lao động.

Việc doanh nghiệp ổn định sản xuất trở lại sau thời gian dài gánh chịu ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 cũng đã tác động tích cực đến thị trường lao động, việc làm. Ngay sau Tết Nguyên đán, nhu cầu tuyển dụng lao động tại các doanh nghiệp ở Quảng Bình đã tăng lên rõ rệt. Còn với doanh nghiệp, họ cũng đang kỳ vọng một năm kinh doanh ổn định và phát triển hơn.

Theo ông Võ Xuân Trung, Giám đốc Xí nghiệp may Hà Quảng, với những tín hiệu khởi sắc đối với ngành dệt may, đơn vị này phấn đấu hoàn thành kế hoạch sản xuất, đạt doanh thu 11 triệu USD, lợi nhuận 19 tỷ đồng, bảo đảm cho lao động có thu nhập bình quân từ 8-9 triệu đồng/tháng/người trong năm 2022.

Ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát, đến nay, Quảng Bình đang thực hiện hiệu quả mục tiêu kép vừa kiểm soát dịch bệnh vừa phục hồi kinh tế, tạo đà cho tái sản xuất, kinh doanh. Hầu hết các xí nghiệp may trên địa bàn đều đang có nhu cầu tuyển dụng lao động, đặc biệt là các doanh nghiệp có kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất.

Doanh nghiệp may mặc chật vật tìm lao động sau Tết - 3

Tới nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Bình đã tiếp nhận khoảng 5.000 chỉ tiêu tuyển dụng, trong đó ngành may mặc là 3.700 chỉ tiêu.

Trên thực tế, theo thống kê từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Quảng Bình, nguồn lao động ở các tỉnh phía Nam trở về quê do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong năm 2021 rất lớn, trong đó có nhiều lao động trong ngành may mặc.

Do đó trong những tháng cuối năm 2021, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh này cũng đã tuyển dụng được không ít lao động. Tuy nhiên, sau Tết Nguyên đán, cùng với tình hình dịch bệnh được kiểm soát và thích ứng an toàn, linh hoạt, nhiều lao động đã trở lại các tỉnh, thành phố phía Nam mới dẫn đến tình trạng thiếu hụt.

Cũng theo Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Bình, thực tế cho thấy, nhu cầu lao động đang tăng cao. Đến thời điểm hiện tại, hơn 40 doanh nghiệp liên hệ với Trung tâm để tuyển dụng lao động, với nhu cầu tuyển dụng khoảng 5.000 chỉ tiêu, trong đó ngành may mặc là 3.700 chỉ tiêu.