Doanh nghiệp dạy nghề: Đẩy nhanh cung cầu trong thị trường lao động

(Dân trí) - "Cả nước có 39 cơ sở dạy nghề lớn của doanh nghiệp. Việc tham gia của doanh nghiệp trong dạy nghề cần được tăng cường nhằm thúc đẩy cung cầu trong sử dụng nhân lực, giảm áp lực về ngân sách và nguồn lực của hệ thống dạy nghề công và góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực …"


Hội thảo “Giáo dục nghề nghiệp - hướng tới sự tham gia tốt hơn của khu vực tư nhân.

Hội thảo “Giáo dục nghề nghiệp - hướng tới sự tham gia tốt hơn của khu vực tư nhân".

Tiến sĩ Cao Văn Sâm - Phó Tổng Cục Trưởng Tổng cục dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH), phát biểu tại hội thảo “Giáo dục nghề nghiệp - hướng tới sự tham gia tốt hơn của khu vực tư nhân". Chương trình do Tổng cục Dạy nghề phối hợp với Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) và Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) tổ chức hôm 2/12 tại Hà Nội.

Phân tích rõ hơn, tiến sĩ Cao Văn Sâm cho biết: “Khi doanh nghiệp trực tiếp đứng ra đào tạo, lao động được thụ hưởng chính sách này sẽ đáp ứng được ngay với yêu cầu của doanh nghiệp. Bởi lẽ, doanh nghiệp hiểu rõ nhất họ cần gì ở người lao động và cung cấp những phương tiện phù hợp để nâng cao hiệu quả dạy nghề. Đây là tính ưu việt của công tác đào tạo nghề có sự tham gia của doanh nghiệp tại Việt Nam».

Theo bà Vi Thị Hồng Minh - Phó Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động (Phòng Thương mại và Công nghiệp VN, VCCI), vai trò của doanh nghiệp dần được khẳng định hơn trong chính sách dạy nghề qua những năm gần đây. «Lần đầu tiên trong Luật Giáo dục nghề nghiệp đã có điều khoản quy định vai trò của VCCI trong công tác dạy nghề ».

Ở cấp triển khai, bà Vi Thị Hồng Minh cho biết: Một số trường nghề cơ khí đã có sự tham gia của doanh nghiệp trong ban tư vấn nghề, như: Trường cao đẳng nghề Long Thành - Nhơn Trạch, công ty Toyota, Huyndai, Trường Hải …


Tăng cường xã hội hoá dạy nghề

Tăng cường xã hội hoá dạy nghề

Trong lĩnh vực du lịch, việc thiết lập mạng lưới giữa nhà trường và doanh nghiệp cũng đã được thực hiện với mô hình trường Saigontourist, trường Hoa Sen, một số khách sạn 4, 5 sao…

« Điều này giúp nhà trường có điều kiện nâng cao năng lực thực tế của giáo viên, kịp thời điều chỉnh hệ thống giáo trình với sự góp ý của doanh nghiệp trong ban tư vấn. Đặc biệt, hiệu quả sau khi áp dụng đã được nhà trường và thị trường đánh giá cao » - Bà Vi Thị Hồng Minh cho biết.

Tại Hội thảo, đại diện VCCI cũng đề xuất, Nhà nước cần hoàn thiện hơn nữa cơ chế chính sách để VCCI và doanh nghiệp tham gia mạnh mẽ hơn vào công tác giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng và tiêu chuẩn năng lực nghề.

«Cần nghiên cứu thành lập Ban điều phối để đẩy mạnh sự liên kết của các đối tác trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Đồng thời, thí điểm thành lập các Hội đồng kỹ năng nghề/Ban tư vấn chất lượng nghề để xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia, đánh giá và cấp chứng chỉ kỹ năng nghề, chứng chỉ hành nghề cho người lao động » - bà Vi Thị Hồng Minh cho biết.

Theo bà Christine Uhder, Điều phối viên của Cơ quan phát triển Pháp và Unesco, nhiều quốc gia tại Châu Á đã triển khai chính sách hỗ trợ dạy nghề trong khối doanh nghiệp. Tại Thái Lan, doanh nghiệp có trên 100 lao động phải tổ đào tạo kỹ năng cho ít nhất 50 % số lao động trong doanh nghiệp của mình. Tại Hàn Quốc, doanh nghiệp có dưới 150 lao động phải đóng góp 0,25 % quỹ tiền lương vào chương trình an ninh việc làm và phát triển năng lực nghề. Trong khi đó tại Malaysia, quỹ phát triển năng lực do chính phủ thành lập đã thu về 137 triệu USD trong năm 2015 nhằm hỗ trợ việc nâng cao tay nghề cho người lao động…

Hoàng Mạnh