Doanh nghiệp chẻ lương công nhân để trốn đóng BHXH
Nhiều doanhnghiệp (DN) xây dựng thang, bảng lương thành nhiều bậc, nhiều khoản như mứclương, phụ cấp, trợ cấp và các khoản bổ sung khác để trốn đóng BHXH.
Ông Nguyễn Tất Năm, Trưởng phòng Lao động, tiền lương - Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, phân tích như vậy tại hội nghị về tình hình thực hiện Bộ luật Lao động trên địa bàn TP do Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức ngày 20-3.
Ông Năm đánh giá Bộ luật Lao động năm 2012 và các nghị định, thông tư hướng dẫn đã ban hành điều chỉnh rất nhiều vấn đề như việc làm, hợp đồng lao động, học nghề, thương lượng tập thể, an toàn vệ sinh lao động...
Tuy nhiên, các văn bản dưới luật ban hành chậm so với nhu cầu áp dụng pháp luật lao động của DN và người lao động. Cá biệt, một số văn bản hướng dẫn không đúng với quy định của Bộ luật Lao động, gây khó khăn cho quá trình thực hiện. Một số nội dung hướng dẫn không rõ ràng, không cụ thể, khó hiểu khiến cho người thực hiện hiểu theo nhiều cách khác nhau.
Về vấn đề tiền lương, ông Năm cho rằng Điều 90-91 của Bộ luật Lao động đã quy định rất cụ thể về tiền lương, tuy nhiên để áp dụng thực tế còn nhiều hạn chế.
Trong đó nổi lên là cơ chế tiền lương trong DN còn cứng nhắc và thiếu linh hoạt, chủ yếu dựa trên quy định tiền lương tối thiểu do Chính phủ quy định hằng năm về thang, bảng lương.
Ông Năm dẫn chứng hiện nay nhiều DN dùng “chiêu” xây dựng thang, bảng lương nhiều bậc, tách tiền lương thành nhiều khoản như mức lương, phụ cấp, trợ cấp, các khoản bổ sung khác để trốn đóng BHXH.
“Cá biệt nhiều DN quy định tiêu chuẩn nâng lương, điều kiện hưởng trợ cấp, phụ cấp, tiền thưởng và cách thưởng hằng tháng, quý, năm rất phức tạp, khó cho người lao động theo dõi và giám sát thực hiện” - ông Năm cho biết.
Theo ông Năm, hiện nhiều DN đang tồn tại ba loại lương gồm: Lương tham gia BHXH, lương quyết toán thuế, lương thực chi cho người lao động. Điều này gây khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc quản lý, kiểm tra chính sách tiền lương đối với các DN.
Ngoài ra, việc chấp hành quy định về thang, bảng lương trong các DN chưa cao. Thực tế có xây dựng nhưng không áp dụng hoặc áp dụng không đúng.
Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, số lượng DN xây dựng và gửi thang, bảng lương cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động tại địa phương rất thấp so với số DN đang hoạt động. Cụ thể trong năm 2016, có 17.000 DN báo cáo về thang, bảng lương. Dự kiến trong năm 2017 sẽ có 20.000 DN báo cáo về thang, bảng lương.
Do đó, ông Năm kiến nghị cần thống nhất khái niệm tiền lương (tiền lương trả cho người lao động và tiền lương theo hợp đồng lao động - PV) tạo thuận lợi cho người lao động và người sử dụng lao động trong việc giải quyết chế độ chính sách, đóng BHXH và quyết toán thuế.
Cùng đó, cần tăng mức xử phạt vi phạm hành chính đối với vi phạm không gửi thang, bảng lương cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động tại địa phương hoặc áp dụng không đúng, không áp dụng.
Trả lương cào bằng
Mức lương hiện tại của người lao động còn thấp 4-4,3 triệu đồng, chỉ cao hơn mức lương tối thiểu 7%-12%. DN chưa áp dụng đúng thang, bảng lương đã xây dựng, không nâng bậc lương mà chỉ điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng theo quy định, dẫn đến tình trạng người lao động lâu năm nhưng có mức lương bằng người mới vào làm. Cá biệt, DN có nâng lương nhưng không theo đúng các bậc lương dựa trên thang, bảng lương đã xây dựng.
Bà NGUYỄN VÕ MINH THƯ, Trưởng phòng Quản lý lao động, Ban Quản lý các KCX-KCN TP.HCM
Theo PLO.VN