1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Doanh nghiệp chỉ còn 3 lao động, nợ BHXH hơn 36 tỷ đồng

Trần Lê

(Dân trí) - Thanh Hóa hiện có hơn 5.000 đơn vị nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp với tổng số tiền hơn 525 tỷ đồng, trong đó có doanh nghiệp chỉ còn 3 lao động nhưng nợ đến hơn 36 tỷ đồng.

Theo bảo hiểm xã hội (BHXH) Thanh Hóa, trong quý I/2022, dịch Covid-19 trên địa bàn có nhiều diễn biến phức tạp, ảnh hưởng bất lợi đến hầu hết các ngành, lĩnh vực, người lao động, người sử dụng lao động và công tác triển khai thực hiện chế độ, chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).

BHXH tỉnh Thanh Hóa đã tăng cường phổ biến, tuyên truyền chính sách, pháp luật của Nhà nước về BHXH, BHYT, BHTN, nhất là các hành vi vi phạm pháp luật về chính sách bảo hiểm. Tiếp tục tham mưu cho địa phương ban hành các văn bản chỉ đạo liên quan đến công tác tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm…

Hằng tháng gửi thông báo kết quả đóng BHXH, BHYT, BHTN đến chủ sử dụng lao động để thực hiện đôn đốc việc đóng, nộp. Thực hiện thành lập các đoàn thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHYT, BHTN và thanh tra đột xuất việc đóng, nộp đối với gần 50 đơn vị.

Doanh nghiệp chỉ còn 3 lao động, nợ BHXH hơn 36 tỷ đồng - 1

Báo cáo tình hình nợ BHXH, BHYT, BHTN của các đơn vị (Ảnh chụp lại).

Đồng thời, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Cục Thuế Thanh Hóa và các đơn vị có ký quy chế phối hợp để vận động, đôn đốc các doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT, BHTN chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN.

Tính đến hết 31/3, toàn tỉnh Thanh Hóa có 5.154 đơn vị với 121.754 lao động, nợ BHXH, BHYT, BHTN, với tổng số tiền hơn 525 tỷ đồng. Cụ thể, có 1.992 đơn vị nợ phát sinh gần 51 tỷ đồng; 1.415 đơn vị nợ đọng hơn 78 tỷ đồng; 1.302 đơn vị nợ kéo dài hơn 78 tỷ đồng; 455 đơn vị nợ khó thu hơn 99 tỷ đồng.

Theo BHXH tỉnh Thanh Hóa, mặc dù đã thực hiện cùng lúc nhiều biện pháp nhằm hạn chế tình trạng nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN, tuy nhiên trong quý I/2022, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, dẫn đến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc thực hiện đóng nộp BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa chấp hành và thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN. Nhiều doanh nghiệp không phối hợp với cơ quan BHXH hoặc cam kết lộ trình trả nợ nhưng không thực hiện.

Một số doanh nghiệp có số lao động nhiều, số tiền nợ lớn và kéo dài như: Công ty TNHH FLC SAMSON GOLF & RESORT có 814 lao động, nợ 18 tháng với số tiền hơn 13 tỷ đồng; Công ty TNHH một thành viên JLG Vina có 117 lao động, nợ 22 tháng với số tiền gần 3 tỷ đồng; Xí nghiệp Sông Đà 10.5 có 195 lao động, nợ 25 tháng với số tiền hơn 8 tỷ đồng; Công ty cổ phần Lilama 5 có 90 lao động, nợ 45 tháng với số tiền hơn 14 tỷ đồng; Chi nhánh Công ty cổ phần Sông Đà 4 có 104 lao động, nợ 46 tháng với số tiền gần 8 tỷ đồng, Công ty TNHH May Vạn Hà có 1.091 lao động nợ 15 tháng với số tiền hơn 15 tỷ đồng...

Một số doanh nghiệp có số nợ lớn, lao động ít hoặc đã giảm hết, thời gian nợ kéo dài, đã thực hiện thanh tra, kiểm tra nhiều lần nhưng không thu hồi được nợ, như: Công ty CP Sản xuất và Thương mại Ba Lan - Bỉm Sơn không còn lao động đóng BHXH, nợ  gần 9 tỷ đồng; Công ty CP công nghiệp tàu thủy Hoàng Long còn một lao động, nợ hơn 7 tỷ đồng; Công ty CP ô tô Minh Chánh, nợ hơn 3 tỷ đồng; Công ty CP XD & TM Minh Dũng, nợ gần 1,5 tỷ đồng, Công ty CP xây dựng Hancorp.2 còn 3 lao động, nợ hơn 36 tỷ đồng…

Một số doanh nghiệp hiện tại không còn văn phòng giao dịch, không hoạt động sản xuất kinh doanh tại Thanh Hóa nhưng số nợ lớn như: Công ty CP xây dựng số 5, địa chỉ tầng 2 nhà Vimeco, lô E9, đường Phạm Hùng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội; Chi nhánh Công ty CP Sông Đà 4, địa chỉ tầng 3, tòa nhà TM, khu đô thị Văn Khê, La Khê, Hà Đông, Hà Nội, trước đây về địa phương xây dựng Nhà máy thủy điện Thanh Sơn, hiện nay công trình chưa hoàn thành nhưng chỉ bố trí một vài lao động làm bảo vệ; Xí nghiệp Sông Đà 10.5, địa chỉ đăng ký liên hệ của đơn vị tại P218, tòa M1C, khu đô thị Thanh Hà, Thanh Oai, Hà Nội là địa chỉ nhà của kế toán.

Để hạn chế và khắc phục tình trạng nợ đóng BHXH, BHYT, BHTN năm 2022, giải pháp trọng tâm mà BHXH Thanh Hóa đưa ra là tiếp tục phối hợp các đơn vị liên quan đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, tổ chức triển khai thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn.

Thực hiện giao chỉ tiêu giảm nợ BHXH, BHYT, BHTN đối với BHXH huyện để phấn đấu thực hiện đến cuối năm 2022 tỷ lệ nợ BHXH, BHYT, BHTN thấp hơn so với tỷ lệ nợ BHXH Việt Nam giao. Đôn đốc thu, giảm nợ, không để phát sinh nợ đóng BHXH, BHTN, BHYT.

Tăng cường cử cán bộ đến cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp để đối chiếu, đôn đốc thu nộp BHXH, BHYT, BHTN; đôn đốc và giải quyết những vướng mắc trong quá trình thực hiện các chế độ BHXH, BHYT, BHTN.