1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Đỏ mắt tìm lao động ở nơi cung ứng nguồn lao động

Đồng bằng sông Cửu Long là nơi cung ứng lao động cho các tỉnh miền Đông và Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, ngay tại quê nhà, người sử dụng lao động có nhu cầu lại rất khó tìm lao động. Nghịch lý này không chỉ làm đau đầu các nhà máy, xí nghiệp mà ngay cả chính quyền cũng loay hoay tìm giải pháp.

Đồng bằng sông Cửu Long là nơi cung ứng lao động cho các tỉnh miền Đông và Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, ngay tại quê nhà, người sử dụng lao động có nhu cầu lại rất khó tìm lao động. Nghịch lý này không chỉ làm đau đầu các nhà máy, xí nghiệp mà ngay cả chính quyền cũng loay hoay tìm giải pháp.

Đỏ mắt tìm lao động công nhật

Anh Nguyễn Văn Đức, một nhà thầu xây dựng dân dụng tại Bạc Liêu lắc đầu khi nói đến lao động: “Không biết thanh niên đi đâu mất hết rồi. Thông báo tìm phụ hồ ngày 150.000 đồng cả tuần nay chưa thấy ai”.

Phụ hồ tại Bạc Liêu ngày 150.000 đồng đã khó tìm, thợ chính đã lên đến 250.000 đồng/ngày. Công thợ liên tiếp tăng khiến giá nhận thầu tại Bạc Liêu lên đến trên 25% giá trị công trình.

Đỏ mắt tìm lao động ở nơi cung ứng nguồn lao động - 1
Thiếu nhân công, công trình xây dựng nhà dân dụng gặp khó. Ảnh Nhật Hồ

Trong khi đó, tại vùng nông thôn, lao động công nhật như xịt thuốc trừ sâu, dặm lúa, làm cỏ bờ… kiếm đỏ mắt mới có.

Ông Trần Văn Hậu, xã Ninh Hòa, huyện Hồng Dân, Bạc Liêu than “Thu hoạch lúa thì không vấn đề vì đã có máy gặt đập liên hợp, nhưng dặm lúa, làm cỏ bờ, xịt thuốc sâu… tìm công mãi không ra. Tôi có trên 2ha sản xuất lúa, cần lao động thời vụ nhiều, nhưng tìm mãi không ra”. Ông Hậu thắc mắc: “Hổng biết thanh niên trai tráng bây giờ đi đâu mất hết rồi”.

Cưng công nhân như trứng

Đó là lời ví von của ông Trần Thiện Hải, Giám đốc Nhà máy chế biến xuất nhập khẩu thủy sản Minh Hải (thị xã Giá Rai, Bạc Liêu). Ông Hải giải thích: “Nhà máy tôi xây hẳn nhà cho công nhân. Ở đó có điều hòa, có bếp ăn, có nhà tắm… nhưng họ không chịu vào. Hết giờ làm họ đòi về nhà thôi. Sợ mất công nhân, hàng ngày chúng tôi phải tổ chức xe đưa rước công nhân đến nhà máy làm việc”.

Theo ông Hải, trong các khâu làm việc của công nhân, bộ phận phân cỡ tôm và KCS là quan trọng nhất, nhưng cho đến nay chưa có trường lớp nào đào tạo. Khổ nhất là một số nhà máy mới thành lập “săn” lao động khiến lực lượng có tay nghề càng ngày càng mất đi.

Đỏ mắt tìm lao động ở nơi cung ứng nguồn lao động - 2
Lao động thời vụ vùng nông thôn Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng khan hiếm. Ảnh Nhật Hồ

Cùng quan điểm này bà Âu Ngọc Vững, Tổng giám đốc Cty Chế biến thủy sản xuất khẩu Âu Vững (Bạc Liêu) phản ánh: “Một số nhà máy mới thành lập, trả lương rất cao cho công nhân có tay nghề, nên họ bỏ đi khiến chúng tôi vô cùng khó khăn”.

Lý giải về sự thiếu hụt lao động này, ông Nguyễn Thanh Vũ, Phó giám đốc Sở Lao động Thương binh Xã hội tỉnh Bạc Liêu cho rằng, việc làm tại Bạc Liêu mang tính thời vụ, không liên tục nên lao động có sự dịch chuyển đến nơi có thị trường lao động mà ở đó có tính lâu dài, liên tục.

Theo Nhật Hồ/Báo Lao động