Doanh nghiệp cần làm gì để đưa lao động đi thực tập kỹ năng tại Nhật Bản?
(Dân trí) - Điều kiện để đưa lao động thực tập kỹ năng tại Nhật Bản được nêu trong Nghị định 38/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Cụ thể, theo Nghị định 38/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 20/5/2020, để đưa người lao động đi thực tập kỹ năng tại Nhật Bản, doanh nghiệp dịch vụ không bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài trong vòng 2 năm tính đến ngày nộp hồ sơ đề nghị giới thiệu với phía Nhật Bản, được xem xét giới thiệu để đưa người lao động đi thực tập kỹ năng tại Nhật Bản khi đáp ứng các điều kiện sau đây:
Có cơ sở vật chất để bồi dưỡng kiến thức cần thiết và đào tạo tiếng Nhật đáp ứng quy định tại điểm b khoản 2 Điều 8 của Nghị định.
Có nhân viên nghiệp vụ chuyên trách thị trường Nhật Bản với ít nhất 01 năm kinh nghiệm trong hoạt động đưa người lao động đi thực tập kỹ năng tại Nhật Bản; nhân viên khai thác thị trường ngoài nước và nhân viên quản lý lao động làm việc ở nước ngoài có chứng chỉ tiếng Nhật trình độ từ N2 (chuẩn JLPT) hoặc tương đương trở lên.
Đáp ứng các tiêu chuẩn đối với doanh nghiệp đưa người lao động đi thực tập kỹ năng tại Nhật Bản theo thỏa thuận giữa Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội với cơ quan có thẩm quyền của Nhật Bản.
Nghị định 38/2020/NĐ-CP cũng nêu rõ nguyên tắc hợp tác giữa doanh nghiệp dịch vụ của Việt Nam với tổ chức quản lý của Nhật Bản. Theo đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thống nhất với cơ quan có thẩm quyền của Nhật Bản về nguyên tắc hợp tác giữa doanh nghiệp dịch vụ của Việt Nam với tổ chức quản lý của Nhật Bản và thông báo cho các doanh nghiệp dịch vụ về nguyên tắc hợp tác để thực hiện.
Theo Nghị định 38/2020/NĐ-CP, khi số người lao động do doanh nghiệp đưa đi thực tập kỹ năng tại Nhật Bản từ 200 người trở lên, doanh nghiệp phải cử nhân viên quản lý lao động thường trực tại Nhật Bản và thông tin về địa chỉ, số điện thoại liên lạc của nhân viên này với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Cơ quan đại diện Việt Nam tại Nhật Bản.
Hồ sơ, thủ tục giới thiệu doanh nghiệp dịch vụ đưa người lao động đi thực tập kỹ năng tại Nhật Bản
1. Hồ sơ đề nghị giới thiệu bao gồm:
a) Văn bản đề nghị theo Mẫu số 07 Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Các tài liệu chứng minh đáp ứng quy định tại khoản 1, 2 và 3 Điều 21 của Nghị định này (nếu thay đổi so với hồ sơ doanh nghiệp tại Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội).
2. Thủ tục giới thiệu:
a) Doanh nghiệp dịch vụ nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị giới thiệu trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính tới Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
b) Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đưa tên doanh nghiệp dịch vụ vào danh sách các doanh nghiệp để giới thiệu với cơ quan có thẩm quyền của Nhật Bản, đồng thời có văn bản hướng dẫn doanh nghiệp dịch vụ thực hiện. Trường hợp không giới thiệu, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do.
Minh Anh